– Sau khi đăng tải bài viết phản ánh chuyện khám bệnh siêu tốc ở các bệnh viện tuyến Trung ương, VietNamNet đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của bạn đọc. Nhiều độc giả còn chia sẻ thêm các câu chuyện “khám bệnh siêu tốc” mà họ từng gặp phải.

TIN LIÊN QUAN:

>> Tình cảnh quá tải khủng khiếp ở bệnh viện VN
>> Khám bệnh siêu tốc, người bệnh 'lãnh đủ'
>> Khám bệnh siêu tốc ở VN: 1 phút 1 người!

Cả quá trình khám chỉ hỏi 1 câu: “Sao?”

“Khám 1 phút là khám kỹ rồi đó. Tôi đi khám bệnh tại BV thành phố P.T, ngồi vào ghế bác sỉ hỏi đau thế nào? Tôi nói triệu chứng, bác sỉ phán bệnh, cho toa. Tất cả diễn ra trong vòng 15 giây. Bác sỹ không hề sờ tới chỗ̉ đau mà vẫn biết bệnh”, bạn đọc truongluong…. @yahoo.com cho biết.

Bác sỹ khám qua loa, không giải thích cặn kẽ khiến bệnh nhân bức xúc

Trong khi đó, bạn đọc Trần Thị Hồng Tuyến cho biết đã đi khám ở BV tai mũi họng TP.HCM và tất cả diễn ra chưa tới 1 phút. “Ngay khi hỏi bệnh nhân được 1, 2 câu là bác sỹ kê đơn thuốc, không hỏi xem đau thế nào, diễn biến ra sao, tiền sử có vấn đề gì không? vv…”, bạn đọc này nói.

Nhiều bạn đọc cho biết trong một số trường hợp 1 phút 1 bệnh nhân e là quá lâu. Một bạn đọc chia sẻ: “Cách đây không lâu tôi có đưa con mình khi khám ở BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) do bé chạy bị trật chân (nhẹ thôi). Anh bác sĩ không buồn nhìn chân con mình (thái độ rất vội vã), phê ngay: chụp X-quang. Tôi rất lo lắng mới đem con đi bệnh viện, nhưng gặp những trường hợp như thế này thì e là còn nguy hiểm hơn vì người bệnh chẳng được biết gì về tình trạng của mình”.

Một bệnh nhân có con bị chàm dị ứng khi đưa đến bác sỹ da liễu khám thì bác sĩ (vì quá đông) nên chỉ nhìn lướt quá rồi xua tay bảo ngồi ghế chờ. Một lát sau bác sỹ ra mang theo 1 nắm thuốc để cho bé uống.

“Tôi đành phải bảo cháu không lấy thuốc có được không rồi trả tiền khám và đi thẳng sang chỗ khác khám. Tôi sợ nhất kiểu khám như thế”, bạn đọc này cho hay.

Thậm chí, có bệnh nhân còn chia sẻ khi chị đi khám thì “từ đầu đến cuối bác sĩ chỉ nói đúng 1 từ "Sao?" rồi im bặt”, sau đó bác sỹ kê đơn thuốc.

Chị không biết trường hợp của mình thì khám trong bao nhiêu giây!

Không phải cứ khám lâu là tốt, nhưng …

Ở chiều ngược lại, nhiều bạn đọc cũng như các bác sỹ đang trực tiếp công tác tại các bệnh viện cho rằng không phải lúc nào khám lâu cũng là tốt và phải khám lâu mới ra đúng được bệnh.

“Với một bác sỹ có kinh nghiệm về lâm sàng thì nhiều khi chỉ cần nhìn qua, gõ nhẹ, ấn nhẹ là đã chẩn đoán được bệnh, chỉ thêm xét nghiệm, chụp chiếu (nếu cần thiết) để khẳng định chắc chắn. Như vậy, trong trường hợp này không thể quy kết khám nhanh là khám ẩu”, một bác sỹ công tác tại bệnh viện Nhi TW khẳng định.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu trong đội ngũ bác sỹ có bao nhiêu bác sỹ đạt được đến trình độ như thế này thì vị bác sỹ trên không thể đưa ra câu trả lời.

Không phải cứ khám lâu là tốt, là chẩn đoán đúng nhưng thời gian tìm hiểu tiền sử của người bệnh ảnh hưởng nhiều đến kết quả chẩn đoán

Trong khi đó, bác sỹ Lê Thị Kim Dung (từng công tác tại BV Phụ sản HN, hiện đang làm việc tại Trung tâm y tế lao động Thái Hà) cho rằng xét nghiệm có vai trò quan trọng nhằm hỗ trợ chẩn đoán bệnh một cách chính xác.

“Nhưng xét nghiệm không nói lên tất cả. Cảm nhận trực quan của người thầy thuốc rất quan trọng. Có khi thầy thuốc giỏi không cần xét nghiệm, chỉ bằng nhìn, nghe, gõ, sờ, nắn là họ chẩn được bệnh. Muốn làm được như vậy, họ phải có kinh nghiệm, có thời gian khai thác tiền sử bệnh nhân. Điều này thì rất khó thực hiện tốt trong điều kiện hiện nay”, bác sỹ Dung nói.

Nhiều người bệnh cũng tỏ thái độ cảm thông với các bác sỹ bởi “để có thể làm tốt việc thăm khám cho người bệnh rồi động viên chia sẻ họ thì cần tới 30 phút. Vậy một thầy thuốc một ngày chỉ khám được 15 bệnh nhân. Trong khi đó còn cả gần trăm người đang chờ đợi, họ không thể khám lâu như vậy được”, bạn đọc Hồng Ngọc Hải chia sẻ.

Bên cạnh nguyên nhân quá tải, bạn đọc Phạm Huy Hoàng đánh giá: “Thực trạng bác sỹ khám bệnh nhưng ít quan tâm đến tình trạng bệnh nhân không phải là chỉ do quá tải. Bác sỹ vẫn có thời gian nói chuyện điện thoại, làm việc riêng, tiếp trình dược viên, người nhà hỏi về tình trạng bệnh thì không trả lời, còn nhiều việc gây bức xúc cho người bệnh nữa. Như vậy không thể nói chỉ vì quá tải nên mới sinh ra kiểu “khám bệnh siêu tốc” được”.

Giải quyết thế nào?

Trong khi bác sỹ phải làm việc trong tình trạng cấp tập vì quá tải thì người bệnh cũng không thể vì thế mà chấp nhận được tình trạng chẩn đoán nhầm lẫn, dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Vậy cần phải giải quyết bài toán này như thế nào cho thỏa đáng?

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, biện pháp đầu tiên là phải giảm áp lực quá đông cho các bệnh viện. Chỉ khi số bệnh nhân giảm xuống, áp lực làm việc giảm theo thì mới mong đến chuyện chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện.

Tuy nhiên, vị này cũng cho biết thực hiện được chuyện này không phải đơn giản, bởi quá tải kéo theo nhiều hệ lụy xấu nhưng lại mang lại nguồn thu nhập lớn cho các bệnh viện. Do đó, phải làm sao “gỡ” được điểm rối này thì mới có thể gỡ được các điểm rối khác.

Khi nào giảm tải được, tăng thu nhập được cho bác sỹ thì chất lượng khám chữa bệnh sẽ được cải thiện?

“Nói tóm lại cần có một thay đổi chiến lược trong ngành y tế. Cần tìm cách tăng lương cho bác sỹ, sau đó cần xây dựng thêm bệnh viện, cơ sở y tế, giảm tải cho bệnh viện, thu hút nhân lực nhằm nâng cao chất lượng y tế.

Bác sỹ phải được trả lương xứng đáng và giành nhiều thời gian hơn nữa cho bệnh nhân trong khám chữa bệnh, xóa bỏ áp lực một bác sỹ phải khám chữa bệnh cho quá nhiều người bệnh. Có như thế người bệnh mới có cơ hội đến được khám chữa bệnh thực sự”, bạn đọc Hồng Hà góp ý.

Ngọc Anh