- Trước bức xúc của rất nhiều nhân viên nhà đài có nguy cơ bị bỏ rơi khi chuyển giao quản lý về UBND các huyện, nhóm P.V VietNamNet đã có cuộc tiếp xúc với ông Trần Duy Ngoãn, Giám đốc Đài TP- TH Nghệ An.
Tách đài, không có phản ứng?
- Thưa ông, mô hình chuyển giao các Đài PT- TH các huyện về với chính quyền địa phương sắp tới ở Nghệ An như thế nào? Có gì khác biệt không?
Không có gì khác biệt cả. Vì Nghệ An quản lý toàn ngành đã lâu, 17 năm rồi.
Đài Nghệ An quản lý 36 cơ sở. Và điều kiện như vậy nên đài Nghệ An rất khó khăn trong việc phủ sóng, nâng cao chất lượng chương trình và tuyên truyền chủ trương đường lối.
- Như thế đài mình cũng đã “bao” trong thời gian rất lâu rồi?
Ôm hết! Tức là ở dưới đó chỉ làm 2 nhiệm vụ. Đài huyện có chức năng nhiệm vụ là tiếp phát sóng các đài Trung ương, đài tỉnh, sản xuất chương trình phát thanh truyền hình tuyên truyền của huyện. Thứ hai là viết tin, bài, nội dung thông tin chuyển lên đài tỉnh.
- Thời điểm tách ra có gây phản ứng gì trong cán bộ công nhân viên và Giám đốc đài các huyện không?
Không, nói chung anh em lo hết. Sau khi xây dựng xong phương án thì UBND tỉnh phê duyệt. Phê duyệt xong thì ban hành quyết định chuyển giao. Rồi UBND tỉnh ra một quyết định thành lập bàn giao bao gồm ông Nguyễn Xuân Đường (PCT UBND tỉnh) làm chủ tịch hội đồng, tôi và anh Lâm bên Sở Nội vụ làm Phó chủ tịch hội đồng. Ngoài ra, mời Sở Tài chính, Sở TTTT và chủ tịch UBND 2 huyện.
- Số lượng các đài huyện hiện nay biên chế là bao nhiêu thưa ông?
Biên chế là 156, ngoài ra là hợp đồng dài hạn khoảng 136.
- Số hợp đồng dài hạn ở huyện nào nhiều nhất?
Huyện Diễn Châu. Riêng chuyện hợp đồng của anh em, tôi cũng băn khoăn, huyện cũng băn khoăn. Trong 8 năm trời mà đài tỉnh chỉ được tăng 34 biên chế vì biên chế bên bộ phận sự nghiệp rất khắt khe. Tỉnh không cho, chúng tôi phải dành ưu tiên biên chế cho huyện.
- Trong những năm qua nhu cầu tuyển dụng cán bộ và Đài PT- TH Nghệ An như thế nào?
Nhu cầu của chúng tôi là do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Có nghĩa là bao nhiêu máy phát, bao nhiêu giờ phát thì cần bao nhiêu phóng viên, bao nhiêu cộng tác viên là do trưởng đài huyện đề nghị, chúng tôi dựa vào đó để ký hợp đồng.
- Việc ký kết hợp đồng hàng loạt như thế ông có nghĩ tới chuyện sẽ có ngày có kết cục như thế này không?
Không phải hàng loạt, hàng loạt làm sao được? Do nhu cầu, từ chỗ một ngày chỉ phát 2 – 3 tiếng đồng hồ. Trong khi đó một kênh của đài Nghệ An hoàn chuyển độc lập, hoàn chuyển từ năm 2004 đến nay. Ngày tôi về 2003, một ngày phát sóng chỉ 3 tiếng, còn nữa là tiếp sóng, cho đến bây giờ ngày phát sóng 20 tiếng đồng hồ, 12,5 tiếng sản xuất chương trình địa phương, ngoài ra chương trình xã hội hóa khác không nói.
Như vậy, do nhu cầu cầu phát sóng nên Giám đốc, Tổng Biên tập có quyền hợp đồng lao động để đảm bảo nhiệm vụ chính trị. Nếu tôi mà theo huyện thì còn chết nữa, thậm chí Chủ tịch huyện còn xin người nhưng mà tôi không cho. Tôi nói còn phải trả tiền mà.
Đến bây giờ thì họ kêu. Mà trong văn bản của Nghệ An rất chặt chẽ. Một là ưu tiên những người có hợp đồng và tiếp tục hợp đồng. Thứ hai, ưu tiên những người đã đóng góp lâu nay vô biên chế. Quyết định 246 của tỉnh Nghệ An rất bài bản. Chỉ có một số người băn khoăn.
“Không có tiêu cực đâu”?
- Khi chuyển giao quản lý sang cấp huyện, có nhiều thông tin nói rằng, UBND các huyện sẽ không chi trả lương cho những người ngoài biên chế. Ông đã lường trước được những việc như thế này chưa, với số lượng lớn hơn 100 nhân viên?
Không, nói thế chứ từng huyện là không lớn. Bởi vì chúng tôi còn phát triển hơn nữa. Tại vì văn bản của nhà nước họ quy định như thế. Tại thời điểm này không có gì vướng mắc, mà còn tăng thêm nữa.
Với điều kiện của chúng tôi tại thời điểm đó là không thừa người. Về nguyên tắc giờ là đơn vị sự nghiệp có thu, trong biên chế không phải ngồi nghiễm nhiên để mà ăn lương. Muốn hoàn thành nhiệm vụ chính trị thì phải lao động.
Chẳng qua trưởng đài huyện bây giờ làm không năng động sáng tạo. Trước đây được bao cấp, đài huyện ăn rồi chỉ bỏ chương trình này nọ chứ không lo tìm kiếm lấy nguồn mà thu, mà tăng lên. Đến bây giờ thả ra thì tải không nổi.
Người thì đòi đuổi, người thì dọa không hợp đồng. Điều đó không đúng. Nhiệm vụ của anh (GĐ các đài huyện - PV) tại sao trước tôi giao anh làm tốt. Giờ nguyên trạng như thế, cũng chức năng nhiệm vụ như thế tại sao lại bớt người.
- Chủ trương của tỉnh Nghệ An đối với lao động có hợp đồng dài hạn khi chuyển giao như thế nào?
Những nhân viên hợp đồng thì tiếp tục được ưu tiên hợp đồng. Trong văn bản ghi rõ nếu tiếp tục biên chế thì được ưu tiên biên chế. Mà cái này thì tôi đang đấu tranh. Tại sao một trung tâm văn hóa huyện trước đây có 14 – 15 biên chế, mà sao đài tôi được ít biên chế thế.
Vì trước đây tôi bao, bây giờ huyện cũng phải dựa theo đó mà làm chứ. Để ổn định khoảng 11- 12 biên chế là vừa với một đài huyện. Trưởng đài các huyện thị đủ điều kiện để nuôi bao nhiêu người, do yêu cầu nhiệm vụ nên có thể trình UBND huyện là hiện nay do nhu cầu phát sóng nên cần thêm người.
Họ có quyền hợp đồng theo tiêu chuẩn để hội đồng xem xét như thế nào đó. Như chúng tôi muốn xét đưa ai đó vào là hội đồng xét chứ không phải tự quyết định được.
- Có dư luận cho rằng trong hơn 100 nhân viên hợp đồng vào đài, họ phải mất một khoản tiền nào đó để 'chạy'. Anh có bình luận như thế nào?
Ở đây không có đâu! Tại thời điểm tôi làm là không có. Đài huyện thì tôi không biết. Người ta nói bên ngoài thì nhiều chuyện lắm.
- Ông sẽ làm gì để bảo vệ những cộng sự của mình nếu toàn bộ nhân viên kia trong hợp đồng không thời hạn không được huyện tiếp nhận và trả lương?
Cái này tôi đã hợp đồng với các huyện. Tức là là tôi đã mua tin, bài của các huyện. Thế thì những cộng sự của tôi phải làm tin, bài cho tôi mà lấy tiền chứ. Một năm tôi phải bỏ ra 3tỉ 400 triệu để kí hợp đồng với 20 huyện thì các phóng viên phải làm việc, không phát đài huyện thì chuyển lên đài tỉnh để tôi phát.
Đó là điều tôi làm đúng theo lương tâm của mình. Các đồng chí trước làm cho tôi giờ huyện quản lý, tôi không được quản lý, đó là do cơ chế, chính sách của nhà nước ban hành.
Bây giờ họ là cộng tác viên của mình, mình phải mua, trả họ sòng phẳng, chế độ đầy đủ, thậm chí họ yêu cầu còn phải tăng đơn giá. Trước thì thấp, bây giờ phải tăng đơn giá để tăng thu nhập. Thứ hai nữa, tạo điều kiện có việc làm bằng nghề nghiệp được đào tạo.
- Xin cám ơn ông!
Duy Tuấn - Quốc Huy (thực hiện)