- Đoàn Khảo sát của Bộ Y tế đã chính thức có thông báo kết luận bước đầu về “bệnh lạ” tại miền núi xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi...

Chiều 24/11, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi chính thức công bố kết quả ban đầu của Đoàn công tác của Bộ Y tế do lãnh đạo Bệnh viện da liễu TW dẫn đầu phối hợp với Viện Y học lao động đã khảo sát tình hình bệnh “lạ” tại xã Ba Điền, nơi có số lượng người dân bị mắc bệnh ngoài da nhiều nhất (57/61 bệnh nhân của huyện Ba Tơ).

Trong quá trình khảo sát vào đầu tháng 10 vừa qua, Đoàn công tác đã tìm hiểu phương cách sinh hoạt, sản xuất và tình hình vệ sinh môi trường tại các vùng có người bệnh.

Sau hơn 1 tháng khảo sát tình hình “bệnh lạ” tại huyện Ba Tơ, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã kết luận bước đầu về bệnh này.

Theo đó, tất cả bệnh nhân đều có biểu hiện viêm da ở bàn tay bàn chân, không có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính.

Một số bệnh nhân có tổn thương viêm kẽ mép, ban đỏ ở 2 má. Xét nghiệm ở một số bệnh nhân cho thấy đường máu, canxi máu và albumin máu thấp, riêng men gan lại tăng cao gấp 4-5 lần bình thường.
 
Một người dân ở xã Ba Điền, huyện ba Tơ mắc “bệnh lạ” đang được điều trị tại BV Quảng Ngãi (Ảnh: M.Thu)
 

Qua điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, Bệnh viện Da liễu Trung ương và Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa thì hầu hết các trường hợp bệnh nhân được điều trị khỏi bằng chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, dinh dưỡng, một số trượng hợp được truyền huyết thanh ngọt, truyền đạm kết hợp với các vitamin nhóm B.

Đoàn công tác Bộ Y tế cũng đã tiến hành lấy mẫu làm xét nghiệm, sinh thiết da tổn thương của bệnh nhân và tiến hành chẩn đoán với các giáo sư đầu ngành để có cơ sở xác định và chẩn đoán nguyên nhân đầy đủ của bệnh.

Dựa vào biểu hiện lâm sàng, tiến triển trong quá trình điều trị và kết quả khảo sát về môi trường sống, điều kiện sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng và kết quả xét nghiệm, các chuyên gia trong và ngoài nước chuyên ngành da liễu chẩn đoán, đây là bệnh Viêm da bàn tay bàn chân do tiếp xúc, mà nghi do các chất được sử dụng trong nông nghiệp gây ra.

Như vậy, có thể nhận định này khá phù hợp với tình hình diễn biến của bệnh xảy ra ở một số xã của huyện miền núi Ba Tơ trong thời gian qua vì hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều ở trong độ tuổi lao động (từ 16- 49 tuổi).

Theo PGS-TS Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, thì nguyên nhân rõ ràng để xác định bệnh là chưa được xác định chính xác, do đó Đoàn đã đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo xác định rõ căn nguyên của căn bệnh này trong thời gian tới.

Được biết, theo kết quả khảo sát ghi lại của Đoàn công tác tại các xã có người nhiễm bệnh thì hiện trạng vệ sinh môi trường tại khu vực có người bị bệnh rất kém, không gia đình nào có nhà vệ sinh, mỗi gia đình lại thường có chuồng trâu bên cạnh và nhiều côn trùng, ảnh hưởng tới vệ sinh chung, gây ô nhiễm môi trường và dễ lây truyền bệnh tật.

Trong khi đó, tại các gia đình, điều kiện ăn ở còn rất khó khăn, chế độ ăn uống còn quá thiếu thốn, chủ yếu dựa vào lương thực tự cung tự cấp; tình trạng gạo ăn của 3 hộ gia đình có nhiều người mắc bệnh (5-6 người) đều sử dụng gạo ẩm mốc, chất lượng kém, có màu đen và hôi.

Bên cạnh đó, công việc của bà con lại nặng nhọc, vào thời vụ, hầu hết những người trong lứa tuổi lao động thường phải ra đồng hoặc lên rẫy cách nơi ở khoảng 3 giờ đi bộ. Với cường độ lao động vất vả, chế độ dinh dưỡng thiếu thốn, lại sử dụng nước suối không hợp vệ sinh là điều kiện để dịch bệnh nảy sinh.

Đặc biệt, Đoàn công tác cũng lưu ý đến tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp của bà con không đúng cách, không rõ nguồn gốc và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân gây ra căn “bệnh lạ” trên.

Hiện công tác khảo sát và điều tra nguyên nhân vẫn được tiếp tục để có kết luận cuối cùng về “bệnh lạ” này để đưa ra phác đồ điều trị.

Vũ Trung