- Ở bất cứ một xã hội nào cũng vẫn tồn tại một lớp người cơ nhỡ. Ở Úc những người này mưu sinh bằng nhiều cách trong đó có cả nghề... cái bang. Tuy nhiên, ở Úc gọi họ là 'cái bang' cũng hơi quá đáng bởi họ có nét đặc trưng riêng. Họ không xin, không cần sự thương hại của người khác mà khi đồng tiền của tha nhân đến với họ được họ trả lại bằng những công sức xứng đáng...

Chuyện ở Sydney

Buổi trưa tại khu vực Bennelong ở bến cảng Sydney trời trở lạnh. Tin tức khí tượng cho biết nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C. Một người đàn ông ăn mặc theo phục trang của vua hề Charlot (Charlie Chaplin) đứng trên bục gỗ.

Một tay níu chặt vào trụ đèn chiếu sáng, một tay cầm cây gậy bằng mây uốn cong một đầu, người đàn ông hoàn toàn bất động.

Thổ dân Úc với điệu nhạc của bộ tộc.


Dưới dất, bên cạnh nơi ông đứng, một chiếc cặp được mở toang. Bên trong chiếc cặp có nhiều đồng tiền kim loại. Một tấm biển với dòng chữ: “Please “Feet” the Statue !... and have a photo with Charlie được đặt bên trên chiếc cặp.

Trời vẫn lạnh. Những cơn gió từ biển thổi vào càng làm thêm lạnh. Vậy mà ông vẫn đứng như pho tượng... không màng đến hàng trăm, hàng ngàn du khách đến thăm nhà hát Opera Sydney (nhà hát con sò) đi ngang trước mặt ông.

Một tiếng “kẻng” vang lên có lẽ chỉ đủ để ông nghe. Lập tức ông đổi tư thế. Người đứng thẳng, cây gậy trên tay xoay tít nhiều vòng rất điệu nghệ. Đặc biệt hàng ria mép ông lay động theo từng cảm xúc riêng tư.

Ông bước xuống bục ôm lấy một trong 2 đứa bé trai đứng phía trước ngã người tạo dáng. Đứa bé còn lại leo lên bục cầm lấy cây gậy của ông. Cứ thế ông tạo ra nhiều kiểu mang đậm tính hài hước. Người nhà của 2 đứa bé bấm máy ảnh lia lịa.
 

Ca sĩ kiêm nhạc sĩ da đen.


Chỉ trong khoảng một phút ngắn ngủi, ông trả đứa bé trở về với vị trí cũ. Tiếng đồng xu lại vang lên. Ông lặp lại động tác với người mới quẳng tiền vào chiếc cặp. Có thể một người đàn ông, có thể một phụ nữ hoặc một cô gái. Tùy theo đối tượng ông tạo dáng. Cách tạo dáng của ông không khác chi nét đặc trưng của vua hài một thời vang danh bốn bể...

Cũng trên con đường dẫn đến nhà hát Opera Sydney, cách nơi người đàn ông trong vai Charlot khá xa, tiếng nhạc cụ thật lạ lẫm của thổ dân Úc vọng lại.

Trong căn lều nhỏ, hai người dàn ông cởi trần trùng trục mặc dầu thời tiết khá lạnh phối hợp với một người đàn bà trong trang phục mỏng manh chơi những bản nhạc đặc thù của bộ tộc.

Một vật đan bằng tre giống như chiếc nia được đặt khá xa. Khách tham quan bỏ tiền vào đó rồi đến gần họ.

Một trong hai người đàn ông đưa cho khách một nhạc cụ giống như chiếc sừng trâu để cầm trên tay rồi mời khách ngồi ngay giữa lều. Trong khi đó, người đàn ông còn lại say sưa chuyển tải những âm thanh qua chiếc “tù và” dài hơn 3m.

Những tấm ảnh kỷ niệm với thổ dân được nhiều người chiếu cố. Đây là nét văn hóa đặc trưng của người Úc bản địa...

Nhà hát Opera Sydney là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ 20 và là một trong các địa điểm biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới thu hút khá nhiều du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, cây cầu Sydney Harbour cũng góp phần tạo nên cảnh quan kỳ vỹ.

Chỉ cần bỏ một đồng tiền hỏ vào vali đựng đàn, anh ca sĩ da đen sẽ hát cho bạn nghe những bài hát bạn thích.


Trời lạnh. Du khách vẫn lũ lượt tìm đến nơi này. Người đàn ông làm phiên bản Charlot, nhóm thổ dân chơi nhạc càng có nhiều cơ hội trổ tài.

Dường như họ không biết lạnh cứ say sưa đắm chìm trong công việc. Những đồng tiền nhỏ, bất kể ít nhiều họ vẫn làm vui lòng du khách...

Du ca lãng tử

Suốt đêm thứ bảy, thành phố Brisbane tiểu bang Queesland ở miền đông bắc nước Úc chìm trong cơn mưa.

Ba giờ sáng, phiên chợ họp vào thứ bảy hàng tuần trong công viên Davies đã bắt đầu nhộn nhịp.

Hàng trăm gian hàng được tiểu thương bày bán dọc theo con đường hàng trăm mét trong công viên. Đủ mọi ngành hàng từ cọng rau con cá đến các mặt hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên một gian hàng đã làm nhiều người chú ý, gian hàng của một nhạc sĩ kiêm ca sĩ da màu bày bán đĩa CD và trình diễn nhạc ngay tại chỗ. Phụ việc là một phụ nữ da trắng còn rất trẻ. Điều không thể thiếu, trước gian hàng chiếc va li đựng đàn được mở nắp bên cạnh có tấm biển đề “Thank you”.
 

Charlot bất động.
 

Một đồng tiền được bỏ vào đó. Người nghe yêu cầu một bản nhạc. Người nhạc sĩ trổi nhạc và sau đó ngân vang giọng ca của mình.

Nhiều người đi chợ ngang qua dừng lại. Họ nghe và không quên góp vào đó chút tiền.

Giọng ca của anh càng lúc càng cuồng nhiệt. Dường như những đồng tiền kia không nghĩa lý gì với anh mà nguồn cảm hứng bắt nguồn từ số người nghe mỗi lúc một đông...

Hình ảnh người nhạc sĩ với cây đàn cũng rất dễ tìm thấy trên con đường nào nhiệt và sầm uất trung tâm thành phố Brisbane. Những người du ca đầy chất lãng tử của nước Úc có mặt hầu như khắp nơi.

Nguồn sống và nguồn cảm hứng của họ có được từ tấm lòng của những người không quen.

Điều đáng ghi nhận, trong một xã hội văn minh hình ảnh người ăn xin không còn nữa mà chỉ còn lại sự lao động cần cù. Họ có lòng tự trọng. Họ có cả một sự kính trọng của mọi người chung quanh.

Và cũng hi vọng ở một ngày nào đó, những 'cái bang' của Việt Nam sẽ biến mất và bù vào đó là những hình ảnh đượm đầy nét văn hóa tính nhân văn hiển hiện trong cuộc sống... 

Trần Chánh Nghĩa