- Không có không khí “vui như Tết”, người lao động tại các chợ lao động ở Hà Nội trong những ngày Tết nguyên đán cận kề lại lo lắng và thoáng sợ hãi.
Chúng tôi tìm đến các chợ lao động tại dốc đường Bưởi, ngã tư Giảng Võ, chợ Long Biên… khi chỉ còn hơn chục ngày nữa Tết Nguyên đán Nhâm Thìn sẽ đến.
Tại dốc Bưởi, có đến chục nhóm người, người
xúm lại bên đống củi đang cháy, người đứng lên ngồi xuống, ra ngóng vào
trông, người nằm vắt mình mệt mỏi, uể oải trên những chiếc xe máy biển 18,
37, 51, 36… và những chiếc xe 3 bánh chờ việc. Chợ lao động trong những ngày
giáp Tết vẫn ế ẩm.
“Có con gà, con vịt trong nhà thì đem cúng gia tiên, rau cỏ nhà trồng được,
nếu có thêm chút tiền thì mua cho con quần áo hàng thùng, rồi để nó vui còn
phải nói dối là bố mua đồ mới.
Đứa to mới mua, đứa nhỏ thì thông cảm vì xấu đẹp chúng còn chưa biết, chỉ có thể cho chúng nó mặt đủ ấm là tốt rồi. Tội cho chúng nó nhưng biết làm thế nào được?” - ông Nguyễn Văn Tuấn (40 tuổi, Nghệ An) nghẹn ngào nói.
Chợ lao động ế ấm tại dốc Bưởi. |
Nuôi 3 đứa con nhỏ ăn học, Tết đến vì muốn lo cho con quần áo, giày dép để bằng chúng bằng bạn, người cha phải tiết kiệm từng đồng.
Lại thêm nỗi lo phải trả nợ cho các cửa hàng
và chủ nợ, ánh mắt của người cha mới 40 tuổi ngân ngấn lệ: “Tiền trang trải
cho cả nhà ăn tết rồi tiền để trả nợ quán xá, năm hết tết đến người ta cũng
thúc giục suốt”.
Bác Hữu Thao (Yên Thành, Nghệ An) vừa nghe nhắc đến Tết đã giãy nảy: “Tết
tiếc gì cô, người già lo, trẻ con mừng, đang cố kiếm mấy cân thịt ba chỉ để
ăn tết nhưng năm nay công việc kém quá, cả ngày chưa kiếm được đồng nào mà
bữa trưa vẫn phải ăn, phòng ở vẫn phải trả tiền”, vừa nói bác vừa chỉ vào
đống củi đang cháy dở: “Anh em không có việc làm, trời lạnh nên đốt củi lên
sưởi cho ấm…”.
Trò chuyện với chúng tôi, bác cho biết: “Hàng tháng trung bình kiếm được 3
triệu, có những hôm phải làm đêm rồi sáng sớm lại dậy ra đây sớm hóng việc,
người ta gọi làm gì thì làm nấy: quét sơn, dọn nhà, đập nhà, phụ hồ, xe ôm…
Cả năm làm không sắm sửa thêm gì cho nhà vì
tiền làm ra bao nhiêu lại gửi sang cho con ăn học và vẫn phải vay ngân hàng.
Hai con tôi đang học đại học, thỉnh thoảng sang chơi với con chứ không cho
chúng nó sang đến đây, sợ rồi chúng nó nhìn thấy mình thế này lại bỏ học đi
làm. Hi sinh đời bố, củng cố đời con…”.
Cái Tết vẻn vẹn 5 trăm ngàn
Ở một góc chợ Long Biên, người phụ nữ mà chúng tôi có cơ hội được gặp đang
oằn mình trên chiếc đòn gánh nước thuê.
Cô Trần Thị Lan (50 tuổi, Hưng Yên) cho biết:
“Mỗi ngày tôi gánh được khoảng trăm gánh nước cho các hàng trà đá ven đường,
cộng thêm các khoản làm thêm vào sáng sớm và đêm khuya cũng không đủ nuôi
người chồng bị bệnh tâm thần và 3 đứa con còn đang tuổi ăn tuổi lớn”.
Nói về ngày Tết, cô không giấu nổi xúc động, cũng như không thể quên những
đêm giao thừa người chồng tội nghiệp lên cơn bệnh, cầm dao rượt đuổi mấy mẹ
con chạy khắp nhà, ông còn mài dao quèn quẹt đầu nhà bà mẹ đẻ của mình.
Những phút giây đón chào năm mới, thay tiếng cười đùa, trò chuyện, vợ chồng con cái đoàn viên, trong căn nhà chừng hơn 20 m2 là những tiếng khóc tủi thân, tủi phận.
Gồng mình trong cuộc mưu sinh, người lao động sợ Tết. |
Khẽ cúi đầu cố để cho chúng tôi không nhìn
thấy giọt nước mắt đang chảy dài, cô nói: “Người giàu có thì nghĩ đến những
thứ lớn lao, đủ đầy, tiền tiêu bạc triệu. Nhà cô nghèo, cũng chỉ dành được 5
trăm, 7 trăm cho một cái Tết 5 nhân khẩu, có con gà cúng gia tiên là tốt
rồi, còn tiền mua đồ cúng, tết bên nội bên ngoại…”.
Cô cũng cho biết thêm, năm nào cũng vậy, cô ở lại chợ đầu mối Long Biên,
gánh hàng thuê hàng mướn đến khoảng 28 – 29 Tết mới về quê, rồi ngày 4 tháng
giêng lại tất tả ra Hà Nội.
Với cô, cái Tết chẳng khác gì ngày thường, chỉ là cô không mang những gánh nước trên vai, nhưng cô phải cõng những gánh nặng cơm áo gạo tiền ngày Tết, cực nhất là nuốt cay nuốt đắng từng lời cay nghiệt của chủ nợ đi đòi tiền.
“Không có thì người ta chửi bới, người nào
hiểu cho thì mình được thanh thản chút ngày cuối năm” – cô thành thật.
Câu chuyện chủ nợ đòi tiền ngày cuối năm cứ quanh quẩn trong cuộc trò chuyện
của chúng tôi với những người dân lao động nghèo khu vực dốc Bưởi. Có lẽ, đó
cũng là nỗi ám ảnh khôn nguôi với những người quanh năm trông chờ vào sức
lao động làm thuê.
Chú Nguyễn Văn Vinh (Kim Liên, Nghệ An) không khỏi trầm ngâm khi được hỏi về
cái Tết sắp tới. Chú chia sẻ: “Tết là của người giàu, chứ người nghèo chúng
tôi làm sao có Tết? Tôi chỉ biết được Tết khi bà vợ điện lên giục gửi tiền
về nhà trả nợ thôi”.
Với chú, đứa lớn đi học một trường trung cấp trong quân đội trên Hà Nội một
tháng đã “ngốn” mất 2,5 – 3 triệu, còn 2 đứa nhỏ ở nhà, đứa đang học cuối
cấp 3, đứa học lớp 6. Đặt một phép tính, một ngày chú làm được 2 trăm ngàn
đồng thì liệu có đủ nuôi 3 đứa con ăn học, lại còn tiền thuê nhà, tiền ăn,
tiền đi lại trên này. Cô chú đã phải đi vay lãi nuôi con ăn học, rồi chạy
đôn chạy đáo khắp nơi.
“Hết năm Tết đến, người ta đòi tiền thì phải
trả, không trả không được” – chú bộc bạch.
Và thế là, cái Tết của gia đình chú chỉ là những đồng bạc dành dụm sau khi
trả nợ, hoặc khất nợ. Triệu bạc cho một cái Tết, với chú và gia đình, là một
điều xa xỉ, chưa bao giờ được nghĩ tới. Cái tết chỉ có con gà thắp hương đêm
giao thừa, ăn rau ăn dưa cho qua 3 ngày Tết.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, phần lớn người lao động tự do đều nghĩ
về một cái Tết không trọn vẹn, cho dù nó là khoảng thời gian được coi là sum
họp và đoàn tụ.
Bởi đối với họ, một ngày nghỉ làm việc là một
ngày bát cơm của đứa con bị vơi đi, manh áo đứa trẻ mặc cũng sờn hơn, và
những nỗi lo cứ dâng đầy trên khóe mắt.
Nguyễn Thảo – Chiêm Khổng