Bắt quả tang bạn đang ôm vợ mình nhưng vì thiếu hiểu biết, Phong đã có những hành động nông nổi nên phải lãnh hậu quả nặng nề...

Bi hài án

Theo hồ sơ điều tra của cơ quan chức năng, vào 19 giờ 50 ngày 26/4/2009 nhóm ba người bạn gồm các anh Nguyễn Trường Kha, Lê Văn Thái và Nguyễn Phong (đều trú khu phố 1, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) rủ nhau đi uống cà phê tại một quán gần nhà Phong. Khoảng 15 phút sau, anh Thái lấy cớ có việc bận nên về trước.

Phiên tòa thu hút đông đảo người dân tham dự.

Ngang qua nhà Nguyễn Phong, thấy còn sáng điện, cửa mở nên Thái bước vào. Tại phòng khách, chị Trần Thị Ái V. (vợ Phong) đang ngồi dưới nền nhà xem tivi. Anh Thái lại gần ôm chị V., cử chỉ âu yếm. Nhưng những phút giây lâng lâng lạc lối ấy chẳng được kéo dài lâu.

Chỉ 20 phút sau khi anh Thái rời quán cà phê, Phong về đến nhà. Vừa bước vào, Phong đã thấy ngay cảnh tượng quá trớn của bạn thân và vợ nơi phòng khách. Cho rằng Thái có hành động cưỡng hiếp vợ mình, ngay lập tức Phong lao vào đấm đá đến khi thấy Thái chảy máu mũi Phong mới chịu dừng lại.

Sau đó Phong gọi điện cho anh Kha và chị Phạm Thị L. (vợ anh Thái) đến chứng kiến sự việc mặc cho anh Thái năn nỉ bỏ qua. Vì khoảng cách ba nhà quá gần, chỉ vài phút sau, cả chị L. và anh Kha có mặt.

- Thằng Thái sàm sỡ với vợ của tôi. Bạn bè mà như thế. Giờ mọi người tính sao?

Tất nhiên lúc này anh Thái khá bẽ mặt, chị V. lặng lẽ ngồi yên, anh Kha lúng túng trước sự việc khá bất ngờ, còn chị L. thì đau đớn, giận chồng tái mặt.

Phong đề nghị mọi người giữ nguyên vị trí và lẳng lặng đi ra sau nhà lấy một cái búa đinh dài khoảng 30cm tiến đến chỗ anh Thái, đánh thẳng vào cẳng chân phải khiến anh này gãy hở xương. Không dừng lại ở đấy, Phong tiếp tục lấy một cái kéo (dùng để cắt tôm, cá) cắt tóc của Thái và V.

Trước sự hung hãn của Phong, anh Thái van xin và đề nghị giải quyết chuyện này bằng tình cảm. Thái đưa ra giá 30 triệu đồng để bồi thường cho Phong nhưng Phong không đồng ý. Phong cho rằng 30 triệu đồng nhà Phong cũng có, phải là 300 triệu đồng nếu không sẽ “xin” anh Thái của quý.

Sợ Phong làm thật nên Thái nói nhà chỉ còn 100 triệu đồng, để Thái về lấy đưa trước, còn 200 triệu sáng mai Thái ra rút ngân hàng đưa nốt.

Phong không đồng ý nên nhất quyết bắt Thái viết giấy nợ 300 triệu đồng để sau này làm bằng chứng khi Thái lật lọng. Nội dung của tờ giấy ghi nhận nợ do Phong đọc cho Thái viết như sau: “Tôi tên là Lê Văn Thái. Tôi vào nhà hãm hiếp vợ Phong bị Phong bắt gặp. Vậy tôi bồi thường 300 triệu đồng”.

Khi Thái viết xong giấy nợ, Phong yêu cầu chị L. ký nhận vào tờ giấy nhận nợ nhưng chị này không đồng ý và bỏ về trước. Phong nhờ Kha ký vào phần cuối của tờ giấy nhận nợ để làm chứng. Sau khi cầm được tờ giấy nhận nợ có chữ ký của Thái, Phong thả cho Thái về.

Sáng 27/4/2009, Phong đem tờ giấy nhận nợ trên đến Công an thị trấn Phú Thiện xin xác nhận để đi công chứng thành nhiều bản thì bị Công an huyện Phú Thiện thu giữ.

Sự việc vỡ lở, cơ quan điều tra vào cuộc. Tại giấy chứng nhận pháp y số 321/BV–GĐ–PY ngày 13-8-2009 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Gia Lai kết luận, anh Lê Văn Thái bị chấn thương chân, tổn hại tổng cộng 15% sức khỏe. Nguyễn Phong bị khởi tố về ba tội danh: cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, làm nhục người khác.

Lời đồn lan ra, vụ án gây xôn xao dư luận tại huyện Phú Thiện suốt thời gian dài, cho đến ngày 4/9/2011 TAND tối cao tại Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử.

Giá như bị cáo biết dừng lại

Trước đó, ngày 13/9/2010 TAND huyện Phú Thiện đã mở phiên lưu động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Nguyễn Phong và tuyên phạt bị cáo mức án 9 năm 3 tháng tù về các tội danh trên. Bị cáo không đồng tình, TAND tỉnh tiếp đến TAND tối cao tại Đà Nẵng đã đưa vụ án ra xét xử lại.

Cả ba phiên tòa đều thu hút đông đảo người dân tham dự. HĐXX chấp nhận giảm án và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phong 5 năm 9 tháng tù vì xét thấy trong vụ này người bị hại cũng có một phần lỗi, bị cáo đã bày tỏ thái độ ăn năn...

Khi tòa vừa tuyên án xong, Trần Thị Ái V. kịch liệt phản đối, cho rằng đáng lẽ ra V. và Phong mới là người bị hại. Người chịu tù phải là Lê Văn Thái chứ không phải là Nguyễn Phong. Một số người thân trong gia đình chị V. và bị cáo Phong đã hùa vào cùng phản đối quyết liệt phán quyết của các cơ quan pháp luật. Thẩm phán phiên tòa cùng thư ký của mình phải ra về dưới sự hộ tống của lực lượng công an.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng có đủ chứng cứ chứng minh các hành vi phạm tội của Phong. Thời điểm Phong bắt quả tang Thái ôm vợ mình tại phòng khách nhà Phong lúc đó đèn bật sáng trưng, cửa mở. Cả Thái và chị V. đều mặc đầy đủ quần áo. Khu phố 1 thời điểm đó đông dân cư nhưng không ai thấy biểu hiện phản đối như tri hô, chống cự... từ phía V. Thái cũng không hề đe dọa V. nên khẳng định rằng Thái chưa hề hiếp dâm V. Chị V. cũng thừa nhận những vấn đề này. Khi khai với cơ quan điều tra, V. xác nhận trước đó anh Lê Văn Thái đã từng làm như vậy với V. nhưng V. không từ chối quyết liệt dẫn đến việc anh Thái “thấy đỏ tưởng là đã chín”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, sở dĩ Phong phạm tội là do tinh thần bị kích động mạnh khi thấy bạn (Thái) sàm sỡ vợ mình. HĐXX bác lập luận này và phân tích rằng khi Thái đề nghị dùng 30 triệu đồng để bồi thường thì Phong bảo phải là 300 triệu đồng mới được và dọa “xin” của quý của Thái. Phong nhất quyết bắt Thái viết giấy nợ 300 triệu đồng để sau này làm bằng chứng.

Phong còn đọc nội dung cho Thái viết. Như vậy, Phong không còn hành động trong tâm trạng bị kích động mạnh. Khi xét về lý lịch và nhân thân tốt của bị cáo, tòa đã áp dụng khung hình phạt thấp nhất. Có dư luận cho rằng vợ chồng bị cáo Phong nắm được “tẩy” của Thái nên giăng bẫy. Chẳng ngờ sự việc đi quá đà...

(Theo Công an TPHCM)