- “Nếu con tôi chết, tôi phải đưa nó về nhà. Nhưng ơn trời, đứa con của tôi đã may mắn được làm người”. Nỗi niềm xót xa, đau đớn từ trong sâu thẳm tấm lòng của người mẹ sinh con khi mang thai mới được 6 tháng 4 ngày, bây giờ mới nói ra.

Người mẹ ấy là Nguyễn Thị Trinh, quê ở Thôn Đoàn Kết, xã Đồng Quế, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Còn đứa trẻ “may mắn được làm người” là bé Nguyễn Anh Khoa, năm nay đã gần 4 tuổi nhưng chân tay teo quắt, toàn thân bong tróc, lúc nào cũng gào khóc vì nỗi đau bệnh tật hành hạ.

Đêm kinh hoàng

Cho đến bây giờ, khi ngồi nghĩ lại cái đêm kinh hoàng sinh ra đứa con thiếu tháng xám xịt, teo tóp chị vẫn không thể nào giấu đi nỗi sợ hãi và cả những xót xa trên khuôn mặt đã xạm xụi vết nhăn của mình.

Vào một đêm mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, chị đang mang thau nhưng bụng đau thắt lại.

Linh tính có chuyện chẳng lành, nửa đêm, anh Nguyễn Văn Tuân - chồng chị đã đưa ra bệnh viện huyện Lập Thạch. Vật vã hơn hai tiếng đồng hồ trong cơn đau, cuối cùng, chị Trinh đã đẻ ra một đứa trẻ bé tẹo, chỉ nặng 9 lạng, nằm co quắp, toàn thân xám xịt.

Bố mẹ đi chợ rau, bé khoa ở nhà với bà nội.
 

Đứa trẻ sinh ra không cất tiếng khóc chào đời, chỉ khẽ cựa quậy trong tấm vải mỏng tanh. Chị kể, lúc ấy, đêm lạnh buốt lại quằn quại trong cơn đau nên khi sinh được đứa bé, chị đã kiệt sức, nằm lịm đi.

Mãi đến hôm sau, chị mới tỉnh dậy và hỏi con của mình đâu. Giấu hết nỗi đau đớn vào trong lòng, anh Tuân đã nói với chị: “Bác sĩ bảo cháu bé còn non quá, mới được 6 tháng trời, nó mất rồi em ạ”.

Nghe tin ấy, chị Trinh đã tuyệt vọng và khóc nấc lên. Chưa hồi sức, lại có một cú sốc tinh thần ập đến, chị như người mất hồn, trong giây lát lại nằm gục xuống, lịm đi.

“Nếu con tôi chết, tôi phải đưa nó về nhà”


Tỉnh dậy lần nữa, bản năng người mẹ trỗi dậy, khiến chị quên đi nỗi đau, thôi thúc chị chạy đi tìm con.

“Nếu con tôi chết, tôi phải đưa nó về nhà. Dù sao nó cũng là máu thịt của mình”- lau vội giọt nước mắt xót xa đang lăn dài trên khuôn mặt xạm xụi nếp nhăn, chị kể lại với tôi.

Từ lúc sinh con ra, đến lúc ấy chị chưa được một lần nhìn thấy hình hài con, chỉ mong muốn được nhìn thấy nó một lần trong đời.
 
Và chị đã tìm được đứa con của mình đã xám xịt, tím ngắt, bọc trong mảnh vải mỏng tanh, vẫn còn hơi thở yếu ớt.

Hi vọng mong manh đã bắt đầu được thắp lên trong chị. Hai vợ chồng tự an ủi nhau, vực dậy tinh thần, cố gắng bằng mọi cách để cứu sống đứa con không may mắn.

“Nhìn nó thoi thóp thở, tội nghiệp lắm. Dẫu sao nó là con của mình, mang hình hài thân thể con người, cứ cứu con miễn là nó còn sống được” - anh Tuân chia sẻ.

Nâng đứa con lên tay, chị khẽ gạt mảnh vải mỏng đã quyện chặt lấy đứa bé. Gỡ được mảnh vải, lớp da non nớt dính chặt cũng bị lột đi toàn thân, ai cũng nghĩ rằng cứu sống đứa con lúc này là điều không thể.

Toàn thân bé Khoa bong tróc.


Lúc ấy, cả hai vợ chồng đều là công nhân nhà máy Supephotphat Lâm Thao, chắt chiu lắm trừ tiền ăn ở sinh hoạt hai vợ chồng thu nhập được 3-4 triệu/ 1 tháng. Ở nhà, hơn bảy sào ruộng là cả gia tài đáng giá nhất, đều do hai ông bà ở nhà cày cấy thuê mướn để có gạo ăn.

Khó khăn, thiếu thốn chồng chất lên vai, cuộc sống đã nghèo khó bây giờ kiếm đâu ra tiền chạy chữa? Ranh giới giữa sự sống và cái chết của đứa con tội nghiệp đang rất mong manh.

Nỗi đau bệnh tật hành hạ

Ngay hôm sau, hai vợ chồng vội vàng khăn gói, đưa bé lên Viện Nhi trung ương hấp lồng điều trị với tất cả hi vọng còn sót lại.

Chị còn nhớ, ngay khi đưa bé vào phòng cấp cứu, bác sĩ đã nói lại: “Cháu đẻ non quá, thiếu ba tháng trời, nên yếu lắm. Nếu may mắn cứu sống được, mai sau cũng mắc phải nhiều bệnh tật oái ăm”.

Nhưng ơn trời, đứa bé đã qua cơn nguy kịch, được làm người. Đứa trẻ được cha mẹ đặt cho cái tên khá đẹp: Anh Khoa. Hơn hai năm trời ròng rã, bé Khoa được điều trị thuốc thang tại Viện Nhi trung ương với một chế độ đặc biệt vì sức khỏe rất yếu.

Ngày nào, bé cũng phải truyền nước, truyền dịch, thở bằng bình oxy. Khi bé Khoa lên một tuổi, cân nặng cũng chỉ được 2 kg, chân tay teo quắt, mắt lúc nào cũng lèm nhèm vì chứng viêm võng mạc, gào khóc liên hồi.

Bé ngày đêm phải đối mặt với những cơn đau nhức vì căn bệnh viêm da bong vảy cá do mất tế bào gốc.

Hết nỗ lực chạy chữa ở Viện Nhi trung ương, anh chị lại sang Viện Da liễu nhưng cuối cùng cũng không có kết quả gì, toàn thân bé cứ bong tróc đau đớn.

Chị Trinh kể, có thuốc điều trị thì đỡ, nhiều hôm chưa kịp lo tiền mua thuốc, nhìn da của con sưng tấy, đỏ ngàu, căng nứt, rỉ ra nước vàng, quằn quại kêu khóc vì đau đớn mà nhói lòng xót xa.

Chị Trinh và anh Tuân đã bỏ nghề công nhân để thay nhau chăm sóc con. Chị ở lại thì anh về quê đi phu hồ, bốc vác, đi chợ… làm đủ mọi việc để kiếm tiền chạy chữa thuốc thang cho con.

Hai năm ngược xuôi hết viện này đến viện nọ khiến kinh tế gia đình kiệt quệ, khoản nợ hơn 100 triệu đồng đè nặng lên đôi vai hai vợ chồng ở huyện nghèo Lập Thạch.

Không đi làm công nhân nữa, hai vợ chồng tính chuyện đi buôn rau tận tít Thổ Tang- Vĩnh Tường, chắt chiu nhặt nhạnh từng đồng lo bớt nợ và dành dụm mua thuốc cho con.

“Mỗi ngày đi chợ rau cũng chỉ lãi được hơn trăm ngàn đồng, tính đi tính lại cũng chỉ đủ tiền mua thuốc cho con hàng tháng, còn khoản nợ với khoản lãi không biết đến bao giờ mới kham nổi”- chị Trinh chia sẻ.

Mặc dù, bé Khoa đã được đưa về nhà chăm sóc nhưng người thân, hàng xóm không khỏi ái ngại cho sức khỏe của cháu.

Ở xã Đồng Quế của huyện nghèo Lập Thạch, hầu như ai cũng biết đến hoàn cảnh đáng thương của bé Khoa. Khoa đã gần bốn tuổi nhưng đôi chân teo quắt bước đi không vững, chỉ khẽ chạm vào vật gì là ngã; ốm đau liên miên, suốt ngày quấy khóc.

Bé không ăn được cơm, ăn vào là đau họng, đau bụng quằn quại, nôn mửa chỉ thèm uống sữa với bimbim.

Toàn thân bé bong tróc, da sần sùi, có đốm đen sì như da cóc, những đứa trẻ ở làng sợ không dám lại gần, một phần sợ lây bệnh, một phần vì thấy ghê ghê.

Đã 4 tuổi  nhưng bé Khoa ít nói, ngày ngày ở nhà với bà nội, cứ lủi thủi trong góc nhà, co ro trên giường, ánh mắt lúc nào cũng buồn buồn trông rất tội nghiệp.

May mắn sinh ra được làm người, nhưng bé không có một cơ thể lành lặn. “Dẫu biết, con mình có nhiều thiệt thòi bất hạnh nhưng cứu sống được đứa con máu thịt của mình đẻ ra là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời. Người bố người mẹ nào cũng vậy thôi” - trong đôi mắt đã xạm xụi nếp nhăn của người mẹ, tôi tìm thấy niềm vui hiếm hoi khi chị tự an ủi mình.

Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang, đôi mắt chị lại trĩu xuống bởi nỗi buồn lo luôn giằng xé không lúc nào nguôi trong lòng: “Làm sao để có tiền để chữa bệnh cho con? Mỗi lần đau đớn, nó chỉ biết gào khóc”.

Hiện giờ, chỉ có phẫu thuật cấy ghép tế bào da mới là cách duy nhất để chữa bệnh cho bé Khoa. Nhưng với gia cảnh chị Trinh bây giờ, điều đó là ước muốn xa vời…

Hơn lúc nào hết, bé Khoa đang rất cần những tấm lòng hảo tâm của độc giả xa gần.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1.
Nguyễn Thị Trinh, quê ở Thôn Đoàn Kết, xã Đồng Quế, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc

2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ cháu Nguyễn Anh Khoa)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet

Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3,TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn


Anh Tuấn