- “Tết Dương lịch làm gì có thưởng…”, nhiều người lao động giật mình đáp lại khi được hỏi về tiền thưởng Tết Dương lịch. Trong khi có mức thưởng “khủng” 700 triệu đồng năm nay lại rơi vào trường hợp thưởng Tết Dương lịch cho một cá nhân thuộc doanh nghiệp FDI.

Đau đầu tính tiền thưởng

Những ngày qua, nghe mức thưởng Tết cao nhất được công bố đạt đến con số kỷ lục 700 triệu đồng, không chỉ là chuyện khiến dân công sở xôn xao mà nó còn là chuyện nóng hổi được đưa ra bàn tán ở mọi nơi, mọi chỗ từ giới công chức nhà nước, công nhân cho đến những người lao động tự do chẳng bao giờ có tiền thưởng Tết.

Giờ ra chơi buổi tối, tại một lớp văn bằng 2 trường Đại học Luật TP.HCM, các sinh viên vốn là dân công sở đang túm tụm thông báo, bàn tán về mức thưởng Tết năm nay.

Bạn Nguyễn Ngọc Mai Thi làm việc tại ngân hàng P.N. vui vẻ: “Sắp tới thi gần xong rồi, Tết Dương lịch nghỉ ba ngày nhóm mình đi chơi đi. Năm nay, tui được cũng kha khá nên sẵn sàng bao vài chầu”.

Lương thưởng thấp nên công nhân chỉ dám mua rau cho bữa chiều (Ảnh: Mai Phượng)


“Chơi bời gì, từ đầu tháng đến giờ tôi mệt phờ, nghỉ học suốt nè, giờ chỉ muốn nghỉ ngơi thôi”, chị Thu Hồng nhân viên phòng hành chính - kế toán một Công ty Bảo hiểm có trụ sở tại quận 1 lên tiếng.

Khi được hỏi lý do, chị thở phào cho biết: “Cả tháng nay giờ mới được nghỉ ngơi, suốt tháng cả phòng quay quay tính toán, tổng kết cuối năm nên ngày nào cũng tối mò, tối mẫm mới về. Giá như mức thưởng cứ bằng nhau tuốt tuồn tuột cho nhanh mà vẫn đảm bảo công bằng thì đỡ biết mấy”.

Sở dĩ chị Hồng nói vậy bởi công ty chị có nhiều chi nhánh, cũng khá đông nhân viên, làm việc tại nhiều phòng ban như khối văn phòng, khối kinh doanh, khối giám định bồi thường…, trong mỗi khối còn có nhiều lĩnh vực nên cứ gần cuối năm là bộ phận hành chính – kế toán quay quay chóng mặt trong việc tính lương, thưởng hai cái Tết này.

Nghe vậy, một người trong nhóm thở dài: “Người thì hí hửng rủ đi chơi, người thì than vì phải tính toán nhiều tiền còn tôi chẳng có tí không khí Tết nào này, năm nào cũng chỉ có tháng 13 thôi, Dương lịch chẳng có gì đang đau đầu vì Tết nhất đây, lương tháng 13 thì đáng bao nhiêu”.
 
Bàn tán về mức thưởng “khủng” 700 triệu nghĩ mà mơ, chị Hồng vui vẻ nói: “Có mức đó chứ, nếu ông, bà nhận thưởng đó ký được hợp đồng đem lại lợi nhuận khủng hoặc có sáng kiến, thành tích đem lại lợi ích tương xứng cho công ty thì sẽ được thưởng cao thôi.

Bên mình, có năm cũng có người được thưởng tết Dương lịch cả trên trăm triệu còn Tết âm lịch tới 350 triệu rồi”.

Nơi có, nơi không

Trong lúc một số cơ quan, doanh nghiệp có chủ trương thưởng cả Tết ta và Tết “tây” gấp rút tính toán từ đầu tháng 12 để công bố đến người lao động thì đa số các cơ quan, DN còn lại không có khoản này.

Theo báo cáo nhanh của Sở Lao động TP.HCM, thì trong tổng số 958 DN nằm ngoài Khu chế xuất – Khu công nghiệp báo cáo về mức thưởng Tết đã chênh lệch đáng kể.

Cụ thể: mức thưởng Tết Dương lịch của DN 100% vốn Nhà nước cao nhất là 33,7 triệu đồng, trung bình là 3,05 triệu đồng, thấp nhất là 1,5 triệu đồng; DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước cao nhất 89 triệu đồng, trung bình 2,5 triệu đồng, thấp nhất 453.000 đồng; DN dân doanh cao nhất 88,2 triệu đồng, trung bình 1,3 triệu đồng, thấp nhất 910.000 đồng; DN FDI cao nhất 700 triệu đồng, trung bình 3,8 triệu đồng, thấp nhất 611.000 đồng.

Theo một cán bộ thuộc LĐLĐ TP.HCM thì mức thưởng Tết Dương lịch hay Âm lịch cao nhất, trung bình, thấp nhất được công bố không thể phản ánh đúng được bản chất bức tranh thưởng Tết. Vị cán bộ này nói, cứ lấy trường hợp cụ thể là mức thưởng Tết Dương lịch thuộc loại hình DN FDI sẽ thấy rõ vấn đề này.

Ông phân tích, DN FDI công bố mức thưởng Tết Dương lịch 700 triệu đồng có thể coi là kỷ lục từ trước đến nay, so với mức thấp nhất là 611.000 đồng đã thấy chênh lệch gần 1.150 lần và gấp gần 200 lần so với mức trung bình.

Như vậy, một người được thưởng 700 triệu đồng chia ra sẽ làm cho gần 200 người không được thưởng đồng nào thành được thưởng 3,8 triệu, tương tự sẽ có 1.150 người không được đồng nào thành được thưởng 610.000 đồng.

Ông đánh giá, do vậy không phải có mức thấp nhất 610.000 đồng nghĩa là ai cũng được thưởng, DN nào cũng thưởng Tết Dương lịch bởi số lượng người được thưởng mức thưởng cao trội chỉ đếm trên đầu ngón tay, sự chênh lệch giữa các ngành, các lĩnh vực cũng rất lớn như lĩnh vực ngân hàng thưởng cao, giày da lại thưởng rất thấp, thậm chí không có trong khi nhân viên giày da thì đông hơn nhiều.

Khi được hỏi về tiền thưởng Tết Dương lịch thì cả 11/11 công nhân làm việc cho các DN tại KCX Linh Trung đều khẳng định không có tiền thưởng Tết Dương lịch, có người còn giật nảy mình hỏi lại “Tết Dương lịch hả? Tết Dương lịch làm gì có thưởng…”.

Khảo sát thực tế cho thấy, Công ty FREFTREND thuộc KCX là một trong những công ty có mức thưởng cao tới 2 tháng lương đối với lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên nhưng cũng không có thưởng Tết Dương lịch.

Trong khi đó, khi hỏi về thưởng Tết Dương lịch, anh N.V.A. – nhân viên ngân hàng T. (trụ sở tại Bình Thạnh) cho biết mình được thưởng một tháng tổng thu nhập lên tới 50 triệu đồng chưa kể Tết Âm lịch. Như vậy, xem ra vấn đề thưởng Tết đúng là muôn hình, vạn trạng.

M.Phượng