- Sau Tết tình hình tàu xe từ Bắc vào Nam lại trở nên vô cùng căng thẳng. Bất chấp việc hành khách chấp nhận đi xe với giá vé cao vẫn không thể có vé đi.


Chấp nhận đi vé giá cao vẫn bị nhồi nhét


Năm nào cũng vậy, sau Tết, hàng chục ngàn công nhân ở Thanh Hoá lại khăn gói trở vào Nam tiếp tục công việc.

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet đến thời điểm này, hầu hết các hãng xe khách chất lượng cao như: Mai Linh, Hoàng Long... đều đã bán hết vé đến ngày 3/2.

Chị Lê Thi Nga (Nông Cống, Thanh Hoá) cho biết, mấy ngày vừa qua chị liên tục ra TP. Thanh Hoá tìm mua vé xe vào Nam nhưng đều được đại lý vé của các nhà xe cho biết đã hết vé đến tận ngày 4/2.

Sau Tết, nhiều nhà xe khách vào Nam lại ra sức nhồi nhét.

Chị Nga nói, dù ngày 4/2 mới có vé, nhưng giá vé xe cũng khá đắt so với ngày thường, giá xe giường nằm từ TP.Thanh Hoá vào TP.HCM có mức gần 1,3 triệu đồng/ vé, vé giường nằm có mức giá 1,6 triệu đồng/ vé.

Không mua được xe chính hãng, chiều ngày 29/1, (mùng 8 Tết) chị Nga đành chấp nhận vật vờ chờ xe bắt khách dọc đường. Sau gần 2h đồng hồ chờ xe, cuối cùng chị cũng bắt được chiếc xe 45 chỗ vào Nam. Tuy nhiên, khi lên xe thay vì ngồi mỗi người một ghế chị được nhà xe xếp vào hàng nghế đôi đã có 2 người ngồi trước.

Khị chị Nga chưa kịp phản ứng vì bị nhồi nhét thì được nhà xe nói chặn họng, ngày Tết đông khách nên hành khách phải chấp nhận ngồi chật, nếu không chịu được thì hành khách có thể xuống xe. Nghe chủ xe nói và nghĩ lại quá trình  mua vé xe, không còn cách nào khác chị Nga đành chấp nhận "ngậm bồ hòn làm ngọt" bị nhồi nhét để có thể vào Nam cho kịp ngày làm việc.

Cũng không tìm mua được vé xe khách chính hãng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đành chấp nhận bắt xe dọc đường với mức giá đắt không kém xe chất lượng cao 1,1 triệu đồng/vé. Thế nhưng khi lên xe, thay vì được ngồi nghế tựa chị Hằng lại phải ngồi ghế nhựa do nhà xe xếp giữa lối đi của hai hàng nghế tựa.

Vật vờ chờ bắt xe khách trở lại thành phố (Ảnh: Phạm Hải).
 

Ngày Tết đi đường dài chấp nhận mức giá đắt hơn ngày thường, nhưng ai ngờ lên xe nhà xe nhồi nhét chật cứng không sao cựa nổi. Khi chúng tôi phàn nàn với nhà xe thì được nhà xe nói, ngày Tết đông người nên hành khách phải chịu khó ngồi chật. Có người bức xúc trước thái độ thờ ơ của nhà xe thì ngay lập tức bị nhà xe gàn giọng doạ đuổi xuống xe”, chị Hằng nói.
 

Cũng lâm vào tình cảnh khốn khổ sau nhiều ngày tìm mua vé xe chất lượng cao vào Nam bất thành, anh Lê Đình Quang (Kim Sơn, Ninh Bình) đành chấp nhận đi ngược xe ra Hà Nội để mua vé máy bay vào Nam cho kịp với công việc.

Theo lịch làm việc, ngày 9 Tết (tức 1/2 Dương lịch) tôi phải có mặt tại cơ quan, nhưng do bắt xe khách không được nên đành phải chấp nhận mua vé máy bay vào Nam để kịp ngày làm”, anh Quang nói.
 
Thuê taxi trở lại Hà Nội

Vì có con nhỏ không thể đi xe “nhồi nhét” để ra Hà Nội, sáng ngày mùng 8 Tết vợ chồng anh Lê Minh Bình (Thiệu Hoá, Thanh Hoá) đã phải bắt taxi quay lại Hà Nội. Với chặng đường gần 200 km, anh Bình chấp nhận phải bỏ ra mức tiền gần 2 triệu đồng.

Anh Bình thành thật: “Đi taxi là chấp nhận tốn kém, nhưng không còn cách nào khác để đảm bảo sức khoẻ cho vợ con thì vẫn phải thuê”.

Không vướng con nhỏ như gia đình anh Bình, nhưng  một nhóm bạn 4 người của anh Lê Xuân Nguyên (Nông Cống, Thanh Hoá) cũng quyết định thuê xe 4 chỗ để trở lại Hà Nội sau Tết.

Anh Nguyên nói, ngày Tết nếu không muốn đi xe nhồi nhét thì chỉ còn cách thuê taxi hoặc thuê xe con đi là tốt nhất. Dù tốn kém hơn đi xe khách nhưng đảm bảo sức khoẻ ngày đầu năm.

Gia Văn