- Ngày 30/12 tới đây, chủ đầu tư Viglacera sẽ có buổi làm việc với khách hàng để thống nhất lại mức giá bán được cho là quá cao của căn hộ dự án Khu đô thị chức năng Xuân Phương.
>> Viglacera dựa vào đâu để tính giá 34 triệu đồng/m2?
Sẽ thống nhất lại giá bán!
Trong cuộc họp vào ngày 24/12/2011 giữa đại diện chủ đầu tư Viglacera và khách hàng, nhiều nội dung đã được đưa ra.
Phía các nhà đầu tư yêu cầu Viglacera giảm giá bán cho phù hợp với mức giá trên thị trường; giãn tiến độ nộp tiền làm nhiều lần; chỉ xây thô và hoàn thiện mặt ngoài căn hộ; hoàn thiện toàn bộ hạ tầng sau đó mới xây dựng…
Công văn số 125 ngày 08/2/2007 của Viglacera. |
Phía khách hàng cũng đề nghị Viglacera làm rõ, tiền huy động theo công văn 125 tương đương với 20% giá trị của lô đất và nhà đã được hoàn thiện. Việc tính giá căn hộ theo đơn giá mới cần được làm rõ ràng, đó là giá của 80% giá trị nhà – đất còn lại hay được hiểu là toàn bộ giá trị căn nhà?
Biên bản cuộc họp cũng được ghi: chiều ngày 30/12 sẽ có một cuộc họp giữa chủ dự án và nhà đầu tư để trả lời chính xác mức giá.
Liên quan đến vụ việc này, báo Đầu tư Chứng khoán thông tin: ông Trần Ngọc Anh, Phó TGĐ TCty Viglacera đã có cuộc đối thoại với khách hàng về dự án Xuân Phương.
Theo ông Anh, hiện hạ tầng của dự án cơ bản đã xong. Để giảm áp lực tài chính cho khách hàng, chủ đầu tư đã chấp nhận giãn tiến độ đóng tiền và xây dựng, đồng thời xem xét hoàn thiện bề mặt ngoài thay vì hoàn thiện toàn bộ ngôi nhà.
Viglacera sẽ có buổi họp với khách hàng để thống nhất lại mức giá bán vào chiều 30/12/2011. |
Với tỷ suất lợi nhuận được Viglacera đưa ra đối với dự án Xuân Phương là 16,9%, nhiều khách hàng cho rằng đó là mức lợi nhuận quá cao ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, số đông khách hàng đề nghị chủ dự án tính số tiền 330 triệu đóng góp cho chủ dự án (tương đương với 20% giá trị lô đất) được tính theo đơn giá cũ (8 triệu đồng/m2 đất và 3,5 triệu đồng/m2 xây dựng).
Báo này cũng thông tin, Viglacera đã chấp thuận 20% giá trị lô đất tương đương với 330 triệu được tính theo đơn giá cũ từ năm 2007 theo công văn 125. 80% giá trị lô đất còn lại quy ra m2 sẽ được tính giá thị trường khoảng 41,6 triệu đồng/m2.
Hiện Viglacera đã thành lập một tổ công tác để giải quyết những vấn đề khúc mắc của khách hàng liên quan đến dự án Xuân Phương.
Về mức giá mới Viglacera đưa ra là 34 triệu đồng/m2 và giá xây dựng hoàn thiện 9.4 triệu đồng/m2, một khách hàng của dự án này thông tin: trên thực tế, giá giao dịch ngầm của dự án này thời điểm BĐS sốt trong năm 2010 nó đã được đẩy lên con số 92 triệu đồng/m2.
“Viglacera không có thẩm quyền huy động vốn kiểu các quỹ tiết kiệm!”
Liên quan đến vụ việc, Luật sư Vương Thanh (văn phòng Luật sư An Khánh) cho rằng, việc huy động vốn tại công văn số 125, nội dung quá rõ ràng. Mục đích huy động vốn của CBCN là để bán nhà cho họ, giá hoàn thiện thì khẳng định rõ ràng, còn giá chuyển nhượng đất thì có sự thay đổi bởi có chữ “khoảng” (nội dung công văn 125 – p.v).
Tuy nhiên, “khoảng” này không được phép dao động từ 8 triệu lên tới 40 triệu, gấp năm lần được. Viglacera nêu tiến độ chậm để đưa ra mức giá mới là không chấp nhận được, bởi lẽ: Một là, tại công văn 125 không đề cập đến nội dung này. Hai là việc chậm tiến độ là do lỗi của công ty chứ người mua nhà (người góp vốn) không có lỗi.
Thứ hai: Việc Viglacera huy động vốn của CBCNV nhưng lại thành sổ gửi tiền coi như là sổ tiết kiệm rồi tính lãi trả cho người mua nhà như vậy là không đúng. Viglacera không có chức năng và thẩm quyền để nhận tiền gửi như các quỹ tiết kiệm được. Việc biến tướng từ huy động vốn trở thành tiền gửi tiết kiệm này là không đúng pháp luật.
Về hợp đồng vay tài sản, luật sư Thanh cho rằng: Hợp đồng vay tài sản nội dung không bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Mọi bất lợi đều dồn cho bên người mua nhà, nhưng người mua nhà trước ký hợp đồng đã không yêu cầu bổ sung chỉnh sửa hợp đồng.
- Kiên Trung