Sáng 28/12, người dân cả làng Bình Phụng, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) ngập tràn nước mắt tiễn đưa chiến sĩ Lê Văn Chí về nơi an nghỉ cuối cùng sau khi tìm được thi thể sau vụ chìm tàu tại Cửa Đại.
Nước mắt đón con về

Suốt hơn 4 ngày 3 đêm kể từ khi nhận tin dữ về đứa con trai bị nạn mất tích trên chuyến tàu trở về đất liền chiều 25/12, vợ chồng ông Lê Văn Thanh và bà Nguyễn Thị Xuân không còn nước mắt để khóc cho đứa con bạc mệnh Lê Văn Chí.

Nghẹn ngào, bà Xuân kể về đứa con yêu quí: “Nó là đứa con thứ 3 trong gia đình 4 anh em, cao to đẹp trai lắm. Học xong, thấy hoàn cảnh nhà quá khó khăn, Chí ở nhà và đăng ký vào bộ đội và nói sẽ theo con đường binh nghiệp...”.
 
Lễ Truy điệu chiến sĩ Lê Văn Chí

"Thấy con đã lớn khôn và chọn con đường quân ngũ để lập thân vợ chồng tui khấp khởi mừng thầm. Sau 3 tháng quân trường, rồi được cử ra làm nhiệm vụ tại đảo Cù Lao Chàm, nó cũng chưa kịp về thăm nhà.

Hôm 27/11 vừa qua, vợ chồng tui nhận được tin mừng Chí điện về bảo đơn vị có quyết định cử đi học lớp đào tạo cán bộ tiểu đội trưởng tại trường Quân sự Quân khu 5.

Và ngày 25/12, Chí được đơn vị đưa vào đất liền để chuẩn bị nhập trường thì nó đi mãi không về...” - bà Xuân kể trong nước mắt.

Kể từ hôm tai nạn xảy ra, cả hai vợ chồng và bà con hàng xóm ai cũng cầu nguyện Chí cùng đồng đội sẽ được tìm cứu. Ai ngờ...

Càng chờ đợi, càng vô vọng, cả hai vợ chồng chạy ra biển Cửa Đại ngồi chờ tin. Ông Thanh kể: Đến ngày thứ 2 thấy sóng biển ngày một lớn, mù mịt, vợ chồng tui hết hy vọng con cùng đồng đội sống sót. Chỉ cầu mong sớm tìm được xác con...

Ngập tràn nước mắt tại lễ truy điệu và an táng chiến sĩ Lê Văn Chí

Suốt mấy đêm ròng, vợ chồng ông Thanh cùng như thân nhân 5 cán bộ chiến sĩ mất tích trắng đêm trên bãi biển dõi mắt về phía biển mịt mù chờ đợi và cầu nguyện.

Đến ngày thứ 3, xác của Chí trôi dạt vào tận Duy Hải và đã được bà con ngư dân tìm thấy vớt đưa lên bờ. Hiện vẫn còn 4 chiến sĩ bị mất tích.

Hôm qua, khi đưa thi hài Chí về quê ở làng Phụng Hiệp, xã Bình Quế, nhiều người dân khóc ròng. Ai cũng bảo 'cái thằng Chí tội nghiệp, dễ thương vậy mà sao ông trời không thương...".

Còn bạn bè cùng lớp của Chí năm nào ở trường làng kéo về chỉ biết ngồi khóc và động viên người mẹ tội nghiệp.

Trong sáng hôm nay, Bộ Quốc phòng đã long trọng tổ chức lễ truy điệu và đưa Chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Trung tướng Đào Duy Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã đến phúng viếng, chia buồn và đưa tiễn người đồng chí, đồng đội.

Những đêm trắng tang thương

Đã 4 ngày trôi qua kể từ lúc chuyến tàu định mệnh đưa  29 quân nhân Tiểu đoàn 70 cùng 5 người dân từ đảo Cù Lao Chàm vào đất liền bị chìm nơi vùng biển Cửa Đại.

Đồng đội đến viếng lễ tang Lê Văn Chí

Có mặt nơi bãi biển Cửa Đại giữa những ngày tang thương này mới chứng kiến hết nỗi đau của những người mẹ, người cha đang dõi mắt ra phía biển để ngóng chờ tin con...

Phía biển mù khơi Cửa Đại những ngày này chìm trong tang thương. Hàng trăm chiếc tàu của ngư dân trong khu vực cùng tàu của lực lượng tìm kiếm suốt ngày đêm với hy vọng mong manh tìm được xác 4 chiến sĩ còn lại.

Trên con tàu nhỏ, lão ngư dân Nguyễn Nam vừa cập vào bờ kể lại rằng ông cũng như hàng trăm ngư dân khác nơi miền biển này tình nguyện đưa tàu ra tìm xác các nạn nhân.

Sau hơn 3 ngày 2 đêm ông cùng hàng chục tàu khác quần thảo nơi cửa biển này, với kinh nghiệm đi biển hơn 40 năm để tìm kiếm.

Nhưng ông lắc đầu bảo, tàu bị nạn ngay cửa biển, nước chảy xiết, dòng chảy lại phức tạp, triều lên xuống, có thể xác các nạn nhân khi chìm xuống đã bị bùn trôi ra từ cửa biển vùi lấp nên tìm không thấy.

Nhiều bàn thờ được dựng lên ngay cửa biển và những lều trại dã chiến của sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác cứu nạn cũng đã được dựng lên mấy ngày này.

Tất cả lực lượng tìm kiếm đến người dân có mặt nơi cửa biển này suốt mấy ngày qua đều cầu nguyện sớm tìm được xác những người mất tích.

Ông Bùi Phước Trung (54 tuổi, trú thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, TP.Hội An, Quảng Nam) thẫn thờ đi dọc bài biển, mắt đăm đắm nhìn ra phía biển mờ xa gọi con trai là Trung úy Bùi Phước Tâm (28 tuổi): “Ở đâu con ơi, linh thiêng thì cho ba biết để đưa con về...”.
 
 

Giữa cơn gió lạnh cắt da cắt thịt, ông Trung cứ mải miết đi dọc biển gọi con. Ngoài biển, những chiếc tàu vẫn tìm kiếm suốt ngày đêm. Nhưng cả 4 chiến sĩ còn lại vẫn biệt tăm.

Giữa cơn mê sảng, ông Trung vẫn nhớ như in rằng, khi tàu gặp nạn, Tâm vẫn còn bình tĩnh dùng điện thoại gọi cho người em biết tin để báo cho mọi người trên bờ ứng cứu.

Nhận được tin, ông cùng bà con làng chài lao ra biển để ứng cứu. Nhưng đứa con trai ông thì mãi mãi đi không về...

Vũ Trung