- “Đừng đỗ lỗi cho ý thức người tham gia giao thông kém nên mới dẫn tới ùn tắc giao thông. 99% xung đột xe xảy ra người điều khiển phương tiện đều không có mâu thuẫn, xích mích với nhau, và người tham gia giao thông đều chấp hành rất tốt chỉ đạo của lực lượng kỹ sư”.

PGS.TS Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Viện KH&CNGT) cho biết như vậy sau khi đưa kỹ sư ra đường điều hành tổ chức giao thông ở Hà Nội.

Đánh giá sau khi kỹ sư ra đường điều hành giao thông, ông Tâm cho biết, tình hình xe qua nút đã được kiểm soát, giảm thiểu được ùn tắc.

Cụ thể, thời gian xe chờ qua nút chỉ còn khoảng 10 giây theo hướng chính và 20 giây theo hướng phụ, không xảy ra tình trạng rối loạn dòng xe, và cũng không xảy ra va chạm giữa những người tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, ngoài hệ thống tín hiệu đèn giao thông, vào giờ cao điểm cần phải huy động thêm ít nhất một người ra điều khiển giao thông. (Ảnh: VTC)

 
Theo khảo sát của Viện KH&CNGT cho thấy, năng lực thông xe đường Láng vẫn chưa quá tải, khi khả năng đáp ứng vào giờ cao điểm vẫn bình thường, còn giờ thấp điểm xe cộ đi lại thoải mái

Để giải quyết xung động giao thông tại các nút này,  ông Tâm cho biết, Viện KH&CNGT đã đề xuất cho mở rộng thêm các nút này, mở các điểm quay đầu cho phương tiện trước các điểm giao cắt, bố trí thêm biển báo, sơn kẽ đường…

Ngoài ra, ông Tâm cũng đề xuất Hà Nội có thể cho Viện được thực hiện thí điểm nghiên cứu tổ chức giao thông tại một số tuyến đường, nút giao có lưu lượng phương tiện lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Huy động thêm lực lượng

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, ngoài hệ thống tín hiệu đèn giao thông, vào giờ cao điểm cần phải huy động thêm ít nhất một người ra điều khiển giao thông.

“Ngoài lực lượng Cảnh sát, Thanh tra giao thông, có thể huy động công an, dân phòng phường, thanh niên tình nguyện… Tuy nhiên, lực lượng huy động thêm này phải được đào tạo nghiệp vụ”, ông Thuấn cho biết.
Trước đó, từ 31/10 tới 4/11, Viện KH&CNGT (Bộ GTVT) đã cử 9 kỹ sư ra làm nhiệm vụ điều hành giao thông trong giờ cao điểm sáng và chiều tại 3 nút giao cắt thường xảy ra xung đột, ùn tắc giao thông trên đường Láng (3 điểm dẫn bắc qua sông Tô Lịch gồm cầu Yên Hòa, cầu Cót, Cầu 361).

Giao thông qua các nút trên xe máy chiếm trên 80%, còn lại ô tô chiếm 12%  và 2% xe buýt… với mặt cát ngang đường khoảng 6m.

Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, trong mạng lới giao thông Hà Nội, chỉ tính từ vành đai 3 trở vào hiện nay Thành phố có hơn 240 nút quan trọng, có thể xảy ra ùn tắc bất kể lúc nào, trong đó chỉ có 142 nút có đèn tín hiệu.

Ông Tân cho biết thêm, hiện nay lực lượng Cảnh sát và Thanh tra giao thông đang thiếu nghiêm trọng, không đủ để kiểm soát được toàn bộ mạng lưới giao thông trong Thành phố.

“Vào giờ cao điểm mà nút giao thông Ô Chợ Dừa mất điện, đèn tín hiệu dừng hoạt động thì có huy động 6-7 Cảnh sát giao thông ra cũng phải toát mồ hôi may ra mới điều khiển được giao thông tại đây”, ông Tân dẫn chứng.

Ông Tân cũng đề nghị  Viện KH&CNGT tham gia nghiên cứu tổ chức giao thông tại một số điểm, tuyến giao thông quan trọng như nút giao Cầu Giấy, Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh, những nút này cần làm càng sớm càng tốt để có thể áp dụng ngay.

Gia Văn