- Mắt chỉ dám chợp khi tiếng gà gáy sáng của mấy nhà dân gần trại cất lên, hoảng sợ với tiếng gót giầy của cán bộ, suốt 4.320 đêm, T. chập chờn với câu hỏi: Liệu đã phải ngày cuối cùng được sống? Gần 12 năm thấp thỏm ở “chung cư hộp diêm”, Đặng Văn T. vừa lo lắng, sợ hãi, vừa khắc khoải chờ đợi và hy vọng ngày được cảm nhận “hơi ấm của mùa xuân”.

Giữa sự sống và cái chết

Đó là những ngày chờ chết và những đêm dài mất ngủ. Một năm, hai năm, ba năm… sau lệnh hoãn thi hành án tử hình mà vẫn không thấy mình được tha tội chết, T. bắt đầu cảm giác hoang mang lo lắng.

Trải qua những đêm thao thức chờ cái chết trong sợ hãi tột độ, phạm nhân này nhớ lại: “Tôi đã không còn dám ngủ vào ban đêm nữa, ngoại trừ thứ bảy và chủ nhật. Còn cái ngày khác trong tuần thì tuyệt nhiên không dám ngủ. Không biết có phải thức để xua đuổi thần chết hay không?

Nhưng đêm nào cũng thức thâu đêm. Việc thức đêm một thời gian dài đã làm cho đôi tai của tôi thính hơn thì phải.

Giữa đêm khuya vắng, bất cứ một âm thanh gì tôi cũng nghe được. Âm thanh tôi sợ nhất là tiếng gót giày của cán bộ. Đêm nào có 2 tiếng đôi giầy trở lên tiếng vào phòng là tôi cảm thấy vô cùng hoảng sợ”.

Tử tù Đặng Văn T.

Có lẽ đó cũng là nỗi sợ hãi của tất cả tử tù ở trong “chung cư hộp diêm” này. T còn nhớ rất rõ hình ảnh những người “hàng xóm” của mình, sau khi hết “hạn tạm trú” đã phải ra pháp trường đền tội cho pháp luật.

T. bị ám ảnh bởi những thời khắc vĩnh biệt sự sống của những người đồng cảnh ngộ với mình: “Khoảng 5 giờ sáng ngày 06-08, khi tiếng gà ngoài dân vừa ngừng tiếng gáy thì có tiếng giầy đinh nện xuống sàn, tiếng chìa khóa leng keng ngoài hành lang và khoảng 20 phút sau thì tôi đã nghe tiếng gọi chào vĩnh biệt của tử tội Nguyễn Trọng Điệp.

Tôi ngồi dậy không nói một câu gì, tự lúc nào cơ thể tôi toát đầy mồ hôi, còn tóc thì đã dựng ngược”.

Cuộc sống với T. từ sau ngày tuyên án là những phép đếm giản đơn mà kinh hãi, từng ngày, từng ngày, được sống. Chưa kể đến sự cô đơn mà T. đang phải gánh chịu từ những mất mát và khổ đau quá lớn.

Sau nỗi đau mất vợ, mất người thân, Đặng Văn T. rơi vào trạng thái trầm cảm.

Ngày ngày chỉ lủi thủi trong căn phòng giam quen thuộc như một cái bóng, như một cái xác không hồn. Bước sang năm thứ 10 bó gối trong xiềng “chinh chiến” giữa sự sống và cái chết, sức khỏe của T. đã suy giảm đi rất nhiều, bệnh đại tràng hành dữ dội khiến anh không ăn không ngủ được, mê man, thậm chí suy nhược thần kinh rất nặng.

Và lúc đó, những cơn ác mộng kinh hoàng kéo đến.

Và những cơn ác mộng đó càng khiến T. thêm sợ hãi: “Tôi đã mơ một giấc mơ khủng khiếp, tôi thấy mình bị đưa ra pháp trường để đền tội. 2 giờ 30 phút tôi tỉnh dậy thấy người mình vã mồ hôi hột từ lúc nào. Lấy khăn lau mồ hôi tôi ngồi bó gối nhìn vào khoảng không mịt mùng của buồng giam và suy nghĩ”.

Quãng thời gian trong trại giam là những tháng ngày T. vô cùng ăn năn và cắn rứt vì những lỗi lầm mà mình đã gây ra.

T. không cầm nổi nước mắt trước những cử chỉ tốt đẹp dành cho mình, luôn tự nhắc nhở rằng, mình là một tử tù, đã vì đồng tiền mà mang bất hạnh đến với mọi người. Và sau những phút cái chết vụt qua, T. ngửa mặt lên ô văng buồng giam nghĩ về cuộc đời mình và những việc làm tội lỗi mà mình đã gây ra, nghĩ đến bố mẹ già đang lủi thủi nơi căn nhà xiêu vẹo ở quê.

Cũng trong quãng thời gian khắc nghiệt và kinh hãi đó, khát vọng sống bên trong người tử tù vẫn bùng lên mãnh liệt, ngọn lửa hy vọng vẫn không ngừng cháy. T đã rất thật thà khi trả lời một quản giáo hỏi anh có buồn không sau sự ra đi của “hàng xóm” Nguyễn Trọng Điệp: “Điệp là bạn của con ở ngoài đời nay lại là đồng cảnh thì làm sao mà con không buồn. Tuy nhiên, con cũng tạm thời thở phào nhẹ nhõm, vì đêm qua không phải là con”.

Những người canh “kho” cho pháp luật

Tháng ngày dài tưởng chừng như vô tận của sự sám hối, có lẽ, không ai gần gũi và ở bên Thế nhiều hơn những cán bộ trại giam. Tên tử từ đã trải qua ba đời giám thị và 10 cán bộ quản giáo, vào những giây phút khủng khiếp nhất của quãng đời 4.320 ngày trong trại giam, T. chờ đợi từng thời khắc được trở lại làm người, không gì khác, lại bằng chính tình người.

Từ ngày đầu tiên sống trong trại giam, T. đã nhận được sự quan tâm và chăm sóc của những người sau này anh coi như cha của mình. Dù đã có lúc anh nghi ngờ những cử chỉ đó.

T. kể lại: “Quả thật thời gian đầu tôi đã không tin tình cảm của ông ấy giành cho tôi là sự thật. Vì tôi là kẻ có tội lớn đối với pháp luật, giống nòi nhưng rồi cùng với thời gian, tình cảm mà ông và cán bộ dành cho tôi là có thật. Một thứ tình cảm rất nhân văn và rất con người!

Ông thường bảo với tôi rằng anh có tội với pháp luật thì phải chịu tội, chúng tôi chỉ là những người canh “kho” cho pháp luật, giúp cho các anh được cái gì mà lương tâm cho phép, lại không vi phạm pháp luật thì chúng tôi sẽ làm. Từ những tình cảm ân tình đó mà tôi đã thay đổi cách nghĩ và cách nhìn đối với họ”.

Đối với một người bình thường, sự quan tâm chăm sóc đã luôn là điều quý báu, trân trọng. Nhưng kẻ phạm tội đang đứng trước lương tâm và pháp luật như Đặng Văn T., người từng ngày sợ hãi đối mặt với cái chết, tên tử tù khắc khoải chờ đợi sự sống, thì những ân cần, lo lắng đó còn là những giọt nước mát lành hồi sinh mầm cây đang khô héo, là những bài học về giá trị sống và tình người.

Một trong những kỷ niệm mà có lẽ cả quãng đời sau này T. không bao giờ quên được, T. nhắc về nó trong xúc động, và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào: “Tôi còn nhớ vào một đêm mưa, tôi đang nằm nghe tiếng mưa rả rích của đám côn trùng thì bỗng có ba bốn tiếng gót giầy tiến đến phòng tôi. Đang nằm, tôi đã bật dậy như một chiếc lò xo và nín thở lắng nghe tình hình.

Bỗng có tiếng chìa khóa kêu leng keng và cánh cửa sắt phía ngoài phòng giam tôi bật mở. Lúc đó tôi thoáng nghĩ “thời khắc” của tôi đã điểm, tôi chưa kịp nói câu gì thì cán bộ Sang ngó đầu vào hỏi, trời mưa có ngủ được không T.? Buồng giam có bị dột không?

Nếu dột thì lấy áo mưa của cán bộ trải lên màn cho đỡ ướt, tranh thủ ngủ một lúc đi, trời sắp sáng rồi. Với tay cầm tấm ni lon từ tay cán bộ Sang nói lời cảm ơn, bỗng đôi mắt thâm quầng của tôi trào dâng hai hàng nước mắt. Tôi đã khóc không phải vì tôi chưa phải đền tội, mà khóc vì quá xúc động, bởi tình cảm và sự quan tâm mà cán bộ đã dành cho tôi. Đêm hôm đó, có lẽ là lần đầu tiên tôi khóc nhiều nhất từ ngày tôi bị tuyên án tử hình”.

Có lẽ, lúc ấy, tiếng bước chân báo hiệu của thần chết đã hóa ra sự ấm áp, cảm thông, âm thanh đêm đêm ám ảnh khiến người tử tù co rúm lại kinh hãi lại biến thành nhân ái, bao dung.

Đặng Văn T. học những bài học đầu tiên về tình người ở chốn lao tù một cách “run rẩy” và cảm động như thế.

Biết được T. cũng là người sống nặng về tình cảm, lại hiểu được nỗi buồn và sự cô quạnh của người tử tù, nên các cán bộ trại giam vẫn thường xuyên lui đến trò chuyện chân tình với T.

Lúc thì để cùng đánh cờ, lần mang cho ít đồ ăn nhà bếp cất hôm trại làm cơm mời khách, khi thì mua mấy con chim chào mào chơi cho khuây khỏa. Và luôn động viên T. cố gắng, vượt qua những nỗi đau và không ngừng hy vọng.

Chính một cán bộ trại giam vào thăm và động viên T. sau cơn ác mộng kinh hãi về trường bắn đã kể cho T. nghe câu chuyện “Chiếc lá cuối cùng” để mong tâm hồn được thanh thản.

Cũng như ông Behrman, người họa sĩ già hi sinh mình để cứu lấy niềm tin và nghị lực sống cho cô gái Gionxi, những người canh “kho” pháp luật đã vẽ lên bức tường phòng giam chiếc lá thường xuân cho Đặng Văn T., để phạm nhân này vượt qua sợ hãi, có thêm khát vọng và nghị lực vượt qua những khổ đau ập đến cuộc đời mình, ngay cả khi cái chết luôn cận kề.

Cũng vì những tình cảm nhân hậu và bao dung đó, người tử tù chờ chết “vắt qua hai thế kỷ” đã hiểu được ý nghĩa của cây xương rồng do một cán bộ trại giam trước khi về hưu đem tặng: “Sau này, tôi mới hiểu được sự chịu đựng và sức sống mãnh liệt của cây xương rồng. Dù ở môi trường vô cùng khắc nghiệt, nhưng nó vẫn sống và nở hoa”.

Người quản ngục và tên tử tù. Tưởng như mối quan hệ giữa họ chỉ thuần là nhiệm vụ, là kỷ luật, là lớp lớp những cánh cửa khóa trái, xích xiềng lạnh lẽo.

Vậy mà trong gần 12 năm, trong suốt 4.320 ngày bên nhau trong căn phòng biệt giam giành cho tử tù, họ đã cùng nhau vượt qua hết những mùa cây bàng đầu tiên của nhà giam trút hết lá, cùng đợi ngày “xương rồng nở hoa”.

• Vân Anh – Hoàng Sang

(Bài viết sử dụng nhiều tư liệu trong cuốn tự truyện của tử tù Đặng Văn T.)