- Mẹ ngoại tình, bỏ rơi cô và bố khi còn bé, Trần Thị Hoàng Mai (nữ phạm nhân đạt giải nhất trong cuộc thi viết tự truyện do Bộ Công an tổ chức) sống những tháng ngày nhếch nhác, cơ cực.

LTS: Sau khi Tổng cục VIII, Bộ Công an phát động cuộc thi viết tự truyện dành cho các phạm nhân, đã có hàng ngàn bài viết tham dự.

Chốn lao tù, đấy là thời gian để phạm nhân tự chiêm nghiệm lại cuộc đời mình, tự mình ăn năn, hối cải.

Đọc các bài viết của các “thí sinh” đặc biệt này, không ít người đã phải rơi nước mắt. Trong bóng tối của những ngày gieo rắc tội ác, nơi cuối con đường vẫn là ánh sáng hướng thiện, dù rằng, ánh sáng đó chỉ le lói rồi vụt tắt.

Đọc lời sám hối của một nữ phạm nhân đang mắc trong mình căn bệnh thế kỷ, hay những dòng tự sự của một tên tội phạm từng bị kết án tử hình về tội buôn bán ma túy… , chúng ta mới hiểu được rằng: con đường dẫn đến quá trình phạm tội của họ đôi khi cũng đáng thương. Một cô bé bị mẹ bỏ rơi, đẩy vào nhà chứa, một đứa bé bị đánh cắp tuổi thơ, bị người cha dượng trong cơn say lè nhè cướp đi trinh nữ, để rồi từ đó, bỏ nhà đi lang thang và rơi vào bủa vây của dòng đời nghiệt ngã.

VietNamNet xin phép trích một số bài viết đoạt giải của các phạm nhân trong cuộc thi viết tự truyện vừa qua.

Ngày mẹ ngoại tình, bỏ lại bố và con!

Trần Thị Hoàng Mai chào đời vào đúng ngày Rằm tháng Tám (tính theo lịch âm năm ấy). Các cụ xưa có câu ví thường truyền miệng đã bao đời nay: “Trai mồng một – Gái hôm rằm…”.

Từ nhỏ,  Mai chưa bao giờ hiểu hết ý nghĩa ngọn ngành của câu ví ấy, mà chỉ hiểu một cách nôm na rằng danh từ câu ví ám chỉ (thuộc về một tuýp người có điều gì đó ghê gớm, đáng sợ lắm!?).

Hoặc rằng, hình như điều này có liên quan tới chuyện rủi – may của số mệnh con người… Tuy nhiên, Mai không tin vào tính ấn định của câu ví này.

Cha mẹ Mai đều là những thành viên xung phong trong thời kỳ “Mở đường cho đất nước”, cùng tham gia xây dựng khu kinh tế mới ở một huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng. Ngày mang thai Mai cũng là lúc họ đưa nhau trở về quê hương miền Bắc.

Sáu tháng tuổi, mẹ Mai ngoại tình, bỏ lại cô - đứa con thơ khát sữa khóc ngằn ngặt đêm ngày cho cha, rồi đi biền biệt. Cuộc hôn nhân sau đó chỉ tiếp tục kéo dài thêm hai năm trong “chiến tranh lạnh” rồi đổ vỡ.

Trước khi phiên tòa xét xử ly hôn diễn ra vài ngày, một cuộc cãi vã kịch liệt giữa họ xảy ra như nước vỡ bờ. Cha Mai chát đắng trong lòng trước câu nói lạnh lùng của mẹ. Mai vẫn nhớ như in câu nói tàn nhẫn đó:

- Anh phải nuôi con! Có nó tôi đâu thể lấy ai được! Chẳng gia đình nào lại chấp nhận cưới về cho con họ một phụ nữ đã có chồng con… Anh hiểu chứ!

Cúi đầu im lặng một hồi lâu, cha Mai nói trong tiếng uất nghẹn, giọng ông lại đi:

- Được thôi! Nếu cô đã lựa chọn thế… Vậy từ nay về sau đừng vác mặt về cái nhà này thăm nom gì hết! Con tôi không có người mẹ tệ bạc, vô tình như cô!...

 
Mai ghét người mà cô phải gọi bằng Mẹ ấy. Bởi, bà đã bóp chết tuổi thơ của cô, vứt cô ra giữa vòng xoáy của cuộc đời, đẩy cô vào nhà chứa...(ảnh minh họa)
 

Tuổi thơ của Mai là những tháng ngày bầm dập trong đói rét, trong những lần cãi vã kịch liệt của bố và mẹ. Bi kịch hơn, chính người mẹ đẻ của cô chính là người đã đang tâm bán cô vào nhà chứa. Bi kịch cuộc đời, bi kịch không có lối thoát của Mai cũng bắt đầu từ đây.

Đêm, nhìn mưa giăng mắc ngoài ô cửa, cô chợt rùng mình. Một cảm giác cô đơn và tuyệt vọng, nhục nhã và ê chề. Cô muốn gọi tên Mẹ, hét lên cho thỏa nỗi nhớ mong, cô muốn gào tên Cha -  người thân duy nhất ở bên cô trong những chuỗi ngày tối tăm.

Mai ghét người mà cô phải gọi bằng Mẹ ấy. Bởi, bà đã bóp chết tuổi thơ của cô, vứt cô ra giữa vòng xoáy của cuộc đời, đẩy cô vào nhà chứa.

Cô hận người đàn ông của Mẹ - gã đàn ông trong cơn say lè nhè đã đưa bàn tay bẩn thỉu lên sờ soạng khắp cơ thể mới lớn, định cướp đi đời trinh nữ của cô.

Mai hận cuộc đời, hận người đàn bà mà mình gọi bằng Mẹ, hận cả ánh mắt ráo hoảnh ngày mẹ bán cô vào nhà chứa, hận ánh mắt gằn lên những tia nhục dục của người cha dượng, hận cái đêm mưa gió bão bùng, cô lang thang một mình trong ngõ vắng và bị cướp đi đời con gái…

Mai lao vào trả thù cuộc đời, lao vào những cuộc chơi. Giông tố cuộc đời cứ ập đến đôi vai gầy của một thiếu nữ.

Tuổi thơ bầm dập

Ngồi trong trại giam, Mai nhớ như in những gì đã xảy ra với mình. Những mảnh ký ức vụn vỡ mặn chát được cô góp nhặt lại….

“Hà Nội những tháng năm dưới nền kinh tế bao cấp- cùng chung bối cảnh như bao cùng đất khác trên khắp mọi miền đất nước cuộc sống con người đầy khó khăn, vật lộn từng ngày với gánh nặng “cơm - áo – gạo – tiền”!

Cha con tôi sống trong căn hộ chật chội, tồi tàn và cũ kỹ trên tầng ba của một khu tập thể xây dựng đã lâu năm, đang xuống cấp nghiêm trọng! Tôi không thể quên – có những mùa mưa, bao nhiêu xô chậu; nồi niêu, xoong chảo trong nhà được cha tôi bày ra la liệt như một “bãi chiến trường” để hứng dột – còn tôi thì lại ngây ngô cười khanh khách đầy thích thú – bởi cứ ngỡ là trò “chơi đồ hàng” mà cha sắp chơi cùng rồi!

Rồi lại cả biết bao trận “bão khẩn cấp” dội về - đổ rạp và bật rễ những tán cây già nơi góc phố; điện đóm tắt ngóm trong đêm, chỉ còn loe lét ngọn đèn dầu hắt lên thứ ánh sáng tù mù, mờ đục!

Tôi vẫn hồn nhiên ngủ ngon lành trong lòng cha. Còn ông, vẫn ngồi dựa lưng vào bức tường loang lổ… một tay ôm con, một tay loay hoay lật dở mảnh áo tơi để che dột cho tôi. Thi thoảng ông đưa tay khua đập đám muỗi đói vè vè bay tán loạn bay vây lấy hai con người…

Bây giờ mỗi lần kể lại, khó ai có thể tin nổi câu chuyện của tôi – một cô gái sống giữa lòng thủ đô! Chẳng thế mà người vợ sau này của cha (người đàn bà tỉnh lẻ) vẫn luôn đay nghiến tôi rằng:

- Cái ngữ “con gái Hà Nội” thì chỉ ham ăn trắng mặc trơn thôi!

Bạn bè tôi cũng vậy, ai từng nghe đều bĩu dài môi phản ứng:

- Khiếp! Chuyện tiếu lâm quá nhỉ! Làm gì mà hoàn cảnh đến nỗi “chị Dậu” thế!

Mái nhà dột nát, bé nhỏ và tội nghiệp của tôi – cũng thật lớn lao, vĩ đại khi nó đã bao lần phải gồng mình lên để che chở – làm chốn nương náu cho bốn số phận con người: Cha tôi, tôi, bà nội (một bà cụ nằm liệt giường suốt mấy năm vì tai biến mạch máu não); và ông bác cả tôi (bị căn bệnh về thần kinh do di chứng của chiến tranh). Tất cả gánh nặng này đè lên vai cha tôi – Người cha anh hùng vô cùng vĩ đại trong sự nghiệp “gà trống nuôi con” cùng cái nghèo cứ triền miên đeo bám!

Những ký ức về người cha thân yêu đã giúp Mai mỗi khi cô vấp ngã (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
 

Cha tôi kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo trên khắp các đường phố, ngõ hẻm. Lẫm chẫm biết đi, tôi thường hay ốm vặt- gầy gò và còi cọc, lại quấn với cha chẳng chịu rời một bước!

Là đứa trẻ “khó nuôi” nên mỗi khi tôi “ươn người”, cha cứ luôn phải bế đi dong dong khắp các hành lang của khu nhà tập thể, tôi rụi rụi mái đầu vào vai cha, khóc xong rồi lại ngủ thiếp đi trên bờ vai ấy. Nhiều khi tưởng tôi ngủ say, cha từ từ đặt tôi xuống. Nhưng vừa rời khỏi vai ông, tôi lại khóc– níu tay ông đòi bế lên cho bằng được, tôi mới chịu nín!

Dù mưa, dù nắng- “cái giẻ vắt vai” luôn theo ông đi xuôi – ngược khắp mọi nẻo đời! Trên phố xá tấp nập người qua lại, hay những khu chợ ồn ào, náo nhiệt… Người dân đã quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông bán vé số dạo – cùng đứa bé ốm o, quặt quẹo, nhem nhuốc ngủ li bì trên vai…

Cảm phục và thương mến cho hoàn cảnh của người đàn ông hiền lành, chịu thương chịu khó ấy, đã có biết bao người phụ nữ tỏ ý tình nguyện đồng hành để cùng san sẻ gánh nặng với cha, trong số đó có người phụ nữ tên N.

Song cha tôi luôn khéo léo từ chối, giữ trong lòng ông sự kiên định sẽ không tái giá cho tới khi tôi lớn. Dù không xây dựng với nhau, người phụ nữ ấy vẫn âm thầm bên cạnh cha tôi như có ý muốn chờ đợi, cô ấy trở thành người bạn thân tình thường chạy qua, chạy lại đỡ đần mọi việc giúp ông.

  • Hoàng Sang – Vân Anh (còn nữa)

(Bài viết sử dụng tư liệu trong phần tự truyện của nữ phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai)