- Cứ đúng 8h tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần tại Cung văn hóa hữu nghị Việt – Tiệp, đội ngũ “chân dài” đất Cảng sẽ tập hợp và bắt đầu buổi tập luyện kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ với huấn luyện viên Đinh Hồng Sơn. Kể từ khi các cuộc thi nhan sắc bùng nổ tại Việt Nam và nghề người mẫu được biết đến rộng rãi hơn thì số lượng những cô gái trẻ có nhan sắc, vóc dáng đổ về đây ngày một nhiều.


Vậy các người đẹp đã được học tập, rèn luyện những gì để chuẩn bị cho các cuộc thi hoa hậu, người mẫu?

Học đi, học đứng, học biểu lộ cảm xúc

Bài học đầu tiên mà Trần Hải My (sinh năm 1994, học sinh lớp 11 trường THPT Thái Phiên, TP Hải Phòng) cùng các bạn phải trải qua khi bắt đầu bước chân vào Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt – Tiệp là học những kiến thức cơ bản về đi, đứng, tạo dáng, biểu cảm sao cho đạt chuẩn của một người mẫu chuyên nghiệp.

Các người đẹp trên sàn tập luyện của cung văn hóa hữu nghị Việt - Tiệp

Rất nhiều người dân thành phố (nhất là thanh niên) thường đổ về Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt – Tiệp mỗi khi có buổi tập của các “chân dài” này. Họ đã xem nhiều chương trình thời trang, nhìn nhiều hình ảnh long lanh của các người mẫu chuyên nghiệp trên báo chí nhưng khi mục sở thị những “chân dài” cao ít nhất là 1,71m này, không ít người cứ “dán mắt” vào hình thể cũng như những bước đi uyển chuyển của các cô gái.

Dù xung quanh có nhiều người nhìn ngắm chăm chú song những cô gái này vẫn giữ đúng vẻ mặt “lạnh như tiền”!

Trên sàn tập, “người đẹp” Trần Mai Phương (21 tuổi, cao 1m72, đến từ quận Kiến An, TP Hải Phòng) là học trò lớn tuổi nhất trong lớp của huấn luyện viên Đinh Hồng Sơn.

Cô di chuyển khá nhịp nhàng theo tiếng đếm nhịp của chị Sơn. Cứ mỗi khi có dấu hiệu “lệch chuẩn” là tiếng của chị Sơn lại vang lên khiến tất cả đều phải chú ý tập trung cao độ.

Người đẹp Mai Phương (quần sóoc trắng) trên sàn tập

Theo đánh giá của huấn luyện viên Đinh Hồng Sơn, chỉ một kỹ năng tưởng chừng đơn giản như vậy (đi đứng sao cho ra dáng người mẫu, hoa hậu) nhưng có khi phải mất đến 3 tháng mới vào được khuôn khổ.

Mai Phương cho biết cô đã đi học tại lớp người mẫu này được 4 năm (bắt đầu học từ năm 17 tuổi) và có mơ ước trở thành một người mẫu chuyên nghiệp. “Ban đầu vào đây là con số 0, nhưng sau khi được cô Sơn uốn nắn và tìm tòi thêm bên ngoài, em cũng đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm quý”, Phương nói.

Tại đây, mỗi bước đi của các cô gái trẻ được uốn nắn kỹ càng, tỉ mẩn bởi một khi đã lệch chuẩn thì rất khó để đưa lại vào khuôn. Những cô gái đến đây học đều có lợi thế là cao (người nào thấp nhất cũng đạt 1m70, 1m71, cá biệt có trường hợp học sinh lớp 11 nhưng cao đến 1m79, 1m80) nhưng không phải ai cũng có dáng đi chuẩn.

Có những cô chân dài nhưng dáng đi khuềnh khuềnh rất xấu, có cô đi vòng kiềng, có cô nếu đứng thì đẹp nhưng di chuyển lại có “vấn đề”, vv…

Nhiệm vụ của các huấn luyện viên là phải giúp họ khắc phục những điểm yếu này, sao cho sự hài hòa tổng thể của cơ thể trong khi di chuyển sẽ che bớt đi được những khuyết điểm của đôi chân.

Tập luyện, tập luyện và tập luyện

Theo huấn luyện viên Đinh Hồng Sơn, “giáo trình” học của các người đẹp này gồm 2 phần: Tập đi đứng, tạo dáng, biểu cảm và tập thể dục thẩm mỹ để khắc phục những điểm yếu của cơ thể như đùi to, bụng nhiều mỡ, vai thô, vv…

“Không có người đẹp nào sinh ra đã hoàn thiện. Những người đẹp nhìn “long lanh” trên báo chí là vậy nhưng họ phải rất khổ công tập luyện, giữ gìn”, chị Sơn cho biết.

Huấn luyện viên Đinh Hồng Sơn đang hướng dẫn những cô gái trẻ nuôi mộng trở thành hoa hậu, người mẫu tập luyện những động tác đi đứng, tạo dáng như người mẫu chuyên nghiệp

Tại Hải Phòng, rất nhiều bạn trẻ có sắc vóc đều muốn được “nhào nặn” dưới bàn tay của huấn luyện viên Đinh Hồng Sơn vì chị Sơn vốn là một giảng viên thể dục thẩm mỹ chuyên nghiệp (chị từng công tác tại ĐH Thể dục Thể thao) và cũng là người đã giúp đỡ nhiều người đẹp thành danh hiện nay. Vì thế, chị Sơn nắm trong tay khá nhiều “bí quyết” để “nhào nặn” các người đẹp.

“Tập luyện, tập luyện và tập luyện”, đó là những gì mà chị Sơn hướng dẫn các học trò của mình. Chị Sơn cho rằng “bí quyết” của mình rất đơn giản: Vì nắm được những kỹ năng của thể dục thẩm mỹ nên chị nghiên cứu khá kỹ lưỡng form của từng người để tìm ra điểm yếu điểm mạnh. Sau đó, chị sử dụng thể dục thẩm mỹ như một biện pháp hữu hiệu để cải thiện điểm yếu.

“Có những cô giờ là hoa hậu, á hậu vào đây ban đầu vòng 3 teo tóp, vòng 2 thừa mỡ, vai thô, ngực xấu nhưng nhờ tập luyện bài bản, đúng cách, kiên trì nên giờ cô nào cũng đẹp long lanh, vòng nào ra vòng nấy”, chị Sơn chia sẻ một cách “chừng mực” về những bí quyết của mình.

Khi hỏi cặn kẽ hơn về các bài tập được xây dựng và tổ chức như thế nào, chị Sơn không tiết lộ chi tiết (tuy chị tỏ ra rất tự tin vào những kiến thức và kinh nghiệm bấy lâu nay của mình).

Họat động đào tạo chưa bài bản, chuyên nghiệp

Tuy được gọi là “lò” đào tạo nhưng có lẽ đây là cách gọi theo thói quen. Bởi thực chất họat động đào tạo người mẫu, hoa hậu tại đây chưa thực sự quy củ, chuyên nghiệp. Các học viên có thể tự đến, tự đi và “giáo trình học” ngoài những kỹ năng về catwalk, biểu cảm, sửa lỗi hình thể thì không còn gì khác.

Ra đời từ sớm và khá có tiếng nhưng những hoạt động đào tạo người đẹp của Cung văn hóa hữu nghị Việt Tiệp vẫn mang tính tự phát, chưa thực sự bài bản, chuyên nghiệp

Trong khi đó, tại các “lò” đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp của “cường quốc hoa hậu” Venezuela hoặc tại Nhật Bản, ngoài những nội dung trên, các học viên còn được học cách ứng xử một cách thông minh, chuyên nghiệp với những tình huống phát sinh.

Đơn cử nhất là họat động trả lời phỏng vấn báo chí. Các người đẹp trong những “lò” đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp (ví dụ như tại Học viện hoa hậu của Venezuala) được học những kiến thức về báo chí, về mong muốn của các nhà báo, cách làm việc của các nhà báo và cách trả lời phỏng vấn sao cho chân thực mà không ngô nghê hay các mẹo để người đẹp tránh không bị rơi vào những cái bẫy câu hỏi của nhà báo làm “phô” ra những khiếm khuyết của họ về kiến thức.

Còn tại Việt Nam, có lẽ họat động đào tạo hoa hậu mới dừng ở mức tự phát, manh mún nên các người đẹp “có gì học nấy”, sự thành công còn tùy thuộc nhiều vào “may rủi”.

Vì thế mới có chuyện chính các hoa hậu, á hậu sau khi đăng quang thường được người quản lý “nhờ” các nhà báo tư vấn cách trả lời báo chí hoặc rất ít khi dám trả lời mặt đối mặt vì sợ khó làm chủ tình thế.

Ngọc Anh

Bài 3: Đào tạo hoa hậu: Trăm hoa đua sắc, ít đóa ngát hương