- Sinh ra và lớn lên gắn liền với lũy tre làng, hình ảnh cây tre trở nên quá gần gũi, thân thuộc, để rồi giờ đây khi đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, thế nhưng cụ ông Lê Mưu ở xóm 6, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn ( Hà Tĩnh) hàng ngày vẫn đi săn lùng những gốc tre để “thổi hồn” vào đó và cho ra các sản phẩm rồng, hạc, nghê,… bằng tre hết sức độc đáo.
Từ giảng viên đại học về làm bạn với… gốc tre
Chúng tôi tìm đến cụ ông có biệt tài “thổi hồn vào tre” vào một ngày cuối đông mưa phùn, giá rét. Năm nay ông đã bước qua tuổi 90.
Đang say sưa ngồi cưa, đục một gốc tre đã khô có hình cong cong, thăc mắc không biết cụ đang làm gì. Ông cụ cười: “Đó, rồng tre là từ khúc tre cong cong hình thù như thế đó. Rồi mình bổ sung, chắp vá thêm nhiều chi tiết khác vô nữa cho đầy đủ bộ phận”
Cụ Lê Mưu tự hào với con rồng tre và bộ sưu tập gần trăm sản phẩm khác từ tre của mình. Ảnh: Minh Lý |
Cụ cho biết, những gốc tre có hình dáng xù xì cho đến những sản phẩm rồng tre hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết, con mắt của người chơi phải nhìn, tưởng tượng ra được gốc tre đó sẽ phù hợp với con rồng ở tư thế gì.
Sau khi đã chọn được rồi thì phải ngâm tre xuống bùn cho đến lúc vớt tre lên đã thấy mùi hôi để tre bền được lâu, không bị mối, mọt. Vớt khúc tre đã ngâm đưa lên rửa sạch, phơi khô rồi sau đó mới tiến hành chế tác, cưa, đục, chắp vá để cho ra sản phẩm hoàn thiện.
Nói về “công việc khác người” của mình, cụ Mưu kể, trước đây ông là giảng viên trường Đại học Nông nghiệp 2 (Tiền thân Đại học Nông lâm Huế) dạy môn Triết học Mác Lê nin.
Năm 1981, ông nghỉ hưu. Về nhà thấy loanh quanh luẩn quẩn không biết làm gì, ngồi tổ tôm, nước chè lắm cũng chán.
“Rồi một bữa tui đi chơi thấy một người trong làng chặt tre, đào lên một cái gốc có hình cong cong, rễ tre tua tủa trông khá giống hình một con rồng. Rứa là tui xin gốc tre đó về cắt, tỉa, đục đẽo, chắp vá…làm xong thấy đúng là rất giống hình con rồng.
Tui đem treo ngay ở phòng khách. Ai đến thấy lạ mắt cũng ngắm nghía rồi trầm trồ. Từ đó tui có thú vui chơi rồng tre và một số sản phẩm khác từ tre cho đến bây chừ luôn” - cụ Mưu kể về cơ duyên thú chơi “độc” của mình.
Kể từ khi đã đam mê thú chơi gốc tre, nhiều khi cụ phải lặn lội đi săn lùng khắp nơi để nhìn cho ra được gốc tre có hồn, có hình dáng rồng, hình một số linh vật quý.
“Tre thì bạt ngàn đó, nhưng mà kiếm được một khúc để mà làm theo ý tưởng của mình thì lại quá hiếm. Tui đã phải lặn lội sang nhiều xã khác để tìm. Tìm được rồi còn công đoạn đào lên rất phức tạp”.
Một con rồng với tư thế rất “độc”. Ảnh: Minh Lý |
Tự hào bộ sưu tập “hàng độc”
Dẫn chúng tôi vào trong một gian phòng ở đầu hồi nhà, cụ ông Lê Mưu mom mém giới thiệu một số sản phẩm độc đáo từ tre của mình. Trong tất cả gần trăm sản phẩm, gồm nghê, hạc, voi, hổ, đại bàng, và những hình hài con người giàu cảm xúc như mẹ bồng con, ông dắt cháu…tất cả đều được ông miêu tả, liên tưởng rất dí dỏm, lý thú.
Cụ Mưu tâm đắc nhất vẫn là những con rồng do tay mình làm ra. Lý giải điều này, cụ nói: “Hình ảnh con rồng vừa linh thiêng, vừa hội tụ tất cả những gì là sức mạnh, uy nghi. Đặc biệt, với tâm linh người Việt thì nó là biểu tượng cao quý...”.
Dù đã có rất nhiều sản phẩm, nhưng cụ Mưu vẫn tiếp tục làm để thỏa thú đam mê của mình, và đặc biệt để chuẩn bị cho ý tưởng tham gia cuộc triển lãm sắp tới. Ảnh: Minh Lý |
Trong hàng chục con rồng tre của mình, cụ Mưu đã lựa chọn, chế tác được đủ các tư thế khác nhau gồm rồng bay, rồng chầu, rồng lượn….
Theo cụ Mưu, để có được những sản phẩm rồng hoàn thiện như thế là không hề đơn giản. Ngay cả khi đã làm xong rồi, nhưng nhiều lúc rảnh rỗi ngắm lại thấy chưa ưng ý là cụ lại hì hục tháo ra rồi đục đẽo, chắp lại để tạo ra một thế mới hơn, thú vị hơn.
Tiếp tục dẫn tôi lên nhà thờ của dòng họ ở ngay trong vườn nhà, cụ Mưu còn chỉ những con rồng tre được cụ sơn vàng óng treo lên khắp nhà thờ. Với cụ, đôi hạc từ tre đang được đặt ở bàn thờ dòng họ có tuổi đời lâu nhất.
Đó là một trong số nhưng sản phẩm đầu tay của thú chơi “thổi hồn vào tre” của cụ.
Một đôi hạc được sơn vàng trông thật sang trọng, tinh tế. Nếu như cụ không cho biết đó là sản phẩm của mình làm từ tre thì chắc chắn sẽ rất nhiều người bị nhầm rằng đó là đôi hạc được mua sẵn từ hàng mã ở chợ về.
Nói về việc làm “khác người” gần 30 năm nay của mình, cụ Mưu móm mém cười: “Tui chơi rứa cho vui, rồi đam mê khi mô không biết nữa. Giờ mắt đã mờ, tai cũng nghe không được rõ nữa nhưng mà tui vẫn còn mê cái thú này lắm. Cứ khỏe trong người là tui lại đi nhòm ngó những gốc tre của làng xóm rồi xin, mua về làm cho vui. Có nghich nghịch rứa ăn mới thấy ngon cơm.
Trước lúc ra về, cụ Mưu còn cho biết, cụ đang cố gắng để làm thêm một số sản phẩm rồng tre khác thật độc đáo để chuẩn bị cho cuộc triển lãm nghệ thuật Bắc miền trung tổ chức tại tp Hà Tĩnh khoảng giữa năm 2012.
“Sản phẩm rồng tre của tui triển lãm đúng vào năm nhâm thìn thì thật ý nghĩa” - cụ Mưu háo hức.
Trần Văn – Duy Tuấn