- Thông tin về tàu Jeong Woo 2 bị cháy ở Hàn Quốc khiến gia đình những thuyền viên bị nạn ở Hà Tĩnh đứng ngồi không yên. Họ đang hoang mang, lo lắng trong vô vọng.
“Từ khi đi đến giờ nó mới điện về một lần”
Chúng tôi tìm về gia đình của thuyền viên được cho là đã mất tích Đặng Ngọc Quảng (SN 1985, trú thôn Tây Sơn, xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh).
Mặc dù trời mưa, con đường đi lại bùn đất nhẫy nhụa, nhưng trong căn nhà nhỏ của ông Đặng Đình Ninh (56 tuổi, là bố của anh Quảng) vẫn có rất đông người đến để nghe ngóng thông tin, chia sẻ với gia đình có người gặp nạn.
“Từ chiều 11/1, khi nhận được thông tin tàu gặp nạn, gia đình mới biết chứ chưa nhận được thông tin chính thức từ công ty, chủ tàu, hay từ chính quyền địa phương. Không biết tình hình thế nào, thông tin đó có đúng không nhưng chúng tôi đang rất hoang mang”, ông Ninh cho biết.
Anh Quảng là con thứ 3 trong gia đình. Trước khi đi lao động Hàn Quốc, anh Quảng cũng đã từng là thuyền viên đi biển ở Đài Loan được 10 tháng rồi sau đó anh về đi Libya. Cuộc chiến đẫm máu tại nước này đã khiến anh phải về nước sau 8 tháng.
Nhiều người thân, hàng xóm có mặt tại nhà ông Ninh để nghe ngóng thông tin, chia sẻ hoạn nạn với gia đình.
Từ Libya về, thất nghiệp, anh lại làm đủ nghề để kiếm tiền. Rồi mới đây, ngày 04/11/2011, anh quyết định vay 25 triệu đồng để đi Hàn Quốc, tiếp tục gắn với nghiệp thuyền viên.
“Từ khi đi đến giờ, nó chỉ điện về có một lần. Không ngờ giờ lại mất tích”, ông Ninh mếu máo.
Bên chiếc giường, bà Trần Thị Nhuận (mẹ anh Quảng) đang nằm ôm đứa cháu dại. Đứa bé đã ngủ say trong vòng tay của bà nội.
Bà cố kìm nén đau thương để không khóc thành tiếng, sợ đánh thức cháu dậy. Những giọt nước mắt vẫn cứ tuôn trào: “Con ơi là con ơi, con đừng chết. Vợ con còn quá trẻ, lại đang nuôi con dại…”.
“Từ khi nhận được tin dữ, bà nó khóc suốt, không chịu ăn uống chi cả. Tui an ủi cứ bình tĩnh chờ thông tin chính xác đã, gắng mà ăn uống nhưng bà ấy vẫn không chịu nghe”, ông Ninh nói.
Vợ trẻ ôm con khóc chồng
Trên chiếc giường bé xíu, chị Trần Thị Tứ (SN 1988), vợ anh Quảng cũng chẳng thể cầm được lòng khi lại có người hỏi thăm tình hình. Chị không nói gì. Có lẽ dù chưa có tin chính xác nhưng chị cũng đã tưởng tượng, linh cảm chuyện gì chẳng lành.
Bà Trần Thị Nhuận, mẹ của thuyền
viên Quảng mếu máo khóc lo lắng con trai gặp nạn. Bên cạnh là đứa cháu nội đang
ngủ say sưa.
Người nhà đưa cháo lên, nhưng chị không chịu ăn. Bát cháo từ đầu đến cuối buổi vẫn cứ đặt bên giường, nhiều người là bà con hàng xóm đến cứ an ủi, động viên chị bình tĩnh, cố ăn uống đi nhưng càng an ủi, động viên thì nước mắt chị lại trào ra nhiều hơn.
Trong khi người lớn thì xót xa, hoang mang, lo lắng, còn đứa trẻ thì vẫn ngủ say sưa.
Anh Quảng và chị Tứ cưới nhau năm 2009. Hai vợ chồng không có đất ruộng, chỉ làm 2 sào chè. Mỗi năm tiền bán chè cũng chỉ được hơn 2 triều đồng. Cuộc sống khó khăn nên anh Quảng phải lăn lộn đi lao động, làm thuê làm mướn.
Sau lần đi Libya phải về, đến lần này vay thêm để đi Hàn Quốc nữa là số tiền nợ đã lên đến 60 triệu đồng.
Tất cả chỉ trông chờ vào chuyến đi Hàn lần này để trả nợ. Rồi tính đến tương lai xa hơn để cất cho mình một căn nhà.
Nay bặt tin chồng.
Đứng ngồi không yên
Cũng từ chiều qua, sau khi nghe tin từ nhà hàng xóm, bà Nguyễn Thị Ơn (SN 1960, mẹ của thuyền viên Nguyễn Chí Công (SN 1989, thuyền viên được cho là bị bỏng trong vụ cháy tàu) đã rất lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Ơn mẹ thuyền viên
Nguyễn Chí Công đang mếu máo, hoang mang khi nghe tin con bị thương.
Ngay lúc chúng tôi có mặt tại nhà ông Ninh thì bà cũng chạy đến để ngóng tin. Bà Ơn kể, nhà có 6 đứa con, Công là con thứ 3. Nhà nghèo nên nó phải nghỉ học từ rất sớm để đi làm thuê.
Chồng bà cũng mới chết được 5 tháng, vì bị tái phát vết thương chiến tranh. Nhà đông người mà chỉ được 2 sào ruộng. Con cái đều đi làm thuê hết.
“Nó đi cùng một lần với thằng Quảng. Hôm đi được 3 ngày thì có điện về một lần nói là bắt đầu ra khơi. Từ bữa đến giờ không thấy liên lạc về nữa, mà người nhà gọi sang cũng không liên lạc được. Từ bữa qua đến giờ tui lo lắng lắm, ăn, ngủ không được, cứ hết đứng lại ngồi thẫn thờ. Chỉ trông có thông tin chính xác để biết nó bị thương như thế nào, có nguy hiểm lắm không” - bà Ơn lo lắng.
Liên lạc qua điện thoại với chị Phạm Thị Ba 32 tuổi, trú thôn 8, xã Kỳ Hà ( Kỳ Anh), là vợ của thuyền viên Ngô Văn Sĩ ( SN 1978, thuyền viên được cho là bị thương), chị Ba cũng đang rất hoang mang.
Chị cho biết, nghe bạn bè gọi điện bảo có thông tin trên mạng về chồng chị như thế nên chị mới biết. Chứ ngoài ra chưa có thông tin chính xác từ cơ quan chức năng.
“Em đang lo lắm, không biết anh ấy thế nào, thông tin mà người ta nói có chính xác không. Mong là anh ấy không có mệnh hệ gì” - chị Ba bày tỏ.
Theo
tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 11-1 Trung tâm phối hợp cứu hộ New
Zealand (RCCNZ) cho biết đêm 10-1 đã nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu
đánh cá Jeong Woo 2. Trên tàu có 23 người Việt Nam. Ngay
sau khi nhận được tin báo, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand đã làm
việc với các cơ quan chức năng của New Zealand và Đại sứ quán Hàn Quốc
tại New Zealand để xác minh thông tin. Bộ
Ngoại giao và thương mại New Zealand và Trung tâm Phối hợp cứu hộ New
Zealand cho biết theo báo cáo ban đầu, trong số 23 thuyền viên người
Việt Nam trên tàu có ba thuyền viên mất tích và bốn thuyền viên bị
thương. Hiện các thuyền viên bị thương đang được chăm sóc y tế và đưa về
cảng gần nhất của New Zealand. Bộ
Ngoại giao Việt Nam đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại New
Zealand và tại Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của
New Zealand và Hàn Quốc, thực hiện các biện pháp cần thiết để giúp đỡ
các thuyền viên Việt Nam. Tàu
đánh cá Jung Woo 2 thuộc Công ty Sunwoo của Hàn Quốc. Tàu Jeong Woo 2
bị hỏa hoạn khi đang ở vùng biển Ross, cách bờ biển đông nam New Zealand
khoảng 3.700km; trên tàu có 40 thuyền viên, trong đó có 23 người Việt
Nam. Thông tin trên Vietnamplus.
Trần Văn – Duy Tuấn