– Sông Lô, đoạn chảy qua địa bàn huyện Đoan Hùng, Phú Thọ đang ngày ngày biến dạng bởi sự tàn phá của con người. Hàng trăm chiếc tàu cuốc ngày đêm cày nát cả dòng sông.
Một lần về công tác tại huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), tôi được nghe một câu chuyện đau lòng của các vị bô lão nơi đây. Chuyện rằng: dòng sông Lô oai hùng ngày xưa, giờ đây đang rên rỉ bởi bàn tay tàn phá của con người. Con sông diễm tình, nước trong leo lẻo, từng là cảm hứng cho cố nhạc sỹ Văn Cao, từng là chứng nhân cho cuộc chiến đấu oai hùng thời chống Pháp giờ giống như một hình nhân dị dạng, nước đục ngầu, réo ùng ục như con thủy quái khổng lồ.
Chuyện còn kể: không biết có phải “thần sông” giận dữ do sự tàn phá của con người hay không mà gần đây, năm nào, trẻ em của các làng ven sông Lô như Đại Nghĩa, Phú Thứ, Hùng Long... cũng bị cướp đi một vài mạng sống.
Người thì bảo là do con người động đến thần sông: “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”; kẻ hiểu biết hơn, thì cho rằng: chính những doanh nghiệp khai thác cát trái phép trên lòng sông đã làm thay đổi dòng chảy, tạo ra những hố sâm hoắm, nước chảy cuộn, xoáy và xiết; trẻ con sa chân vào vũng đó không thể thoát được.
Làm căng, các “bác” chém chết?
Có lần, một vị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tâm sự với chúng tôi: ở tỉnh này, các khoản thu thuế từ việc khai thác khoáng sản không đáng là bao so với nguồn thu của cả tỉnh. Cũng chính vì lẽ đó, vị lãnh đạo tỉnh này còn khuyến cáo: bao nhiêu việc sao báo chí không làm, có mỗi cái việc khai thác cát trên sông Lô, làm gì cho mệt.
Lần đó, tôi đã phải nói với ông rằng: đó không hề là việc nhỏ nhặt tí nào. Bởi, người dân nơi đây đang hàng ngày, hàng giờ bị mất hết đất canh tác. Người dân, quanh năm sống bằng nghề nông, không có đất, lấy gì để sản xuất, sinh sống bằng gì?
Đại công trường trên sông Lô (ảnh chụp tại địa bàn thôn 12, xã Đại Nghĩa, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ vào tháng 10/2011). |
Điều đáng nói là doanh nghiệp này khai thác công khai, cả ngày lẫn đêm mà không bắt gặp sự cản trở nào từ chính quyền sở tại.
Người dân thì rỉ tai nhau rằng: mỗi ngày, trung bình doanh nghiệp khai thác cát lãi ròng cả tỷ đồng. Chỉ cần thuê tàu cuốc, dùng vòi rồng hút cát rồi bán ngay cho các đầu mối thu gom, mỗi khối cát đã lãi 40 ngàn.
Tính sơ sơ, mỗi ngày làm mấy vạn khối. Trừ chi phí dầu mỡ, nhân công, tiền lo lót để được khai thác, doanh nghiệp đã lãi ròng ngót nghét tỷ bạc.
Nếu ai lần đầu tiên đến Đoan Hùng, có lẽ cũng đều có cảm nhận chung như chúng tôi: rằng, nguồn thu chủ yếu của địa phương này chủ yếu từ khai thác cát sỏi trên sông. Dọc theo sông Lô từ thành phố Việt Trì về huyện Đoan Hùng, không thể đếm được có bao nhiêu bãi cát được các đầu mối thu gom về.
Cũng không thể đếm được có bao nhiêu con thuyền đang ngày đêm hút cát sỏi trên sông Lô. Có đoạn, dòng sông chật kín tàu lớn, tàu bé. Lòng sông như một đại công trường.
Đất nông nghiệp của người dân ngày ngày bị cuốn trôi xuống lòng sông Lô. Cực chẳng đã, người dân nơi đây đã tập trung lực lượng để đẩy đuổi. Thế nhưng, cuộc chiến không cân sức này rút cục không giúp người dân giữ được đất canh tác cho mình. |
Trước, không kể ngày hay đêm, những chiếc tàu cuốc vươn chiếc cần cẩu dài cỡ 20 mét múc hẳn vào trong bờ.
Sau này, dân phát hiện, rủ nhau dùng gạch, đá, chai, lọ ném đuổi, doanh nghiệp lại chuyển khai thác về đêm. Vì vậy, mới có chuyện: đêm đêm, cả thôn không kể người già hay trẻ nhỏ, rủ nhau ra bờ sông để giữ đất. Thế nhưng khi có người canh chừng, DN lại cho tàu khai thác giữa dòng sông. Khi dân về, họ lại cho vươn chiếc vòi rồng ngoạm sâu vào gần khu vực đất canh tác.
Đại công trường trên sông Lô
Chúng tôi đến địa bàn xã Hùng Long (huyện Đoan Hùng) khi trời vừa nhá nhem tối. Bên này bờ là địa bàn xã Hùng Long, bên kia bờ là địa bàn 2 xã Phú Thứ và Đại Nghĩa.
Trời bắt đầu đổ mưa, ngồi trong quán nước, vẫn nghe tiếng động cơ nổ ầm ĩ. Chị chủ quán nước lắc đầu: Tụi nó (DN khai thác cát) làm cả đêm lẫn ngày. Đất đai ven bờ sụp hết xuống sông rồi. Đáng lẽ, dòng sông bên lở bên bồi, đằng này ở đây, cả 2 bên đều lở.
Dò từng bước chân, mắt hướng theo ánh sáng yếu ớt phát ra từ chiếc điện thoại, cuối cùng, chúng tôi cũng ra đến bờ sông. Rất may, một người dân tốt bụng đã đồng ý đưa chúng tôi vượt sông khi cơn mưa ngày càng nặng hạt.
Ngày cũng như đêm, đoàn tàu của các DN vẫn mải miết ngoạm sâu vào gần bờ trước sự lơ là của cơ quan chức năng. Hơn 10 năm nay, dường như tỉnh Phú Thọ bất lực với tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. |
Phải khó khăn luồn lách, chiếc thuyền nhỏ xíu của chúng tôi mới không va phải những con tàu đang ăn cát.
Người dẫn đường chua chát: "Từ ngày xuất hiện đoàn tàu của các doanh nghiệp đổ dồn về đây khai thác, làng xóm vốn dĩ bình yên bỗng “vui hẳn”".
Trước, nơi đây, 9 giờ tối là nhà nào nhà nấy đóng cửa đi ngủ. Còn giờ, thì không thể ngủ nổi bởi tiếng gầm rú của động cơ. Sáng chưa bảnh mắt cũng bị đánh thức bởi cái âm thanh chết tiệt ấy. Còn nữa, một bộ phận thì không thể ngủ được, thay phiên nhau thức để canh đất, không cho tàu vào khai thác gần bờ. Khổ nỗi, sức người sao lại với… động cơ?
Bí thư xã Đại Nghĩa, ông Nguyễn Thành Trung bức xúc trước việc doanh nghiệp THT đưa tàu cuốc vào khai thác tại khu vực cấm. |
Thế nhưng, chờ mãi vẫn không thấy huyện có ý kiến gì. Trước, chỗ con tàu cuốc đang khai thác kia là bờ sông. Nhẩm đoán, chỗ đó cách nơi chúng tôi đang đứng cỡ hơn 20 mét.
Cách chỗ chúng tôi đứng khoảng vài chục mét, có một chiếc tàu cuốc cỡ lớn đang ăn cát. Chiếc cần hút dài cỡ vài chục mét cần mẫn vơ vét lòng sông. Dòng sông Lô rộng lớn trở nên chật chội bởi sự có mặt của hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ.
Thử đếm xem có bao nhiêu con tàu đang hoạt động trên sông nhưng rồi không thể. Con số đó lên tới hàng trăm trên một diện tích bề rộng lòng sông chừng 300 m.
Người dân xã Đại Nghĩa, Hùng Long, Phú Thứ đang hết sức đau đầu trước tình trạng tàu cuốc của DN vào "ăn trộm cát" |
Cuộc chiến “không cân sức” này rút cuộc chẳng thể giúp người dân giữ được đất đai của mình.
Hoàng Sang
(còn nữa)