- Sau khi lên nắm quyền Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng  với cương vị là “tổng tư lệnh của ngành” đã có nhiều hành động quyết liệt nhằm giải quyết những vần đề “nóng” của ngành giao thông hiện nay.

Trước ngày Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT, VietNamNet mời độc giả cùng nhìn lại những hành động của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc giải quyết những vấn đề “nóng” của ngành giao thông đang được dự luận đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua.

“Trảm” nhà thầu chậm tiến độ


Mở đầu cho việc chấn chỉnh tình trạng nhiều công trình của ngành giao thông chậm tiến độ, ngay sau khi lên nắm quyền bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng đã thực hiện chính sách quyết liệt bằng việc “trảm tướng” tại công trường.

Ngày 4-10, sau khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thay ngay tổng chỉ huy công trình.
Sáng nay (23/11) Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng.

Theo kế hoạch, nhà ga phải đưa vào khai thác từ quý I-2010 n
hưng việc thi công hết sức ì ạch khiến dự án chậm tiến độ gần hai năm.
 
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Thăng chính thức tuyên bố ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng HK miền Nam, sẽ thay ông Đặng Hồng Cương (Trưởng BQL dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng) làm tổng chỉ huy, toàn quyền điều hành toàn bộ công việc từ ngày 5-10.

Trước đó, ngày 3/10, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ thi công toàn tuyến tại Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Tại đây, Bộ trưởng Thăng nhận thấy, tiến độ thi công dự án này đã chậm gần 1 năm. Nguyên nhân do chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát chưa phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ, trong khi cơ quan tham mưu của Bộ chưa chỉ đạo quyết liệt.

Bộ trưởng đã yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục chính theo đúng kế hoạch đã cam kết. Nếu không đảm bảo những tiêu chí như ban đầu chủ đầu tư cần thay nhà thầu khác. Ngay sau đó, Ban quản lý dự án 2 (PMU2) đã thay 5 nhà thầu không đảm bảo tiến độ.

Ngày 22/10, thị sát dự án xây dựng nhà ga T2 sân bay Nội Bài, ngay sau khi nghe ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Nội Bài - chủ đầu tư dự án báo cáo, thấy dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Thăng  Đinh La Thăng yêu cầu cần phải đẩy nhanh tiến độ gấp đôi.

Bộ trưởng Thăng đề nghị nghiên cứu thuê hẳn BQL dự án có năng lực để sớm giải quyết các khó khăn và cuối tháng 11 phải khởi công dự án.

Gần đây nhất, ngày 21/11, ông Thăng đã yêu cầu tạm đình chỉ công tác Giám đốc điều hành dự án đường ô tô cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương để làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan tới việc một số vị trí trên tuyến bị hư hỏng cục bộ.
Bộ trưởng Thăng thị sát dự án nhà ga T2 Nội Bài.

Sau những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong các lần đi kiểm tra dự án, đến thời điểm này nhiều dự án giao thông đã có bước chuyển biến về tốc độ thi công. Trong đó, dự án nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài đang được đẩy nhanh tốc độ thi công, chủ đầu tư, nhà thầu khẳng định đáp ứng được tiến độ như Bộ trưởng Đinh La Thăng đề ra.

Giải quyết ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông

Ngày sau khi lên nắm quyền Bộ trưởng Bộ GTVT, dưới dự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp để nhắn giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

Bộ GTVT đã có hàng loạt chính sách trình Chính phủ như: hạn chế xe cá nhân (xe máy, xe ô tô và taxi), phân làn đường trên các tuyến phố, tập trung phát triển xe buýt trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại thực tế của người dân.

Để vận động người dân đi xe buýt ông Thăng hứa đi làm bằng xe buýt mỗi tuần một buổi, yêu cầu cán bộ Bộ mình cũng thực hiện như vậy.Trong vụ lái và phụ xe buýt bắt hành khách quỳ vì đi nhầm tuyến, ông Thăng cũng lên tiếng yêu cầu đình chỉ làm việc ngay.

Đặc biệt, để bắt tay vào việc giảm ùn tắc nội đô ở 2 thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM, Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án đổi giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Những giải pháp trên đang được ngành giao thông chỉ đạo quyết liệt và trình Chính phủ chấp thuận để thực hiện.
Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp để nhắn giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

Cùng với ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông cũng đang là vấn nạn nhưc nhối được ngành giao thông quan tâm giải quyết. Trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 11.036 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.265 người. So với cùng kỳ năm ngoái giảm được 181 vụ (1,61%), giảm 118 người bị chết (1,26%).

Là người đứng đầu ngành, ông Thăng thừa nhận, tai nạn, ùn tắc giao thông đã trở thành nỗi bức xúc. Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra "đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu".

“Những người làm giao thông thấy đau xót, nhức nhối khi mỗi năm có hàng chục nghìn người chết vì TNGT...”, ông Thăng bộc bạch.

Ngành giao thông cũng thẳng thắn nhìn nhận, để xảy ra tình trạng trên, một phần do công tác quản lý nhà nước còn thiếu sót, chưa quyết liệt. Ý thức chấp hành pháp luật của dân còn rất kém, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia diễn ra phổ biến, chế tài xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng nhờn luật.

Từ thực trạng ùn tắc và tai nạn giao thông nói trên, Bộ GTVT đặt ra mục tiêu sắp tới sẽ giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông hàng năm. Giảm thiểu các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút.

Một giải pháp cấp bách được người đứng đầu ngành giao thông cho răng cần phải quy định trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức. Tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép. Xử phạt cao nhất các hành vi vi phạm điều khiển phương tiện. Nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện xe cơ giới…

Tái cơ cấu DN nhà nước thuộc ngành


Đối với các doanh nghiệp nhà nước ngành giao thông, khi lên nắm quyền, Bộ trưởngThăng thẳng thắn nhìn nhận: Về quy mô vốn, hầu hết các công ty của ngành giao thông đa phần đều đang nợ từ trước chưa trả hết. Do vậy hiện nay các doanh nghiệp báo cáo lãi thì những khoản lỗ cũ vẫn “treo lơ lưởng trên đầu”.

Thêm vào đó, hiện tượng các công ty con có xu hướng “ly khai” công ty mẹ của ngành giao thông là do các Tổng công ty chưa có vai trò, hoặc không có vai trò gì đối với công ty con.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo: Cần phải tái cơ cấu tổng thể DNNN, nhưng phải xác định rõ vai trò của tổng công ty mẹ, kể cả công ty mẹ chi phối về vốn, thị trường, công nghệ... thì mới gắn kết trong một khối được.

Đi vào phân tích những khó khăn vướng mắc trong tái cơ cấu nền kinh tế ngành, trong Hội nghị tổng kết 10 năm đổi mới doanh nghiệp ngành GTVT mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng mạnh dạn đề xuất với Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh “cần phải sửa đổi luật đấu thầu, bởi, “luật đấu thầu là luật tệ hại nhất kìm hãm sự phát triển của đất nước”.

“Luật đấu thầu nếu làm đúng thì rất tốt, nhưng hiện tại luật đấu thầu đã bị biến tướng quá nhiều và đấu thầu không thực sự chọn được nhà thầu có năng lực, có điều kiện để làm”, Bộ trưởng Thăng nói.


Vũ Điệp
(tổng hợp)