- Cứ đến mùng 7 tháng Giêng người dân và du khách thập phương lại náo nức đổ về đình Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch- Vĩnh Phúc để tham dự lễ hội đả cầu cướp phết cầu may.
Đám thanh niên trai tráng hừng hực lao vào, kẻ hô, người hét, trèo lên người, đứng lên vai, đè lên đầu nhau trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng ngàn người tạo nên không khí tưng bừng sôi động của hội phết đầu năm.

Cụ Nguyễn Trí Nguyên, một bậc hương lão của làng Đông Lai kể lại: đền Đông Lai thờ Vua Hùng thứ 18. Tương truyền, để mua vui cho quân lính, các tướng của vua Hùng đã nghĩ ra trò chơi đẽo gọt một quả cầu gỗ tròn nhẵn như quả bưởi lớn, phết dầu mỡ cho trơn rồi lăn ra giữa bãi cho quân lính cướp nhau, ai giành được quả Phết đem đặt vào nơi quy định sẽ được trọng thưởng.
Thanh niên "cướp phết" trong lễ hội.

Trải qua năm tháng, trò chơi cướp Phết ngày xưa được người dân địa phương lưu giữ và trở thành lễ hội “Cướp Phết” ngày nay.
Lễ thức “Đả cầu cướp phết” được diễn ra vào chiều mùng 7 tháng Giêng hàng năm, nhằm tưởng nhớ đến 4 vị tướng thời Hùng Vương thứ 18.

Hàng năm, cứ gần đến ngày lễ hội, các trưởng thôn, các cụ cao tuổi cùng các ban, ngành, đoàn thể tổ chức họp bàn về công tác chuẩn bị lễ hội.
Các thôn đều phải chuẩn bị lễ vật, không thể thiếu trong ngày lễ này là cỗ bánh dày gọi là “Bạch từ bính” và cỗ gà thiến (Cỗ hàn âm) gọi là cỗ ông gà.
Ngay từ sáng mùng 7, tháng Giêng năm Nhâm Thìn (29/1/2012) dân làng đã tụ hội để xếp lễ vật của mình vào kiệu rồi rước lên đình Công đồng dâng lễ Thánh. Những lễ vật này tuy bình dị nhưng chứa đầy lòng biết ơn, sự thành kính, giá trị tinh thần của người dân nơi đây.

Sau phần lễ, phần hội được tổ chức sôi động với những trò chơi như: bóng truyền, cờ tướng, bắt trạch, leo cầu, chơi đu... Trong đó, thu hút hàng nghìn người xem nhất là trò “Cướp phết”. Trong màn mưa lạnh 15oC trong chiều ngày mùng 7 Tết, hội phết vẫn diễn ra tưng bừng sôi động. Đám thanh niên trai tráng hừng hực lao vào, kẻ hô, người hét, trèo lên người, đứng lên vai, đè lên đầu nhau trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng ngàn người.

Đây là một vài hình ảnh ghi lại lễ hội đặc sắc này:
Một hương lão trong làng đánh trống mở màn tế lễ thành hoàng.
Màn lễ thành hoàng được các hương lão thực hiện theo đúng nghi lễ trang trọng.

Lễ vật tuy bình dị nhưng thể
hiện tấm lòng thành kính của người dân đối với các vị vua.
 
Sau khi làm lễ, các cụ trịnh trọng đưa quả Phết (làm bằng gỗ quý đường kính 35cm) từ trên bàn thờ xuống đặt vào cỗ kiệu rước ra bãi.




Ai cũng mong muốn được sờ vào quả Phết để được may mắn cho mình.



Tương truyền rằng, ai sờ được hay dành được quả Phết trong lễ
hội sẽ gặp nhiều may mắn, nên cuộc tranh phết thu hút rất nhiều sự đọ sức của các thanh niên, tạo nên không khí sôi động trong lễ hội.

Bài và ảnh: Anh Tuấn