- Sáng 1/12, Đoàn công tác của Viện KH&CN Việt Nam do TS. Trần Tuấn Anh - Viện Trưởng viện Địa chất làm Trưởng đoàn bắt đầu ngày làm việc đầu tiên tại hiện trường để tiến hành khảo sát, kiểm tra tai biến địa chất tại khu vực miền núi Bắc Trà My...

Ghi nhận tại hiện trường và điều tra thực tế tại các khu vực dân cư về hiện tượng mặt đất rung lắc sau khi có tiếng nổ phát ra từ trong lòng đất kéo dài trong thời gian qua, đoàn công tác ban đầu xác định đây là động đất nhẹ.

Trong thời gian 10 ngày, Đoàn công tác của Viện KH&CN Việt Nam do TS. Trần Tuấn Anh - Viện Trưởng viện Địa chất làm Trưởng đoàn sẽ tiến hành khảo sát, kiểm tra tai biến địa chất tại khu vực miền núi Bắc Trà My.
 
Đoàn công tác đang khảo sát tại khu vực vai đập hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2 (Ảnh: B.Bình)
 

Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, các vụ dư chấn bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2010. Số lượng và mức độ xảy ra chấn động ngày càng dày đặc với cường độ mạnh hơn.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện miền núi Bắc Trà My đã xảy ra hơn 200 vụ rung chuyển lớn nhỏ tại các xã Trà Tân, Trà Đốc, Trà Giác, Trà Bui, Trà Giang, Trà Sơn, Trà Dương, thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) và các xã Trà Leng, Trà Dơn (huyện Nam Trà My).

Các vụ rung chuyển mặt đất đều xuất hiện sau một tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất. 2 vụ rung chấn mới nhất được ghi nhận xảy ra trong đêm 16 rạng sáng 17 và đêm 27/11 với 4 lần rung chuyển với cường độ khá mạnh.

Hậu quả mặt đất rung lắc chưa gây ra thiệt hại lớn. Tuy nhiên đã có nhiều nhà dân bị nứt móng, tường, nền nhà và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn sau mỗi đợt rung chuyển tiếp theo.

Do việc rung lắc ngày càng dày đặc nên đã gây tâm lý hoang mang trong dân chúng. Nhiều hộ dân đã tạm thời không xây dựng nhà cửa trong khu vực vì sợ động đất.

Sau khi khảo sát thực địa và tìm hiểu thông tin thực tế từ người dân tại khu vực các xã Trà Đốc và Trà Tân, TS. Trần Tuấn Anh cho rằng những rung chuyển đó là hiện tượng động đất.

Tuy nhiên, cần nhiều thời gian khảo sát, tìm hiểu, thu thập thông tin và nghiên cứu phân tích mới có thể đưa ra kết luận chính xác.

"Điều quan trọng là xác định được tâm chấn. Sau đó, tùy theo mức độ của vùng ảnh hưởng và rung chuyển, đoàn sẽ kiến nghị với Viện Vật lý địa cầu, Bộ KH&CN hỗ trợ đưa máy đo động đất, dư chấn vào để theo dõi và cảnh báo sớm động đất nếu có xảy ra cho người dân phòng tránh" - TS Trần Anh Tuấn cho biết.

Ngay sau khi đặt chân đến huyện Bắc Trà My chiều 30/11, đoàn khảo sát đến ngay khu vực mặt đập, vai đập Thủy điện Sông Tranh - 2 nơi có nhiều vết sụt lún và gặp người dân để hỏi về các rung động.

Trước đó, vào sáng hôm qua (30-11), chính quyền huyện Bắc Trà My có buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án Điện lực 3.

Tại cuộc họp, Phó ban Quản lý Dự án Thủy điện 3, ông Vũ Đức Toàn cho biết, tất cả vấn đề liên quan đến hiện tượng lạ vừa xảy ra trên địa bàn đều được ban quản lý báo cáo cụ thể cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ông Toàn khẳng định: "Công trình Thủy điện Sông Tranh 2 có khả năng chịu được động đất cấp 7, tức 5,9 độ richter".

Tại cuộc họp, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My lo lắng trước tình hình người dân hoang mang lo lắng, không yên tâm sinh sống. Hiện đã có nhiều hộ dân ở vùng tái định cư bỏ nhà vào núi, nhiều người khác cũng tự vào rừng sinh sống vì họ lo đất nổ. Những căn nhà tái định cư hàng trăm triệu đồng phải bỏ hoang...

Cũng theo đoàn kiểm tra, việc có hay không lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, gây ra các vụ động đất cần có thêm thời gian nghiên cứu

Vũ Trung