- Người dân ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn đang còn rỉ tai nhau về khu vườn cây cảnh cổ thụ rất lớn thuộc sở hữu của ông N.T. H, trạm trưởng một trạm kiểm lâm trên địa bàn.

Ở Hà Tĩnh, có thể nói không ngoa rằng, chẳng ở đâu mà mật độ cây cảnh cổ thụ lại nhiều như tại thị trấn Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh).

Trên tuyến đường chính, trong ngõ ngách, hàng trăm cây cảnh cổ thụ, đủ các loại, từ lộc vừng (từ địa phương gọi là Mưng) cho đến cây sanh, si...

Phía ngoài khu vườn cổ thụ của ông H.

Cây cảnh cổ thụ được trồng khắp các nơi, từ trước cửa nhà dân, khách sạn cho đến các cơ quan nhà nước, rồi còn có cả những đầu nậu tập kết thành những khu rộng lớn ngay cạnh QL1A.



Những cây cảnh cổ thụ có giá trị lớn được trồng ngay trong vườn nhà của một cán bộ kiểm lâm.

Thế nhưng, người dân nơi đây, đặc biệt là giới chơi cây cảnh vẫn chưa hết bàn tán, rỉ tai nhau về khu vườn cổ thụ, cây cảnh thuộc loại “khủng” của ông H. nằm sát QL1A, đoạn đầu thị trấn Kỳ Anh, đã được đưa về trồng từ mấy năm nay. 

Khu vườn nhà ông H. có nhiều loại cây cảnh, mà đáng kể nhất là những cây cổ thụ lộc vừng. Có những gốc cây “khủng” phải hai người ôm mới hết, được định giá hàng trăm triệu đồng.

Cận cảnh một cây lộc vừng “khủng” có giá trị hàng trăm triệu, theo như giới buôn cây cảnh nói

Theo như một tay buôn cây cảnh, giá của khu vườn cây cảnh cổ thụ này thời điểm hiện tại không dưới 1 tỷ đồng.

Một hàng xóm của ông H. cho biết, ông H. hiện đang giữ cương vị Trạm trưởng Trạm kiểm soát lâm sản Kỳ Hợp, giữ quyền kiểm soát lâm sản khu vực miền tây huyện Kỳ Anh, trên con đường độc đạo 12.

Khu vườn trữ không dưới 20 gốc cây cảnh, trong đó có nhiều cây cổ thụ.

Chẳng biết ông mua hay có người cho, nhưng có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng vợ chồng ông H. không bán.

Khu vườn bạc tỷ nhìn từ phía sau

Một lãnh đạo Hạt kiểm lâm Kỳ Anh cho biết, khu vườn cổ thụ của ông H. đã có từ lâu nên anh em cũng không kiểm tra. Nhưng nếu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì sai.

Một bãi tập kết cổ thụ nằm ngay bên QL1A ở thị trấn Kỳ Anh

Việc ông H., cán bộ của cơ quan kiểm lâm chơi cổ thụ thuộc loại đầu bảng tại đây nên không khó hiểu vì sao tại thị trấn Kỳ Anh, người dân đua nhau ngang nhiên trồng các loại cổ thụ được vận chuyển từ miền núi rừng phía tây Kỳ Anh về trồng như vậy?

Văn bản số 2239/TTg- KTN do Thủ tướng Chính phủ ban hành có nêu rõ: Nghiêm cấm các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, xuất khẩu các loại cây cảnh, cây bóng mát thân gỗ có đường kính đủ quy cách gỗ tròn, có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước.

Đối với cây cảnh gây trồng trong dân; cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có nguồn gốc nhập khẩu (tạm nhập tái xuất), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khi xuất, nhập khẩu phải được kiểm tra chặt chẽ; việc cấp phép xuất nhập khẩu phải bảo đảm đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước và công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Để có căn cứ kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện, Bộ NN và PTNT phải phối hợp với các Bộ ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về xuất nhập khẩu đối với các loại cây này; chủ trì phối hợp với các bộ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có các hành vi tổ chức khai thác, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, xuất nhập khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ trái với quy định của Nhà nước.

Kỳ Anh