- Có lẽ, chưa có thời điểm nào tình trạng khai thác vàng trái phép lại “nóng” như thời điểm hiện tại ở Bắc Kạn, khi cùng một lúc, trên một tuyến sông Bắc Giang dài gần 30km có hàng chục điểm khai thác vàng trái phép.
Một vệt các xã Thượng Giáo, Bành Trạch, Hà Hiệu, Lương Thượng, Thuần Mang, Kim Hỷ, Lạng San, Thượng Ân, Thượng Quan, Nà Phặc, Cốc Đán… thuộc các huyện Na Rỳ, Ngân Sơn, Bạch Thông… từ lâu đã nổi cộm vấn nạn đào đãi vàng trái phép.
Những nỗ lực của chính quyền sở tại đã đẩy lùi “cơn sốt vàng” được phần nào, tuy nhiên, giá vàng tăng mạnh thời điểm vừa qua đã tạo nên sức hấp dẫn ma mãnh khiến các chủ bưởng quay cuồng khai thác vàng trở lại. Và, sự trở lại lần này ồ ạt, táo bạo, quyết liệt hơn xưa!
Điểm khai thác vàng tại bản Nà Làng, xã Lương Thượng, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn. Ảnh: Kiên Trung |
Đường quốc lộ 3B dẫn vào hai huyện Ngân Sơn, Na Rỳ là con đường độc đạo, đồng hành cùng nó là con sông Bắc Giang dài trên 30km. Con sông này, có những khúc dềnh dàng khuất nẻo so với trục đường huyết mạch, nhưng phần lớn chạy song song, chỉ cách đường một đám đất ruộng, bãi soi.
Phần lớn, hoạt động khai thác vàng trái phép đều bám dọc sông, và như thế có nghĩa là ôm theo trục đường quốc lộ. Vì thế, có những điểm nào khai thác vàng tặc, có bao nhiêu điểm…, ai cũng có thể nhìn thấy cả.
Đêm ngày 10/11/2011, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến những khai trường vàng tặc thắp điện thâu đêm khai thác vàng trái phép ở một loạt các xã ven sông.
Theo phản ánh của người dân, các đối tượng khai thác vàng trái phép thường diễn ra về đêm, còn ban ngày đều án binh bất động.
Đó là chiêu thức đối phó với chính quyền sở tại và các đoàn công tác, kiểm tra tình hình quản lý, cấp phép, khai khoáng trên địa bàn.
Tuy nhiên, điều đáng bàn, các đối tượng công khai chạy máy phát thắp điện lung linh, cùng với tiếng máy xúc, máy sàng tuyển… vận hành hết công suất. Tất cả những hoạt động khai thác trái phép này đều được cảnh giới bằng một đội “chim lợn” chốt ở các điểm nhạy cảm.
Khi có “đối tượng lạ” hay lực lượng chức năng xuất hiện, chim lợn sẽ báo về các bãi khai thác để các đối tượng tẩu tán, bỏ trốn khỏi hiện trường. Cách thức đối phó này đã nhiều lần “vô hiệu hóa” khiến các tổ kiểm tra phải… về tay trắng.
Một bãi khai thác cát và tận thu vàng trên sông Bắc Giang - địa điểm chảy qua xã Lạng San, huyện Na Rỳ - Ảnh: K.Trung |
Bắt đầu đến địa phận xã Thuần Mang (huyện Ngân Sơn), xe của chúng tôi được “chăm sóc” bởi một chiếc xe ga không biển số. Hai người đàn ông trên chiếc xe này kiên nhẫn bám theo sau, “đồng hành” trên một chặng đường dài.
Trên trục đường này, không riêng gì các xe lạ, tất cả các xe (dù mang biển số 97 hay không) chạy về đêm qua đoạn đường này đều được “chăm sóc”. Các “chim lợn” trực sẵn ở các điểm cua, hay một ngách đường xương cá nào đó làm nhiệm vụ cảnh giới.
Khi có “động”, thông tin sẽ được báo về để “hậu phương” kịp thời trở tay. Chiêu thức xưa cũ này thực sự có hiệu quả ở Ngân Sơn, Na Rỳ bởi đây là vùng địa bàn đồi núi, địa hình phức tạp, khó khăn…
Chiếc xe bám đuôi lúc rì rì ở phía sau, lúc vọt lên phía trước. Đêm chưa khuya nhưng lượng xe qua lại trên trục đường 3B rất ít, chỉ có xe của chúng tôi, chiếc xe “chim lợn”, một vài xe bốn chân trọng tải lớn cùng chiều hay ngược chiều chở đằng sau một chiếc máy xúc kềnh càng - phương tiện cơ giới góp sức quan trọng cho các bưởng vàng, vì một đêm nó có thể “ngoạm” hết cả một vạt đất rộng vài trăm mét.
Thắp điện thâu đêm khai thác vàng tại mỏ vàng Nà Làng (xã Lương Thượng) |
Không thấy biểu hiện khả nghi, theo sau chúng tôi chừng hơn chục km, chiếc xe chim lợn quay đầu. Đêm rừng vắng lặng. Sương đêm thốc ra từ những nách đường lạnh cóng.
Gió núi mang theo tiếng máy nổ khô khốc, lúc xa lúc gần, nhưng không thể trộn lẫn với tiếng động cơ xe. Chúng tôi đang sắp tiếp cận một điểm khai vàng trắng đêm như thế…
Đến địa phận bản Nà Làng, xã Lương Thượng, khung cảnh tấp nập, rộn ràng chưa từng có hiện ra trước mắt: hàng chục chiếc xe tải chở đất, 5 – 6 chiếc máy xúc, hệ thống sàng tuyển… đang cùng lúc vận hành.
Rất nhiều công nhân đang miệt mài làm việc dưới đêm. Điện thắp sáng cả một vệt rộng ở khai trường được kéo ra từ trạm điều hành. Trên những chiếc máy xúc, đèn pha sáng chói hắt tứ phía theo hướng xe di chuyển.
Ngần ấy chiếc máy cùng hoạt động đã xé toác cảnh yên bình, vắng lặng về đêm của vùng rừng yên tĩnh. Khai trường này rộng cả chục ha, và nằm trọn vẹn trong một thung lũng khá bằng phẳng.
Công trường khai thác vàng mỏ Nà Làng vào ban ngày |
Tiếp tục đi sâu vào trong, đến địa phận xã Lạng San (huyện Na Rỳ), tại một điểm có tên Nà Diệc, hình ảnh tương tự diễn ra trước mắt, chỉ có số lượng máy xúc là ít hơn, và không có xe tải chở đất. Khai trường này bó hẹp trong phạm vi một khúc sông. Khoảng hơn chục người đàn ông đang làm việc về đêm…
Rất dễ nhận biết những bãi vàng như thế này, bởi dọc sông Bắc Giang rất ít khu dân cư sinh sống.
Các chủ bưởng dựng lán trại dọc theo các khúc sông, và tiến hành đào ao, đánh ục để moi vàng theo dạng “cuốn chiếu”, hết khúc này mới sang khúc khác. Ánh điện thắp sáng, tiếng động cơ máy nổ… là những thứ không thể giấu được!
Buổi sáng ngày hôm sau khi quay trở lại, chúng tôi được biết khai trường quy mô, náo nhiệt tại xã Lương Thượng đêm qua thuộc bản Nà Làng, và là dự án được cấp cho DN Hùng Dũng Hamico – một DN lớn chuyên về khai khoáng, chế biến tre, gỗ của Bắc Kạn.
Diện tích mỏ cấp cho đơn vị này trên 19ha, trong đó nhiều diện tích là đất nông nghiệp. Thời hạn khai thác là 3 năm, thời gian khai thác thực hiện theo đúng quy định pháp luật về giờ làm (ngày 8 tiếng). Tuy nhiên, DN này vẫn làm thâu ngày đêm.
Ông Nguyễn Công Tiệu, người dân sống liền kề với khai trường cho biết: từ khi DN này về, cả bản mất ngủ vì tiếng máy chạy suốt ngày đêm. Tuy nhiên, không ai dám kêu ca và không biết kêu ca với ai, vì được biết mỏ này do nhà nước cấp.
Cũng theo ông Tiệu, năm nay, năng suất lúa của bản có nguy cơ giảm nhiều, cây lúa ra hoa mà không chịu cúi (vào hạt) vì thiếu nước tưới tiêu do đơn vị đào vàng chặn dòng.
Trao đổi với
VietNamNet, ông Hứa Văn Tuấn – Trưởng phòng nhân sự công ty Hùng
Dũng (đơn vị khai thác mỏ vàng Nà Làng) cho biết: cty được cấp mỏ,
có giấy phép hẳn hoi. Việc khai thác cả ngày đêm đó là việc của
doanh nghiệp do phân chia theo ca kíp. “Chúng tôi
không thấy đơn từ kiện cáo gì, nếu có chúng tôi đã giải quyết đơn
thư!”. Về khía cạnh
này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Văn Du thẳng thắn:
“Ai nói với các anh như thế? Ai cho phép DN khai thác cả đêm? Chúng
tôi chỉ cho phép làm theo luật lao động, ngày làm 8 tiếng. Họ làm
như vậy là sai rồi!”.
Kiên Trung