“Hiện dự án đang bị tạm dừng khai thác, tôi chỉ mong sao các cấp quan tâm cho Thạch Hải hưởng một số dự án nhỏ, nâng cấp một số hạng mục. “Bơm ô xy” để sống qua ngày chứ về lâu dài thì phải trả tiền đền bù, làm khu tái định cư cho dân. Giờ vô vọng rồi, chết thật chứ không phải giả chết nữa”.

LTS: Mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha, nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 6.000 hộ dân với hơn 25.000 nhân khẩu.

Đây là mỏ sắt có trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á, ước tới hơn 540 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc.  

Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, dự án này đã vướng mắc nhiều vấn đề lớn, nhất là việc GPMB, di dân tái định cư. Các công trình đang dang dở vì thiếu vốn. Và hiện đã tạm dừng khai thác theo văn bản 164, thông báo kết luận của Thủ tướng để tái cơ cấu.

Phóng viên VietNamNet đã có hành trình dài ngày, tìm hiểu những vấn đề dân sinh ở khu vực mỏ sắt. Truyền tải những thực tế đang diễn ra để các cơ quan hữu quan có thêm kênh thông tin về hiện trạng của dự án.

Kể từ khi Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê được tiến hành vào năm 2007, theo quy hoạch, xã Thạch Hải (Thạch Hà, Hà Tĩnh) sẽ phải di dời toàn bộ xã với gần 4.000 dân.  

Nhưng hiện nay chính quyền cũng như người dân nơi đây đang hoang mang vì không biết mỏ sắt sẽ 'đi đâu về đâu'? Khi mà dự án hầu như chẳng thể triển khai được bất cứ việc gì, người dân thì bó gối nhìn ra, càng ngày càng lâm vào cảnh đói khát. Chính quyền thì được mệnh danh với “xã 9 không”… Và nhiều câu chuyện bi hài chưa từng có cũng đã xảy ra.

Ngán ngẩm lắm rồi! 

Chúng tôi tìm về xã Thạch Hải. Con đường tỉnh lộ nối thẳng xuống bãi tắm Thạch Hải thơ mộng ngày nào nay đã biến mất, thay vào đó là 'con đường đau khổ', chi chít những ổ trâu ổ voi.

Hai bên đường là những hạng mục thi công dang dở, ngổn ngang và nguy hiểm cho các phương tiện.

Cát từ bãi thải ngập tràn, vùi lấp ruộng vườn, mồ mả ở xã Thạch Hải

Bãi tắm Thạch Hải một thời là điểm du lịch khá nổi tiếng, nhộn nhịp ngay cả vào mùa lạnh, nay trở nên đìu hiu. Không hàng quán, không xe cộ và không một bóng người. Bãi biển chỉ toàn rác bẩn, 1 vài con thuyền trễ nải neo đậu.

Khung cảnh vắng lặng như sắp có 1 cơn bão tới. Và, chính người dân Thạch Hải trong suốt mấy năm qua cũng đã chịu nhiều “cơn bão”.

Tiếp phóng viên tại trụ sở, ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã tỏ vẻ ngán ngẩm, chẳng muốn than nghèo kể khổ thêm nữa.

“Chẳng phải là ngày một ngày hai mà chịu được. Đã 5 năm rồi, ngán ngẩm lắm rồi chú ơi, kể lại chỉ thêm đau đầu”, ông Chiến nói.

Nói rồi ông mang ra một đống tài liệu, văn bản mà ông gửi lên UBND tỉnh, huyện, Cty CP mỏ sắt Thạch Khê và các cơ quan ban ngành về việc dự án khai thác mỏ sắt ảnh hưởng đến toàn xã, nhưng đến nay không có dấu hiệu được giải thoát.

“Hôm qua tôi đi đám giỗ tại nhà đồng chí phó chủ tịch xã, đang ăn thì có một bà già ở xóm Thượng Hải đến kêu: Nhờ ông chủ tịch kêu làm sao chứ gia đình đói lắm rồi, ngày trước 6 người trong nhà phải nấu 6 lon gạo, nay chẳng làm ra chỉ dám nấu 3 lon. Tôi nghe dân kêu mà nghẹn cả cổ họng, không thể nuốt nổi nữa”.

Ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải ngán ngẩm: Có nơi nào khổ như chúng tôi không?

Phải mất gần 1 buổi tâm sự, khi hiểu được rằng nhóm phóng viên về đây cũng vì đau đáu với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, xót xa với những hệ luỵ của chính quyền và nhân dân vùng mỏ, ông Chiến mới dốc hết gan ruột của mình.

Ông Chiến kể, không chỉ dân kêu khổ, kêu đói mà chính quyền xã cũng lâm vào cảnh tình oái oăm. Chẳng thể triển khai được dự án gì, cũng chẳng được hưởng lợi bất kể dự án nào dành cho vùng đặc biệt khó khăn như xã nhà.

“Khi dự án bắt đầu triển khai, chính quyền và người dân chúng tôi ủng hộ rất cao. Từ bao đời nay người dân nơi đây chỉ biết là mình đang sinh sống trên “đống vàng”, nhưng chẳng biết thực hư thế nào. Khi dự án được triển khai, người dân đã rất vui mừng. Ai cũng nghĩ thế là mong ước đổi đời từ bao năm nay đã sắp thành hiện thực.

Khổ nhất là những người dân sống ở khu vực mong mỏ. Mùa hè thì bão cát tấn công vào cả bát cơm, mùa đông thì lũ bùn

Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, đến nay mọi công trình đang dừng lại, kéo lùi đời sống của người dân và kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Cái lợi chưa thấy đâu mà khốn khó thì ập đến, niềm mong ước của người dân đang dần lụi tắt các chú ạ”, ông Chiến tâm sự.

Không ngờ nổi!

Trong tập hồ sơ mà chúng tôi thu thập được, riêng công văn của UBND xã Thạch Hải cũng đã chiếm hơn nửa. Mở từng trang công văn mới biết, những văn bản này có nội dung gần như nhau, cứ vài tuần đến 1 tháng, chính quyền xã lại gửi một lần. Thế mà chờ mãi, tiếng kêu của họ vẫn chưa có phúc đáp.

Vị chủ tịch xã tiếp tục câu chuyện bằng những thông tin mà chúng tôi chẳng thế ngờ nổi. Trong rất nhiều những ảnh hưởng mà chính quyền và người dân nơi đây đang phải gánh chịu, ông liệt kê ra có “9 cái không”.

“Xã 9 không”, một danh hiệu mà chẳng ai muốn nhận, thực tế đã hiện hữu lâu nay ở xã Thạch Hải

Đó là: Không được quy hoạch nông thôn mới; Không có định hướng phát triển kinh tế xã hội; Không có nguồn thu ngân sách cho xã nhà; Không được giải phóng mặt bằng (vì không có tiền đền bù cho dân); Không được xây dựng khu tái định cư; Không được xây dựng các công trình hạ tầng; Không được đầu tư các dự án khác; Không được cấp đất ở cho nhân dân và không được xây dựng nhà cửa; Không có phương án giải quyết việc làm cho nhân dân.

Và ông Chiến đặt câu hỏi: Có nơi nào khổ như chúng tôi không?

Ông Chiến tiếp tục trải lòng, tất cả những 'cái không' trên mà Thạch Hải đang phải gánh chịu là do toàn bộ diện tích xã nhà cùng với gần 1000 hộ dân nằm trong quy hoạch phải di dời để nhường lại cho mỏ sắt Thạch Khê.

Thế nhưng, khi triển khai dự án, những năm đầu vẫn làm rầm rộ nhưng chẳng có tiền để trả cho dân. Mà đất thì đã bị thu hồi, hoặc không thể sản xuất được nữa.

Theo như kế hoạch thì năm 2011 này, tất cả số dân tại xã sẽ được di dời đến khu vực tái định cư mới. Tuy nhiên, thông tin bao giờ thì được di dời và đi đến đâu người dân cũng chẳng biết, vì khu tái định cư thì chưa xây, công tác đền bù, GPMB thì đứng yên tại chỗ.

Chưa được di dời thì người dân vẫn phải tiếp tục sinh sống trên mảnh đất vốn có. Nhưng hiện nay nhiều hộ đã lâm vào cảnh đói, khát, không có công ăn việc làm, bó gối nhìn ra.

“Là chủ tịch xã, cái gì cũng đến tay. Bao nhiêu năm nay chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu đúng và nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Nay bao nhiêu lần thất hứa với dân rồi, dân chẳng còn niềm tin vào lời nói của chính quyền và dự án nữa.

Đi không được, ở không xong, các cấp chưa có định hướng, không tìm ra lối thoát cho nhân dân”, ông Chiến tiếp tục tâm sự.

Một người dân ở Thạch Hải đang cố nhặt từng con cá bé hơn ngón tay, thành quả sau nhiều giờ lao động. Đất đai bị thu hồi, hoặc không thể sản xuất do mạch nước ngầm bị tụt, ảnh hưởng trực tiếp từ dự án mỏ sắt Thạch Khê, rất nhiều hộ dân đang lâm vào cảnh thất nghiệp và nguy cơ đói.

“Hiện dự án đang bị tạm dừng khai thác, tôi chỉ mong sao các cấp quan tâm cho Thạch Hải hưởng một số dự án nhỏ, nâng cấp một số hạng mục. “Bơm ô xy” để sống qua ngày chứ về lâu dài thì phải trả tiền đền bù, làm khu tái định cư cho dân. Giờ vô vọng rồi, chết thật chứ không phải giả chết nữa”.

Do là xã phải di dời 100% như trong quy hoạch nên tại đây, trong nhiều năm qua đã xảy ra rất nhiều câu chuyện bi hài. Những câu chuyện thấm đẫm nước mắt đã xảy ra khi mà những ngôi mộ bị vùi lấp, những cuộc di chuyển lăng mộ thầm lặng mà trong quan tài chỉ là hình nhân thay thế xương cốt; rồi những căn nhà có 4 đến 5 hộ sinh sống do không thể xin cấp đất mới…

Tại buổi làm việc mới đây giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh với Công ty CP sắt Thạch Khê, nhiều lãnh đạo tỉnh, huyện đã bày tỏ nỗi bức xúc đối với những ảnh hưởng nghiêm trọng của dự án này tới người dân. 

“Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật. Lộ trình, tiến độ của doanh nghiệp như thế nào, phải trả lời để tỉnh nói với dân”, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh phát biểu.

“Chúng ta phải nhìn vào sự thật là đã rất có lỗi với dân, không thể bắt họ kéo dài đau khổ này mãi. Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh, cùng với các thành viên Cty TIC trả lời dứt khoát: Tiền trả cho dân để người ta di dời, tiền để hoàn thành các khu tái định cư chúng ta không có, thì liệu với số tiền lớn như vậy để khai thác, chúng ta có không, nhất là trong bối cảnh khó khăn như thế này?” - ông Đỗ Khoa Văn, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà nói.

“Khổ thì đã lâu rồi, nhưng chúng tôi còn khổ đến bao giờ”, câu hỏi của một người dân ở xã Thạch Hải cũng là câu hỏi chung của hàng vạn người dân của 6 xã bị ảnh hưởng bởi Dự án mỏ sắt Thạch Khê. Sự chịu đựng của họ không phải là không có giới hạn!


Duy Tuấn – Thăng Long