- Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành văn bản hướng dẫn công bố dịch. Chiểu theo văn bản này, có thể nhiều địa phương sẽ phải công bố dịch chứ không thể cứ nhắc lại điệp khúc “dịch vẫn trong tầm kiểm soát” như trước đây được nữa.

Cụ thể hóa điều kiện công bố dịch

Theo quyết định của Thủ tướng chính phủ, điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:

1/. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

2/. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn công bố dịch bệnh cụ thể, chi tiết hơn để các địa phương áp dụng (Ảnh: VietNamNet)

Những nội dung trong quyết định trên có chỗ còn chưa rõ ràng, bởi xác định được cụ thể thế nào là số mắc dự tính bình thường, thế nào là số mắc “vượt quá”, xác định số mắc đến đâu thì vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế, vv … là chưa cụ thể, khó đo lường chính xác để làm căn cứ đưa ra quyết định công bố dịch.

Đây cũng là lý do khiến các địa phương có số mắc và tử vong vì bệnh tay chân miệng rất cao nhưng không công bố dịch vì cho rằng “chưa đủ điều kiện”.

Vì thế, ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành một văn bản hướng dẫn công bố dịch bệnh truyền nhiễm (bên cạnh quyết định của Thủ tướng). Văn bản hướng dẫn này đã cụ thể hóa các điểm còn chung chung như đã nêu ở trên.

Theo đó, địa phương công bố dịch bệnh truyền nhiễm khi hội đủ 2 điều kiện sau:

1/. Có số mắc bệnh truyền nhiễm vượt số mắc trung bình 5 năm trở lại đây.

2/. Khi có ít nhất 1 trong 4 yếu tố sau: Địa phương đã thực hiện đúng các hướng dẫn chống dịch của Bộ Y tế mà số mắc vẫn tăng; Có sự biến đổi tác nhân gây bệnh làm tăng nguy cơ tử vong; Bệnh dịch có tỉ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh; Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Sẽ có thêm nhiều địa phương phải công bố dịch?

Nếu chiểu theo các điều kiện này thì sẽ có nhiều địa phương trong cả nước đã đủ kiều kiện công bố dịch. Bởi trên thực tế, dù đã áp dụng các hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế nhưng các số mắc vẫn tiếp tục tăng (mỗi tuần có thêm khoảng 2.000 ca mắc mới).

Với văn bản mới, nhiều địa phương có thể sẽ phải công bố dịch tay chân miệng vì số mắc, tử vong đều cao gấp nhiều lần so với trung bình các năm trước đây, dịch vẫn hoành hành mạnh dù đã áp dụng đúng các biện pháp hướng dẫn của Bộ Y tế (Trong ảnh là cảnh quá tải bệnh nhi tay chân miệng ở các bệnh viện nhi tại TP HCM. Ảnh: VietNamNet)

Trong khi đó, số bệnh nhân mắc và tử vong của năm 2011 đã vượt gấp 9-10 lần so với các năm trước. Dịch tay chân miệng xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2003 và từ đó đến nay, chưa có năm nào ghi nhận số mắc và tử vong lớn như năm nay. So với năm 2010, số mắc của năm 2011 đã tăng gấp 9 lần (với khoảng gần 21.000 trường hợp), số tử vong tăng hơn 10 lần (153 trường hợp tử vong so với 14 trường hợp tử vong của năm 2010).

Tính đến nay, mới chỉ có Ninh Thuận công bố dịch (khi số mắc tính từ đầu năm tới tháng 11/2011 là gần 500 ca, 3 trường hợp tử vong và diễn biến bệnh vẫn phức tạp. Năm 2010, cả tỉnh chỉ có 183 trường hợp mắc bệnh).

Ngoài Ninh Thuận đã công bố dịch, cả nước có 1 số địa phương có tỷ lệ mắc/số dân rất cao như: Quảng Ngãi: 524 bệnh nhân/100.000 dân; Bà Rịa – Vũng Tàu: 308 bệnh nhân/100.000 dân; Đồng Tháp: 314 bệnh nhân/100.000 dân.

N.Anh