- Trong tiết trời rét tê tái ở Hà Nội, nếu như những người bình thường lo sợ một, thì ở trong bệnh viện, nỗi lo sợ ấy càng tăng thêm gấp bội.
 

Run rẩy trốn rét

Run rẩy trốn vào dưới những gốc cây. Cuộn mình trong những lớp chăn mỏng. Gật gù chợp mắt trong một hốc tường…

Đó là hàng trăm tư thế ngủ của những người nhà đi chăm bệnh nhân trong bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trưa ngày 5/1. Trời lạnh, nhưng họ vẫn lặng lẽ dãi gió dầm mưa vì những người thân yêu đang nằm trên giường bệnh.

 
Trốn rét trong bệnh viện (Ảnh: MT)

Cảnh đi chăm người ốm trong bệnh viện lớn, thường xuyên quá tải, chẳng ai còn xa lạ.

Nhưng những vất vả, lo lắng trăm bề ấy, cộng thêm thời tiết trời giá rét bất thường thực sự là một gánh nặng quá sức với nhiều người.

Thật xót xa khi chứng kiến cảnh người nhà bệnh nhân tất tả, lập cập chống chọi với giá lạnh.

Người thì tay xách nách mang chăn chiếu, người thì ôm màn, trải giường xếp, người thì trải nilon, giấy báo ra làm chỗ ngồi tạm…. Có người còn vác theo cả điếu cày, thêm chén nước chè nóng mua theo cho ấm người. Bất cứ ghế đá, góc hành lang, gốc cây nào cũng có thể trở thành một chỗ đặt lưng.

 
 
Bất cứ ghế đá, góc hành lang, gốc cây nào cũng có thể trở thành một chỗ đặt lưng (Ảnh: MT)

“Phải đến ba giờ chiều người ta mới cho vào thăm người nhà. Ngồi đây một tiếng đồng hồ nữa, rét quá, buồn ngủ mà không ngủ được!” – anh Mạnh (quê Hưng Yên) vào chăm người nhà tại khoa Thần Kinh than thở.

Chẳng biết làm gì, những người cùng cảnh ngộ như anh Mạnh lại ngồi quây quần thành nhóm, vừa hỏi chuyện nhau, vừa ngong ngóng đợi đến giờ vào với người bệnh.
 
Ông Bách sốt ruột mong tin bố từ phòng bệnh (Ảnh: MT)


Chân đi dép cao su, không áo, áo dày, chỉ có chiếc áo mưa trên người, thỉnh thoảng lại ho lên từng chập, ông Bách – quê Hoài Đức Hà Nội cho biết, ông đi chăm cha ruột bị viêm phổi, đang cấp cứu trong bệnh viện.

“Hai hôm rồi mà ông cụ không đỡ, sốt ruột lắm…” – ông chia sẻ.

Mặc dù nhà có con cháu đông đủ, nhưng thương bố, nên dù đã gần 60, ông vẫn kiên quyết xuống bệnh viện với người cha. Đi vội, chẳng kịp mang theo nhiều quần áo rét, lại trằn trọc hai đêm liền ngoài trời, ông phờ phạc đi thấy rõ.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cái lạnh cũng đã len lỏi vào từng phòng bệnh. Những người bố, người mẹ đưa con vào viện, ai cũng bọc con kín mít, gói ghém chăn chiếu mang thêm để đắp cho con và cho chính mình.
 

Nhường áo khoác cho con đắp (Ảnh: MT)

Tại phòng điều trị ngoại trú bệnh viện Nhi, trong khi các bé thiêm thiếp ngủ, thì nhiều bậc làm cha, làm mẹ cũng nằm ngủ gục bên cạnh.

Có người mẹ không mang đủ chăn đắp, đành cởi áo khoác ra đắp cho con, còn mình ngồi dựa một góc tường thiu thiu ngủ.

“Trong này còn ấm chán, một tí nữa hai mẹ con về thì rét chết mất!” – chị Nguyễn Thị Ngân (Xã Thành Lập, Lương Sơn, Hòa Bình) não nuột tâm sự.

Chị Ngân bên con (Ảnh: MT)


Con chị, bé Hoàng Nga (3t) không may mắc bệnh bạch cầu, vào điều trị tại viện đã hai năm nay.

Chị giải thích, theo quy định mới, các cháu phải có mặt trước 10h sáng mới có thuốc tiêm, sau 10h thì phải đợi hôm sau.

“Nhà em xa, nếu muốn đi trong ngày thì có khi mẹ con em phải bắt xe từ 4h sáng mất, cháu nhỏ với sức em cũng không chịu được!” – chị Ngân buồn bã bảo.

Vậy là, thay vì đi đi về về được trong ngày, chị đành phải thuê nhà trọ nghỉ qua đêm. Nhẩm tính, tiền ăn ở, tiền tàu xe, thuốc men, người mẹ nghèo chỉ còn đủ sức thuê phòng trọ giá rẻ 30 nghìn/ đêm.

Với mức giá ấy, hai mẹ con phải chen chúc với khoảng 7, 8 người nữa trong một phòng nhỏ. Chị cho hay, rất nhiều người cùng cảnh ngộ với chị, cũng phải đi thuê trọ kiểu như thế. “Nhà trọ” không có giường chiếu gì, chỉ có chiếc vỏ chăn làm “đệm”, với mảnh chăn bông không đủ ấm.

“Cả đêm em trằn trọc không ngủ được. Vừa lo cho con, vừa rét run cả người, chỉ sợ cháu lạnh thì khốn khổ. Ở quê em trời rét hơn Hà Nội nhiều, nhưng lúc nào cũng có bếp củi sưởi chứ không tê tái như dưới này” – chị Ngân tâm sự.

"Người khỏe cũng thành người ốm!"

Trời rét, bệnh nhân nhập viện tăng đột biến. Trong những câu chuyện dở dang ngoài phòng bệnh, các người nhà bệnh nhân ai cũng ái ngại, lo sợ với tin dự báo rét đậm, rét hại còn kéo dài. Họ phập phồng lo cho sinh mạng người thân, vừa lo cho sức khỏe của chính mình.

Người khoẻ cũng thành ốm vì dầm dề trong cái lạnh (Ảnh: MT)


Tỉnh dậy sau hơn nửa tiếng đồng hồ chợp mắt, chị Hạnh (quê Thanh Hóa) lập cập bỏ bánh mì ra ăn tạm, chờ đến giờ vào với người nhà.

Trời rét, chiếc bánh chẳng biết có còn mùi vị gì, chị ăn mà mắt đỏ hoe. Một người phụ nữ ngồi bên xót xa bảo thấy chị nằm ngoài này hai hôm nay rồi: “Bà mẹ cô ấy bị viêm phổi, người nhà vào đông lắm, nhưng hôm nay thì về bớt, còn có hai chị em. Ăn uống kham khổ, áo quần phong phanh, cứ dầm dề như thế kia thì ốm mất!”.

Những người đồng cảnh như họ lại cảm thông cho nhau, ngồi xích lại gần nhau cho ấm thêm một chút.

Bên ngoài phòng cấp cứu BV Bạch Mai, bác Toàn (Chương Mỹ, Hà Nội) liên tục gọi điện về cho gia đình, dặn dò mang chăn, chiếu, đồ dùng vào “tiếp tế”.

Bác chia sẻ, vừa sáng sớm ngày hôm trước bác cùng người em đưa bố đi cấp cứu vì nhồi máu não. Mừng một chút vì “Bác sĩ bảo chỉ chậm nửa tiếng nữa là ông cụ không qua khỏi”, nhưng lo thì ngồn ngộn ở trong lòng. Bởi: “Rét mướt còn kéo dài thế này không dám nói trước điều gì!”.

Bác Toàn đã túc trực ở bệnh viện một ngày đêm, bất chấp mưa rét. Bác giãi bày: “Trông ông cụ lúc nào cũng phải có hai người, phải theo dõi từng chút một. Bệnh viện chỉ cho một người ở trong, còn một người ở ngoài có gì còn thay phiên cho nhau… Mình ngồi ngoài này không dám chợp mắt, mà lạnh thế cũng không chợp mắt nổi. Thôi thì cầu trời khấn phật…”.

Minh Tâm