- Sau một vòng đi thị sát 3 bệnh viện lớn tại TP.HCM là Ung Bướu, Nhi Đồng 1 và Chấn thương chỉnh hình vào ngày 28/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã không khỏi bức xúc và đau lòng trước cảnh các bệnh nhân nằm chen chúc trên giường bệnh, chưa kể có người phải nằm đất.
Nằm ghép là chuyện thường
Tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, các bệnh nhân xếp hàng đi khám bệnh từ tờ mờ sáng, mới 7 giờ mà khu khám của bệnh viện này đã vô cùng đông đúc.
Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu, bệnh viện mình chỉ có mỗi hơn 600 giường bệnh nhưng phải giải quyết nhu cầu của những hơn 1800 bệnh nhân.
Tình trạng quá tải tại khu khám của Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Thanh Huyền. |
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Ung Bướu khám cho khoảng 1.619 lượt người.
Bác sĩ Minh cho biết, trung bình số lượng bệnh nhân khám chữa tại BV tăng 10% mỗi năm. Trong đó, có 60-70% bệnh nhân điều trị tại BV Ung bướu TP.HCM là từ các tuyến tỉnh, vượt tuyến.
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, tình trạng cũng không mấy khả quan hơn. Mỗi ngày đơn vị này khám cho khoảng 4000 ca bệnh nên chuyện 3 bệnh nhân nằm chung 1 giường là hoàn toàn bình thường.
“Trong vòng 26 năm (1985 đến nay) số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã tăng hơn 4 lần (với 8.310 bệnh nhân vào năm 1985 và 33.882 bệnh nhân tính đến tháng 11.2011) nhưng quy mô BV vẫn chỉ có thế”, bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cười khổ.
Đất xây bệnh viện thì ít, xây sân golf lại nhiều
Tình trạng quá tải tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 là trầm trọng hơn cả.
Một số khoa của bệnh viện như khoa Hô hấp, cấp cứu luôn phải chứa gấp đôi số bệnh nhi.
Ngoài ra, hiện nay bệnh viện đang phải theo dõi cho hơn 10.000 trẻ em chờ phẫu thuật tim nên việc giải quyết chỗ nằm nội trú cho các bé vô cùng căng thẳng.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 có tới 40% là bệnh nhi từ tuyến tỉnh. Tỉ lệ bệnh nhi từ tuyến tỉnh lên bệnh viện khám ngày càng tăng, 73% vào năm 2008 và 80% vào năm 2011.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện còn cho biết từ việc quá tải bệnh nhân dẫn đến bệnh viện bị thiếu thốn bác sĩ.
Mỗi năm bệnh viện nhận 30 bác sĩ mới và phải đào tạo lại 2 năm mới dám cho ra làm.
“Cứ đà này bệnh viện sẽ còn tiếp tục quá tải ở các bệnh sơ sinh, nhiễm trùng trẻ em, hô hấp, tiêu hoá, bệnh truyền nhiễm…”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã không khỏi bức xúc và đau lòng trước cảnh các bệnh nhân nằm chen chúc trên giường bệnh, chưa kể có người phải nằm đất.
Trước những giãi bày của các bệnh viện, Bộ Trưởng Tiến cho rằng có một nghịch lý là đất giành cho xây bệnh viện, mở rộng mạng lưới y tế thì ít mà đất giành cho việc làm sân golf, khu công nghiệp lại nhiều, từ đó cũng khó có thể giải quyết triệt để vấn đề về y đức, thái độ làm việc bởi các nhân viên y tế phải gánh một số lượng bệnh nhân quá khủng khiếp.
Thanh Huyền