- Những ngày này, người dân ở vựa vãi thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đang rỉ tai nhau về công dụng của lá vải thiều khi liên tiếp xuất hiện nhiều thương nhân đến thu gom mua lá vải thiều khô.

Lá vải thiều là… thần dược?

Mấy ngày nay, người dân các xã Tân Quang, Nghĩa Hồ… thuộc huyện Lục Ngạn đang đồn thổi nhau về giá trị của cây vải thiều.

Trước, sau khi thu hoạch vải, người dân tiến hành tỉa cành, đốt hết lá già để chuẩn bị cho vụ vải năm sau. Thế nhưng năm nay, bỗng đâu có mấy người trong xã đứng ra thu gom lá vải thiều khô nên người dân đồng loạt mang đến nhập cho các đại lý này.

Người ta còn truyền tai nhau rằng, lá vải khô sau khi thu gom sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc để làm thuốc chữa bệnh. Giá bán của lá vải thiều tuy thấp (dao động từ 1000 -1300 đồng/kg), nhưng hàng ngày, người dân vẫn thu gom rồi bán cho các đại lý.

Ở Lục Ngạn, nhiều nhà đã mở ra các đại lý để tiến hành thu gom lá vải thiều khô. Nghe đâu, sau khi thu gom mua từ người dân, số lượng lá vải khô này sẽ được một doanh nghiệp ở Hà Nội cho xe tải chở về kho rồi đưa đi xuất khẩu sang tận Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác.

 
 

Một số người sau khi nghe thông tin: lá vải thiều là “thần dược”, là một trong nhiều vị thuốc để chữa các bệnh nan y thì lại “ém hàng” không bán. Họ bảo, bây giờ, vì chưa ai biết rõ công dụng của lá vải nên thương nhân ép bán giá rẻ. Khi nào mua hết sạch, các đại lý thu gom mới đẩy giá lên gấp 10 lần, lúc đấy chẳng có mà bán.

Nhiều người thì bán cầm chừng, vừa bán vừa nghe ngóng tình hình. Nhà nào bí tiền quá mới tậc lưỡi: thôi thì bán hết, nếu sau này nó giá trị, đắt lên 10 hay 20 lần thì chặt cả cây đem đi bán.

Thực hư về giá trị của lá vải khô thế nào thì chẳng ai rõ. Thế nhưng, thời điểm hiện tại, cây vải đang ra hoa, nếu người dân vì lợi nhuận trước mắt, chặt hết cành để bán lá thì sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất của vải thiều năm tới.

Nhiều người đặt ra nghi vấn: Liệu, việc thu mua lá vải thiều vào giai đoạn vải chuẩn bị ra hoa có phải là một chiêu bài nữa của người nước ngoài đánh vào vải thiều Lục Ngạn như những “thương vụ” ồ ạt thu mua ốc bươu vàng, mèo hay đỉa thời gian qua?

Xuất hiện các đại lý thu gom

Theo ông Nguyễn Đăng Đạo (xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn), chủ một đại lý thu gom lá vải thiều khô thì cách đây 1 tháng, có một doanh nghiệp tận Hà Nội đến đặt vấn đề với ông về việc mở đại lý thu gom lá vải thiều khô.

Lúc đầu, mới nghe, ông cứ nghĩ rằng mình sẽ bị lừa. Bởi, từ xưa đến nay, chẳng ai đi mua cái “phế thải” này cả. Người dân sau vụ vải, gom cành, lá rồi đốt, dùng tro để bán cho cây, chuẩn bị cho vụ vải năm sau.

Thấy ông băn khoăn, DN này đã đưa trước cho ông 100 triệu. Số tiền này được dùng để thu mua lá vải khô và tiền thuê nhà kho tấp nập người đến bán lá vải thiều khô.

Cũng theo ông Đạo, ông đã nhiều lần hỏi xem doanh nghiệp kia thu mua lá vải thiều khô để làm gì nhưng họ ậm ờ không nói rõ. Họ chỉ bảo: việc của ông là thu mua, có bao nhiêu, Doanh nghiệp sẽ mua lại hết.

Ngoài tiền công, tiền cho thuê nhà kho, ông cũng hưởng lợi một số tiên kha khá từ việc ăn chênh lệch giá.

Đang trong thời gian nhàn rỗi, lại thấy việc thu gom lá vải rất lợi nhuận nên ông đứng ra nhận lời. Ngôi nhà cũ được ông cải tạo làm kho chứa hàng. Khi nào thu gom được khối lượng hàng kha khá, ông lại gọi điện để DN ở Hà Nội cho xe xuống chở hàng.
 

 
 

Mặc dù mới triển khai mua nhưng điểm của ông đã cân và đóng bao được gần 100 tấn lá vải thiều khô. Khách hàng của ông toàn là người dân trong xã và các xã, huyện lân cận.

Được biết, ngoài đại lý thu gom tại nhà ông Đạo, Doanh nghiệp thu mua lá vải này còn mở thêm nhiều đại lý khác như ở Phố Kim (xã Phượng Sơn), xã Hồng Giang, Kiên Thành, Tân Mộc.

Lá vải được xuất khẩu sang Nhật Bản

Được biết, đơn vị thu gom mua lá vải thiều là Công ty TNHH kinh doanh, thương mại Lâm Sơn (có trụ sở tại phường Định Công, Hà Nội). Theo lý giải của Doanh nghiệp này thì mục đích thu mua lá vải thiều khô là để sơ chế, ép và sau đó xuất khẩu sang Nhật Bản.

Cũng theo lý giải của Công ty Lâm Sơn, lá vải thiều sau khi được đưa sang Nhật sẽ được dùng để làm đất nhân tạo hoặc phân bón.

Nguyên nhân mà Nhật Bản phải nhập khẩu lá vải thiều về làm đất nhân tạo là do nhiều vùng đất ở nước này đã bị nhiễm xạ do rò rỉ tại các nhà máy điện hạt nhân thời gian qua, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.

Trước đó, phía Nhật Bản cũng đã từng thu mua lá nhãn ở Thái Lan để làm đất nhân tạo, tuy nhiên do bất ổn và ảnh hưởng của trận lũ vừa qua nên đã chuyển thị trường sang Việt Nam với sản phẩm chính là lá vải.

Được biết, hiện tại UBND huyện Lục Ngạn đã mời đại diện Công ty Lâm Sơn về làm việc để làm rõ mục đích thu mua và những vấn đề liên quan.

Hoàng Sang