Con đường mòn xẻ giữa rừng Mường Do chỉ là một vệt sâu lút giữa đám cây rừng um tùm. Nó là con đường độc đạo dành cho người dân bản địa vào rừng mót củi, hái rau rừng, tìm cây thuốc…, thế nhưng, thời gian qua đã trở thành con đường vận chuyển gỗ trái phép. Đau xót hơn, “lâm tặc” chính là những người dân bản địa.
Bãi xẻ gỗ trong rừng Mường Lang. |
Một cây gỗ khổng lồ cả chục người ôm vừa được đốn hạ, chuẩn bị xẻ thịt. |
Cắt theo quả đồi ở dốc Cổng Trời (thuộc xã Mường Do), chúng tôi thâm nhập vào rừng Mường Lang từ điểm giáp ranh giữa hai xã Mường Do và Mường Lang. Băng qua khu bình nguyên khá bằng phẳng có tên Đồng An, nơi đang tiến hành khảo sát, thăm dò để xây dựng một dự án thủy điện tại đây, rừng Mường Lang hiện ra bằng một màu xanh ngút tầm mắt.
Thế nhưng, một bức tranh hoàn toàn khác biệt ở giữa lõi rừng.
Một chiếc xe tải đang hối hả bốc gỗ từ bìa rừng. Khi được hỏi, những người đang bốc gỗ cho hay, đó là gỗ “167” được cấp cho hộ dân xóa nhà tạm! |
Vượt qua con dốc dựng đứng đến con đường mòn ẩm thấp, trơn
trượt, người dẫn đường đưa chúng tôi đến những “lán xẻ gỗ” giữa rừng. Đối với
những người không có kinh nghiệm, sẽ không dễ để tìm đến tận nơi những cây gỗ cổ
thụ đang bị “xẻ thịt”.
Từ sự bàng hoàng đến kinh ngạc, chúng tôi không khỏi xót xa trước những gì đang
diễn ra trước mắt: trên bãi đất trống rộng chừng vài chục mét, một cây đại thụ
cả chục người ôm bị cưa sát gốc, đổ rạp xuống dưới mặt đất.
Cả một dọc theo hướng cây đổ, hàng loạt cây con, những cây
dây leo… theo đó cũng đổ rạp theo, tạo thành một khoảng trống huơ hoác.
Cây bị sát hạ được cưa thành nhiều khúc. Từ những khúc này, họ tiến hành xẻ
thành gỗ hộp, gỗ ván…, sau đó dùng trâu kéo về. Có lẽ, vì bị xẻ vội nên cả một
thân cây có đường kính lên tới gần hai mét chỉ được bóc lớp lõi, phần “nạc” nhất
thành gỗ hộp, hình vuông, dài chừng 3 – 4 mét. Phần gỗ bìa bị bỏ lại không
thương tiếc, vứt ngổn ngang xung quanh.
Bãi chiến trường toàn mùn cưa còn mới, ẩm ướt và ngai ngái
của nhựa cây. Nhiều khúc gỗ khác chưa kịp xẻ, nằm cách đoạn, trông xa tự như
những khúc thân của một con trăn khổng lồ, bị gã thợ săn trong cơn hoảng loạn
phanh thây thành nhiều đoạn.
Đi sang một địa điểm khác, chúng tôi gặp nhiều cây gỗ đã được cưa đổ. Nhiều cây
được kê phần dưới bằng một đoạn gỗ khác, tựa như đặt trên một cái giá kê. Từ
thực trạng, tôi biết cây này sắp được “xẻ thịt”.
Khi đã quen và có chút kinh nghiệm, cứ nhìn vào trong cả khu vực xanh ngút mắt,
những quãng nào trông vắng vẻ, huơ hoác, khi tìm đến chính xác là một điểm xẻ
gỗ.
Trong chừng hai tiếng đồng hồ lầm lụi trong rừng, tính sơ sơ những điểm trực
tiếp thị sát, tôi nhẩm tính số cây bị đốn hạ lên tới vài chục cây, có những cây
gỗ khổng lồ tuổi đời lên đến hàng trăm năm, và thực sự là những “đại thụ” của
rừng. Dưới mỗi gốc cây bị hạ sát là một bãi xẻ đầy mùn cưa còn để lại; những lớp
gỗ bìa bị vứt bỏ một cách đầy lãng phí, xót xa…
Một người, nửa giờ “xẻ thịt” được cả cây đại thụ!
Theo phản ánh của người dân, thực trạng phá rừng Mường Do, Mường Lang đã âm ỉ
nhiều năm nay. Khi lực lượng kiểm lâm, chính quyền sở tại tăng cường kiểm soát
nó chìm xuống, và hoạt động “bí mật”; khi hết những đợt cao điểm, nó lại nhen
nhóm trở lại.
Một nhóm chỉ chừng hai, ba người, trong một ngày có thể đốn hạ, "xẻ thịt" tại chỗ cả chục cây đại thụ, sau đó gỗ "thành phẩm" được bí mật đưa trâu kéo về.
Rừng bị tàn sát nhanh hơn khi xuất hiện cưa máy chạy xăng cầm
tay do Trung Quốc sản xuất. Một chiếc cưa máy như thế, giá tiền chừng 12 – 13
triệu, nhưng một ngày có thể khai thác, xẻ… ngon lành thành gỗ hộp, gỗ ván cả
chục cây rừng.
Ông Nguyễn Xuân Nghiêm, GĐ Lâm trường Phù Bắc Yên – đơn vị được giao quản lý
6.500ha rừng phòng hộ và rừng trồng tại hai huyện Bắc Yên và Phù Yên ngao ngán:
"Bây giờ, người ta xẻ gỗ không cần “bật” thước chỉ mực. Dí lưỡi cưa vào vạch
gỗ, đám dầu từ lưỡi cưa bắn lên thân cây gỗ không khác gì vạch mực, kéo cưa một
mạch.
Một cây gỗ, chỉ trong chưa đầy nửa tiếng đã bị đốn hạ. Trước, lâm tặc dùng cưa lưỡi kéo tay, bốn người chia làm hai ca may ra nửa ngày mới cưa đổ. Chính những phương tiện “cơ giới” kiểu này khiến rừng bị nhanh đốn hạ, và khai thác trộm rất nhanh".
Những đống mùn cưa còn lại trong rừng già. |
Trong tổng diện tích hơn 6.000ha rừng tại xã Mường Lang, ba đơn vị được phân chia quản lý, gồm Lâm trường Bắc Phù Yên; Kiểm lâm huyện Phù Yên và chính quyền xã Mường Lang (ban nông – lâm – thủy).
Sự chồng chéo của quá nhiều đơn vị được giao giữ rừng này đã
khiến chính lãnh đạo của Lâm trường Bắc Phù Yên không dám khẳng định, việc người
dân dựng lán xẻ gỗ ngay trong rừng có thuộc phần đất rừng do mình quản lý hay
không!?
Ông Hà Văn Lừng, Chủ tịch xã Mường Lang giải thích: theo chính sách 167 về việc
xóa nhà tạm cho người dân chưa có nhà, những hộ dân trong diện này được phép
khai thác tối đa 10m3 gỗ để làm nhà. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo kẽ hở
khiến rừng bị lạm dụng khai thác, và việc quản lý của cơ quan chức năng cũng dễ
dàng bị “lách”.
Những cây đại thụ của rừng Mường Lang bị đốn hạ không thương tiếc. |
Theo ông Lừng: những lán xẻ gỗ tại rừng Mường Lang là do một số hộ dân thuộc xã Mường Do sang khai thác. Chính quyền xã Mường Do đã gọi điện “nhờ” xã Mường Lang cho phép dân được sang Mường Lang xẻ gỗ, vì phần rừng có gỗ trong độ tuổi khai thác này nằm gần với Mương Do hơn, tiện cho việc vận chuyển!!!
Hơn nữa, rừng Mường Do đã khá cạn kiệt, chỉ còn một phần ở Bản Phách thuộc
quyền quản lý, khai thác của Lâm trường, cho nên, hộ dân diện “167” được “chỉ
định” sang xẻ gỗ ở rừng Mường Lang!
Khi được hỏi, có văn bản của Mường Do gửi sang hay không, số lượng hộ dân khai
thác, số lượng gỗ được phép khai thác là bao nhiêu, ông Lừng thật thà: "Cái
này chỉ là thỏa thuận miệng với nhau thôi!".
Chính sự “dễ dãi” đến mức hồn nhiên như thế, rừng Mường Lang đã chảy máu lại
tiếp tục chảy nhiều hơn. Sự nhập nhằng, không minh bạch của một chính sách nhân
đạo này, vô hình trung đã tạo kẻ hở để người dân vào rừng xẻ gỗ trái phép, và
lực lượng chức năng, với năng lực nghiệp vụ có hạn, lại phải “cõng” tới 300ha
rừng/một người, đã vô tình “bỏ mặc rừng” cho những chiếc cưa máy vô tri?
- Kiên Trung