- Thông tin về chú ba ba nặng gần nửa tạ khiến giới chuyên môn sửng sốt. Đây là con ba ba được đánh giá là “vô địch” Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
XEM CLIP
TẠI ĐÂY |
Những con ba ba làm… tốn giấy mực nhiều tờ báo
Trước khi xuất hiện hai con ba ba khổng lồ ở Tây Bắc, thời điểm giữa tháng 11/2011, thông tin ông Nguyễn Bá Toàn (ở Gia Lâm, Hà Nội) đã phát hiện một con ba ba khổng lồ ngụp lặn ven sông Hồng.
Sau gần nửa giờ vật lộn với “thủy quái”, ông Toàn đã mang được con ba ba nặng 22kg lên bờ.
Ba ba "nữ hoàng" nặng 33kg ở Long An. |
Ngay sau khi bắt được con ba ba này, ông Toàn đã bán với giá 80 triệu đồng. Giá của con ba ba này được nâng lên mức 180 triệu ngay sau đó. Có nhiều thông tin, con ba ba nặng 22kg này đã được “thổi” lên tới 300 triệu đồng.
Với những hình ảnh về con ba ba này, ông Đặng Hữu Duyên – “ông tổ nuôi ba ba gai” ở Sông Mã khẳng định: đó là con ba ba gai - một loại quý hiếm đang được bà con ở Tây Bắc nuôi phổ biến trong nhiều năm nay và là vật nuôi mang lại đời sống kinh tế khá giả cho nhiều hộ dân huyện Sông Mã.
Ba ba nặng 22kg do ông Nguyễn Bá Toàn bắt được trên sông Hồng. |
Ngày 13/1/2009, thông tin ông Dương Văn Rô (xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) trong lúc mò tôm dưới rạch, đã bắt được một con ba ba dài 55 cm, nặng gần 23 kg cũng đã được Thông Tấn xã Việt Nam đưa tin.
Con ba ba này được ông Rô bán với giá 10 triệu đồng, tương đương với khoảng nửa cây vàng ở thời điểm bấy giờ.
Một chú ba ba khác được mệnh danh là “nữ hoàng” cũng nổi tiếng không kém, và được đánh giá có giá trị lên tới nhiều chục ngàn USD.
Đó là hai "nữ hoàng" ba ba ở Đồng Tâm, Long An: một màu đen và một màu vàng thuộc giống loài đặc biệt quý hiếm, có một không hai ở Việt Nam và cả trên thế giới. Hai con ba ba này còn có tên gọi khác là cua đinh (hay ba ba Nam bộ), tên khoa học là Trionyx Cartilagineus, họ ba ba Trionychidae, có khả năng cân nặng tới 70-80 kg và sống trên 100 năm.
Chúng hiện đang được nuôi và chăm sóc trong hai hồ kính tại Trại rắn Đồng Tâm. Con ba ba màu đen đã 26 năm tuổi, nặng 34kg; con ba ba màu vàng 25 tuổi nặng khoảng 33kg.
Ba ba khổng lồ nặng nửa tạ ở Tây Bắc |
Hai con ba ba này được nuôi với chế độ “ăn kiêng” khá đặc biệt: chúng chỉ được cho ăn một lần một ngày vào lúc 10 giờ sáng, chủ yếu ăn cá, cua, ốc, tôm… tất cả tổng cộng khoảng 700g thức ăn.
Tuy vậy, hình dáng của chúng vẫn rất mập mạp, nhưng khá nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Đã sống mấy chục năm tuổi nhưng chúng hầu như không bị bệnh tật gì, nếu có chỉ là bệnh ký sinh trùng ngoài da.
Trong hai con ba ba Nam bộ này thì con ba ba màu vàng được coi là quý hiếm nhất Việt Nam và cả trên thế giới. Đây là con ba ba bị đột biến gen về nhiễm sắc thể, toàn thân nó có màu vàng tươi rất đẹp, trên mai có màu vàng đậm hơn.
Lai lịch của “nữ hoàng ba ba” này cũng là một câu chuyện đầy hấp dẫn: hơn hai mươi năm trước nó được một nông dân ở Phụng Hiệp, Hậu Giang mang tới trại, như cách "tạ ơn" các chiến sỹ ở trại đã chữa giúp khi ông bị rắn độc cắn.
Người nông dân đề nghị trại nghiên cứu thêm vì màu vàng của chú ba ba này rất đặc biệt. Khi người nông dân này tình cờ bắt được nó ngoài ruộng, chỉ nặng khoảng 600-700g, mai mềm màu vàng tơ rất lạ.
Một nhà nghiên cứu động vật quý hiếm người Mỹ khi đến tham quan trại rắn đã phải thốt lên rằng, qua bao nhiêu năm tìm hiểu các nguồn thông tin, đến lúc đó ông mới tận mắt chứng kiến một con ba ba đặc biệt như thế, bởi theo ông trên thế giới hiện chỉ có hai con loại này, nhưng con còn lại thì chưa ai thấy.
Có tin đồn, một đại gia khi xuống đây đã trả giá 25.000 USD để mua, nhưng nó là tài sản chung vô cùng quý hiếm nên cán bộ của trại kiên quyết không bán.
Những cá thể ba ba khổng lồ trên đã thu hút được sự quan tâm của hàng triệu độc giả, và khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Tuy nhiên, những con ba ba đó sẽ thực sự “khổng lồ”, nếu không có sự xuất hiện của chú ba ba nặng gần nửa tạ ở Tây Bắc.
So sánh về số đo, cân nặng của cá thể ba ba của hộ gia đình anh Đặng Thanh Hải (thị trấn Sông Mã, Sơn La), với những con số 0.85m – 0.50m – 0.30m và 45kg, chú ba ba này đang giữ số đo vô địch về trọng lượng, kích thước về ba ba gai ở Việt Nam.
Sửng sốt ở “xứ sở” ba ba khổng lồ
Nghề nuôi ba ba gai ở Sông Mã có từ vài chục năm trở lại đây. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Sông Mã đã có hàng trăm hộ nuôi ba ba gai. Đây cũng là vật nuôi giúp không ít hộ thoát nghèo trở thành tỷ phú.
Ông Đặng Hữu Duyên, cha đẻ của anh Đặng Thanh Hải – người đang sở hữu hai con ba ba khổng lồ ở Tây Bắc, là người đầu tiên đưa nghề nuôi ba ba gai về Sông Mã.
Sông Mã - xứ sở của ba ba khổng lồ! |
“Thời điểm bắt đầu nuôi ba ba gai, khi đó tôi mới gần 50 tuổi, bây giờ tôi đã hơn 70 tuổi. Như thế, gần 30 năm kinh nghiệm gắn bó với con ba ba gai ở Tây Bắc” – ông Đặng Hữu Duyên, chủ tịch Hội nuôi ba ba gai huyện Sông Mã chia sẻ.
Thời điểm đó, ông Duyên tự mày mò học hỏi, tự mình nghiên cứu cách thức nuôi ba ba gai. Sau ngần ấy thời gian, những kinh nghiệm có được đã đưa ông lên ở hàng “chuyên gia” về ba ba. Con ba ba gai đã thực sự xóa nghèo cho gia đình ông.
Ông Duyên đã không ngần ngại phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân trong xóm. Thời điểm bây giờ, các hội viên của ông đã lên tới con số hàng trăm.
Dù là khu vực Tây Bắc, địa hình cao, núi non hiểm trở, thế nhưng ở thị trấn Sông Mã, số lượng ao hồ dày đặc còn hơn cả những vùng đồng bằng chiêm trũng ở Bắc Bộ. Mỗi gia đình có từ ba đến bốn chiếc ao tự đào, xây gạch bốn xung quanh, và liền kề nhau thành một hệ thống.
Mỗi một chiếc ao có diện tích lên tới vài trăm m2, và được chia theo chức năng riêng biệt: ao nuôi ba ba sinh sản; ao nuôi ba ba giống; ao nuôi ba ba trưởng thành…
Cắt khúc cá làm thức ăn cho ba ba ở Sông Mã |
Đáy ao được đổ cát và có độ dốc để ba ba di chuyển ở các độ sâu khác nhau. Mực nước trong ao luôn ở mức trên dưới 1,5m.
Khi nghề nuôi ba ba gai ở Sông Mã đã phát triển, các hộ dân ở đây tự nhân giống bằng cách nuôi ba ba snh sản, cho ấp nở trong điều kiện tự nhiên, nuôi “gột” ba ba con, đạt đến một trọng lượng nhất định mới đưa xuống ao nuôi.
Ông Duyên cho hay: trong những chiếc ao nuôi ba ba ở Sông Mã, những con ba ba có trọng lượng dưới 20kg rất nhiều. Đó là những cặp ba ba bố mẹ, nuôi để đẻ trứng và cho ấp nở lấy ba ba giống. Mỗi họ gia đình cũng phải có từ 2 -3 cặp ba ba bố mẹ.
Năm 1990, hộ gia đình ông Bảo (hội viên hội nuôi ba ba huyện Sông Mã, là hàng xóm của ông Duyên) bắt được 3 cá thể ba ba tự nhiên ngoài sông Mã. Khi đó, mỗi một cá thể ba ba này đã nặng gần chục kg. Một trong 3 con ba ba đó, sau hơn 20 năm được ông Bảo nuôi trong ao, đã đạt tới trọng lượng 45kg. Nó chính là con ba ba mà gia đình ông Duyên vừa mua lại.
“Đây là trường hợp đầu tiên và hiếm hoi mà tôi gặp trong suốt 30 năm nuôi ba ba. Tỷ lệ một con ba ba nặng ngót nửa tạ chỉ có xác suất 1/1000, tức là cực kỳ hiếm hoi, vì nó phải chọn lọc tự nhiên rất gắt gao. Ba ba gai, dù nuôi lâu cũng chỉ có trọng lượng trên dưới 20kg là cùng. Vì hiếm nên nó càng trở nên quý giá”.
Hệ thống ao nuôi ba ba của gia đình anh Đặng Thanh Hải, thị trấn Sông Mã |
Gia đình anh Đặng Thanh Hải đã xây dựng hệ thống ao nuôi gồm bốn chiếc ao lớn liền kề nhau, và được phân chia theo chức năng.
Năm 2010, anh Hải xuất một mẻ ba ba gai thịt gần nửa tấn, với giá 2,5 – 3,0 triệu đồng/kg. Năm 2011, anh bán được 800 con ba ba giống gần 1 tuần tuổi, mỗi con giống có giá 800 ngàn đồng/con.
“Thương lái Trung Quốc lên tận nơi gom hàng, và vì giá trị của nó lớn như thế, chúng tôi cũng chưa bao giờ dám thịt một con để ăn” – anh Hải thật thà.
Nếu tính theo số lượng hội viên, mỗi hộ nuôi trung bình có từ hai đến ba cặp ba ba bố mẹ, hiện ở Sông Mã có tới cả ngàn con ba ba có trọng lượng nặng vài chục kg. Vì lý do đó, Sông Mã được gọi là “xứ sở ba ba khổng lồ”.
“Khi ông Toàn bắt được con ba ba ở sông Hồng nặng 22kg, tôi biết ngay đó là con ba ba gai. Những con có trọng lượng ngần này, ở huyện Sông Mã rất nhiều nên tôi không ngạc nhiên lắm. Tuy nhiên, với những cá thể ba ba có trọng lượng lớn như thế, giá trị của nó không thể tính theo giá ba ba thương phẩm, mà là độ cực quý hiếm!” – “ông tổ ba ba Tây Bắc” Đặng Hữu Duyên cho biết.
- Kiên Trung