- Tổng cục An ninh II, Bộ Công an cảnh báo, hành vi mua bán, trao đổi, công khai hóa… thông tin cá nhân của người khác là hình thức tội phạm mới và hiện có rất nhiều website dạng này đang vào “tầm ngắm” của cơ quan công an.

Xử lý 3 kẻ mua bán thông tin cá nhân trái phép

Sáng 5/1, Cục An ninh Thông tin Truyền thông (A87) thuộc Tổng cục An ninh II, Bộ Công an phía Nam đã công bố về việc xử lý 3 đối tượng có liên quan đến hoạt động mua bán trái phép thông tin cá nhân của người khác trên mạng Internet.

Theo đó, 3 đối tượng bị xử lý gồm: Dương Hồng Lễ (ngụ Q.Tân Phú), Hứa Văn Tuấn (ngụ Q.8) và Lê Minh Trung (ngụ Q.Bình Thạnh).

Theo nhận định của Cục A87, hành vi của các đối tượng nói trên có dấu hiệu vi phạm luật hình sự. Tuy nhiên, các đối tượng khi bị mời làm việc đã thành khẩn hợp tác, trình bày không am hiểu pháp luật và là lần đầu phạm tội nên vụ việc được Cục này chuyển giao cho sở Thông tin Truyền thông TP.HCM xử lý hành chính.

1 đối tượng mua bán trái phép thông tin cá nhân của người khác bị Cục A87, Tổng cục An ninh ii, Bộ Công an bắt quả tang.
 

Theo thông tin từ Cục A87, từ tháng 10/2010 Dương Hồng Lễ lập 2 website có tên miền www.danhsachkhachhang... và www.duonghongle... để bán thông tin của hàng chục ngàn cá nhân là doanh nhân, người nổi tiếng…cho những người có nhu cầu.

Khi vụ việc được phát giác, Lễ khai báo đã mua lại thông tin cá nhân của hàng loạt người từ Trung và Tuấn với giá 20 triệu đồng để kinh doanh lại.

Khi bị mời lên làm việc, Hứa Văn Tuấn và Lê Minh Trung đều thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Trong đó Hứa Văn Tuấn rao bán thông tin cá nhân của hàng trăm ngàn người trên các website là www.datavip..., www.datavip...; còn Lê Minh Trung rao bán các thông tin nói trên trên wesite www.timkiemkhach....

Xác minh của cục A87, từ khoảng năm 2010 thì 3 đối tượng nói trên thu lợi bất chính tổng cộng trên 250 triệu đồng từ việc mua bán thông tin trái phép của nhiều cá nhân khác trên mạng Internet.

Mua bán thông tin cá nhân để làm gì?

Quá trình xác minh, Cục A87 xác định, thông tin cá nhân của hàng trăm ngàn người khác được các đối tượng như: Lễ, Trung, Tuấn… “săn” được từ nhiều nguồn khác nhau. Lễ thì mua được của Trung, Tuấn để kinh doanh.

Còn Tuấn thì khai, trước đây có làm cho công ty chứng khoán P.G, thời gian này Tuấn có thu thập được danh sách thông tin của 600 khách hàng gửi mua bán bất động sản, có thông tin về số điện thoại, mã căn hộ, giá bán…

Và khi kinh doanh trang 2 trang web của mình thì Tuấn có quen biết, trao đổi danh sách thông tin cá nhân với những đối tượng khác chung “ý tưởng” này. Còn Trung khai báo, đầu năm 2010 Trung đã mua một số danh sách khách hàng VIP để chào mời khách đi tham quan du lịch.

Sau đó vì thấy kinh doanh mua bán thông tin cá nhân của người khác dễ kiếm lợi nên Trung hoạt động luôn bằng “nghề” này và Trung đã tải thêm danh sách 120.000 doanh nghiệp trên toàn quốc có trên mạng Internet, rồi chia theo lĩnh vực hoặc các tỉnh, thành để bán cho những người có nhu cầu.
 

Những thông tin cá nhân như thế này bị rao bán đầy rẫy trên mạng Internet.
 

Mỗi danh sách như thế có khoảng 5.000 – 7.000 thông tin cá nhân được bán với giá từ 300 ngàn đồng đến 3 triệu đồng. Một số các thông tin điển hình là số điện thoại, địa chỉ… của những khách hàng Vip được rao bán trên các trang web như: 1.500 khách hàng Mercedes tại TP.HCM, danh sách 680 luật sư tại TP.HCM, danh sách 10.000 doanh nghiệp trẻ từ Bắc chí Nam, danh bạ 270 ca sĩ diễn viên, danh bạ 9.700 giám đốc doanh nghiệp tại TP.HCM.

Số thông tin cá nhân này được nhận định là do một số người làm trong lĩnh vực “nội bộ” tuồn ra bên ngoài; tuy nhiên cũng có thông tin là các đối tượng thu thập trong một thời gian dài hoặc trao đổi với những đối tượng khác thông qua mạng Internet

Cũng theo Cục A87 thì số người mua các thông tin cá nhân chủ yếu là những công ty truyền thông, công ty bảo hiểm, các ngân hàng… nhằm khai thác bằng cách gọi điện, tiếp cận những khách hàng phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Minh chứng rõ ràng nhất là trong thời gian gần đây nhiều người bị làm phiền bởi các nhân viên ngân hàng, công ty bảo hiểm gọi điện chào mời mua bảo hiểm, hoặc vay vốn măc5 dù họ không có nhu cầu này.

Tuy nhiên theo A87 thì đến nay vẫn chưa xác định các loại hình phạm tội hình sự như: tống tiền, cưỡng đoạt tài sản… mua các thông tin trên nhằm phục vụ cho việc phạm tội. Thế nhưng cơ quan công an vẫn cảnh báo, nếu không xử lý số đối tượng mua bán thông tin cá nhân trái phép thì việc các đối tượng phạm pháp hình sự “thâm nhập” vào hoạt động này chỉ là vấn đề thời gian.

Cụ thể là trong thời gian gần đây cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an đã liên tiếp bắt giữ, xử lý nhiều băng nhóm, chủ yếu là băng nhóm người Trung Quốc chuyên gọi điện đến những doanh nhân, đại gia… giả danh là cán bộ công an, cán bộ viện công tố hoặc cơ quan pháp luật để dụ dỗ, uy hiếp, lừa các nạn nhân để yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản của chúng.

•    Đàm Đệ