- Tục “nối dây” của người Bru – Vân kiều ở Quảng Bình: Khi người phụ nữ lập gia đình, nếu chồng chết trước thì họ phải tiếp tục phải lấy anh hoặc em trai của chồng, dù người đó đã già cả với con đàn, cháu đống, hay là cậu thanh niên choai choai mới lớn thua chị dâu hàng chục tuổi.

Đó là luật tục được xem như bất di bất dịch, nếu không tuân theo sẽ bị “giàng” trừng phạt. Thế nên, đối với đồng bào dân tộc ở đây, chưa có ai dám chống lại luật tục này.

Thế nhưng, với chị Hồ Thị Con (53 tuổi) ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) thì khác, chị là người đầu tiên dám chống lại luật tục, chống lại sự trừng phạt của “giàng”…

Phá bỏ luật tục

Chị Con lấy chồng năm 1974, khi vừa tròn 16 tuổi. Chồng là anh Hồ Văn Cu (SN 1956) người cùng bản.

Rồi 6 đứa con lần lượt được sinh ra. Dù cuộc sống khó khăn nhưng đôi vợ chồng siêng năng, chịu khó luôn tay với nương rẫy cũng đã đủ nuôi đàn con khôn lớn. Nhưng cuộc đời có ai biết trước tai ương, năm 2001 chồng chị bị một trận ốm nặng rồi qua đời khi mới  45 tuổi.

Chị Hồ Thị Con hạnh phúc bên con, cháu. Ảnh Trần Văn

Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, thì một năm sau, gia đình chồng sang “đánh tiếng” đưa chị Con về làm vợ hai của em trai chồng là Hồ Văn Thục (SN 1966). Oái ăm thay, người sang “đánh tiếng” lại là Hồ Thị Còn, em gái của chị Con và là vợ của Thục.

Chị Con vẫn còn nhớ lời em gái mình lúc đó: “Chị ơi, chị thương các cháu thì chị hãy về theo em làm vợ của chồng em, để giữ lấy các cháu, giữ dòng giống của anh Cu...”.

“Luật tục bao đời là rứa đó, nhưng lúc đó cái bụng chị khó nghĩ lắm. Chồng thì mới chết, giờ lại đi sống chung chồng với em gái mình. Như rứa thì khó chấp nhận quá” - chị Con kể.

Rồi chị tìm cách “kéo dài thời gian” với lý do là xin hết mãn tang chồng. Hai năm để tang chồng trôi qua, Thục trực tiếp đến đặt vấn đề với chị, lần này chị bối rối, nhưng rồi chị quả quyết: “Này chú Thục, khi chị về làm vợ anh Cu thì chú mới chỉ bằng đứa em út nhỏ của chị, chị chăm bẵm chú như mẹ nuôi con. Nay anh mất mà chị về ở với chú thì chị không chịu mô. Nghe chị nói vậy nên nên Thục đã lẳng lặng đi về”.

“Nói thật, khi nói xong với chú Thục vậy chứ chị cũng lo sợ lắm vì nếu không về ở với chú ấy thì phải bỏ lại con cái, của cải cho nhà chồng và về nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng. Dân bản còn doạ, nếu tôi không nghe, con ma núi sẽ về bắt cả bản phải chịu nhiều bệnh tật, không làm tốt được cái rẫy, cái nương... Nếu ai trong bản có mệnh hệ gì sẽ đền nhiều trâu, nhiều bò để cúng ma núi” - chị Con nhớ lại.

Thời gian trôi qua hết em chồng, rồi bố chồng cứ giục chị về ở chung một nhà với Thục nhưng chị Con không chịu.

Lúc này, chị Con còn là Chủ tịch UBMTTQVN xã Trường Sơn, chị nghĩ: “Mình làm công tác dân vận mà tự mình không bỏ được cái tục “nối dây” thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Lấy em chồng là không đúng, chú ấy lại còn có vợ, mình sẽ làm vợ hai, mà lấy rồi lại phải sinh con, như vậy là mắc nhiều lỗi vi phạm luật hôn nhân. Khi đi tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch ai nghe mình?”.

Chị còn nhận thấy: “Trong bản, làng có cả người Kinh sinh sống. Họ không có tục nối dây mà có bị giàng bắt. Từ những suy nghĩ tiến bộ đó càng tiếp thêm sức mạnh cho chị quyết tâm phá  bỏ tục “nối dây”.

Ngoài công tác ở xã, chị Con còn tranh thủ trồng thêm cây rau, cải thiện bữa ăn cho gia đình. Ảnh Trần Văn

Rồi một ngày chị chủ động nói với bố chồng: “Con xin ra khỏi họ để ở vậy nuôi con thờ chồng. Nghe chị nói, bố chồng cũng khóc".

Thấy được quyết tâm của chị dâu, Thục nói: “Chị ở một mình cũng khổ, ốm đau ai lo. Thôi vẫn cho chị sống với mấy đứa con, đứa cháu như trước. Vẫn coi chị như người họ hàng”.

Thế là từ đó chị Con không còn phải lo đối mặt với áp lực từ phía nhà chồng nữa. Chị yên tâm công tác và giành thời gian chăm sóc con, cháu.

Chứng minh không có… “giàng”

Chị Con còn nhớ, hồi đó, để thoát ra được tục nối dây, bên chồng bắt chị chịu một con lợn 25kg tạ lỗi, chị đồng ý nhưng yêu cầu phải chia tài sản theo pháp luật.

Lúc đầu gia đình chồng không chịu nhưng bằng những lý lẽ đúng đắn của pháp luật, chị đã thuyết phục được gia đình chồng. Và càng vui mừng hơn là tình cảm giữa chị và gia đình chồng vẫn được giữ vẹn nguyên, chị vẫn chăm sóc bố chồng mỗi khi ông ốm đau, bố chồng vẫn xem chị như con cái trong gia đình.

Việc chị Con dám “cả gan” không theo tục “nối dây” mà không sợ con ma rừng, không sợ “giàng” bắt tội là điều gì đó rất ghê gớm đối với bản làng người Vân Kiều lúc đó. Dân bản chờ đợi ngày chị bị ốm đau vì đã làm cho con ma núi giận dữ.

Chị Hồ Thị Con bên những phần thưởng trong công tác cán bộ và khen thưởng gương làm kinh tế giỏi. Ảnh Trần Văn

Vậy nhưng, ngày qua, tháng đến mọi việc vẫn bình yên, con cháu chị Con mạnh khoẻ, được ăn học đàng hoàng. Năm đứa con đầu của chị lần lượt lập gia đình, sinh con, đẻ cháu, có cả trai, gái. Con gái út theo học lớp Mầm non ở trường đại học dưới thành phố.

Chị Con liên tục được bầu làm cán bộ xã, là đảng viên gương mẫu, tâm huyết với công việc. Chị từng vinh dự là Đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, được UBND huyện Quảng Ninh nhiều lần tặng bằng khen. Không những thế, chị Con còn là một người mẹ, người bà mẫu mực cho con cháu noi gương.

Là một chủ tịch mặt trận xã luôn bận rộn, vậy nhưng, về đến nhà là chị Con lao vào công việc, đi ra nhiều, biết nhiều nên chị đã học hỏi làm kinh tế để rồi chị là người đi đầu trong việc nhận đất trồng rừng. Không đốt rừng làm nương rẫy nữa.

Chị còn chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, và còn có thêm 0,5 ha vườn cây ăn quả. Mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng mà không phải mệt cái xác trên nương rẫy khiến nhiều người trầm trồ, thán phục.

Cùng nhau bỏ tục “nối dây”

Thấy chị Con không bị ma núi, giàng trừng phạt, ngược lại, chị càng giàu sang, sung túc, gia đình vui vẻ, đoàn kết, nhiều người trong bản bảo nhau: “Chị Con nói đúng rồi, “nối dây” như cũ là không tốt. Cứ đi làm vợ của anh hay em chồng mình là không được, lại phải đẻ thêm nhiều con rồi nuôi khổ cái thân mình lắm, phải học cái tốt của người Kinh thôi”.

Theo gương chị Con, chị Hồ Thị Hoà ở bản Trung Sơn cũng đã cương quyết không theo tục “nối dây” nữa. Chồng chị Hoà mất năm chị 40 tuổi, cái tuổi ấy chị vẫn có thể đẻ thêm nhiều con cho chồng mới, nhưng chị đã quyết ở vậy nuôi con khôn lớn.

Hay chị Hồ Thị Núi, khi chồng mất chị đã có suy nghĩ tiến bộ: “Nếu mình lấy chồng mới thì phải sinh thêm con, mà mình có bảy đứa con rồi. Mình sinh thêm nữa sẽ vi phạm pháp luật dân số mất, mình theo chị Con thôi”.

Nay cả bảy đứa con của chị Núi đều đã khôn lớn, đã có thể tự lập nghiệp nuôi thân. Tiếp đến là chị Ngọc, chị Hờ, chị Mư, chị Ẹ... cũng học theo gương chị Con.

Hiện cả xã Trường Sơn đã có trên 20 chị em chồng mất đã không “nối dây”. Các chị vất vả làm lụng nuôi con, nhưng không còn nghĩ đến chuyện phải “nối dây” như trước.

Không một ai thấy hối hận khi quyết định phá bỏ tục “nối dây”, ngược lại các chị còn thấy rằng đây là một việc làm hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.

Trần Văn – Duy Tuấn