- “Cũng tại tui hay uống
rượu, không làm chủ được mình, để không giáo dục được con cái, nên tội ni tôi
xin chịu…” - Đó là lời trần tình của người cha già tại phiên toà.
Bi kịch từ rượu
Thú thật, khi dự phiên toà sơ thẩm tại Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam mới đây,
khi nghe chủ toạ thẩm vấn lý lịch của các bị cáo trong vụ án tôi không thể tin.
Bởi kẻ gây án là em, người bị hại là anh. Còn người cha tội nghiệp thì luôn
miệng lầm rầm bảo nỗi đau này do chính mình gây ra.
Trong phần thẩm vấn, chủ toạ phiên toà hỏi bị cáo tại sao lại đánh anh ruột của mình?
Sau vành móng ngựa, gương mặt bị cáo Trương Ngọc T. đầm đìa nước mắt trả lời rành rọt từng câu thẩm vấn vì sao bị cáo phạm tội chém anh ruột của mình.
Rất nhiều vụ án có nguồn gốc từ rượu
Không biện hộ, cũng như không một lời minh oan cho mình, bị cáo T. chỉ trả lời và đưa tay gạt nước mắt:
"Bị cáo có hai anh em, anh trai cả là Trương Ngọc Phú. Tình máu mủ, ruột rà tại sao không thương yêu nhau được.
Nhưng…thưa toà, do anh trai của bị cáo dùng cây đánh cha, bị cáo vào can ngăn. Nhưng anh bị cáo vẫn liên tục đánh cha, quá bức xúc nên bị cáo dùng rựa chém…!"
Theo hồ sơ vụ án, ông Ch. được bà con nhân dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ đoàn kết thôn của một xã ở huyện Tiên Phước.
Không hiểu tại sao khi lên làm tổ trưởng tổ đoàn kết ông Ch. lại hay la cà nhậu nhẹt say xỉn. Mỗi lần rượu vào thì lời ra, và thường to tiếng mắng vợ chửi con. Đã nhiều lần giữa ông Ch. và các con xảy ra cãi vã trong nhà mỗi khi ông Ch. say.
Mỗi khi uống rượu về nhà, ông Ch. thường lôi đứa con trai đầu là Trương Ngọc Phú ra chửi mắng.
Mỗi khi bị chửi là Phú lại đè cha mình là ông Ch. ra bóp cổ. Nhưng được bà con hàng xóm chạy đến kịp thời can ngăn. Không chịu nổi người cha nát rượu, Phú bỏ đi biệt xứ và về lại nhà sau hơn 7 năm trời đi biệt tích.
Mừng vui thấy con trở về, vào chiều ngày 3-9-2008, ông Ch. bảo vợ làm thịt gà mời hàng xóm đến uống rượu mừng con trở về. Tàn cuộc rượu, ông Ch. và Phú lại xảy ra cãi vã.
Lúc đó, Phú chửi cha thậm tệ, không chịu nổi với đứa con hư đốn, ông Ch. xông vào đánh Phú. Phú rút cây cột màn đánh lại. Người mẹ thấy vậy vào can ngăn.
Biết mình say hay chửi bậy nên ông Ch. đi ra ngõ, Phú cầm đoạn tre chạy theo đánh liên tục vào người làm ông Ch. ngã ngửa bên hàng rào.
Đúng lúc đó, T., em ruột Phú vừa đi làm về vội chạy lại đỡ ông Ch. dậy. Ông Ch. bảo T. đưa đi báo công an. Nghe cha nói vậy, Phú từ trong nhà chạy ra, nhặt một đoạn cây ném nhưng không trúng, rồi tiếp tục xông vào dùng tay đánh ông Ch.
Thấy anh đánh cha tàn nhẫn, T. can. Phú liền bỏ đi, nhưng khi T. quay vô nhà, thì Phú tiếp tục quay lại đánh ông Ch.
Thấy cha tiếp tục bị anh trai đánh, T. nổi nóng chạy vào nhà rút rựa ra đòi chém, đến lúc đó Phú mới bỏ chạy.
T. chạy ra đỡ cha dậy và đi báo công an. Trên đường đến công an xã báo cáo, thì Phú chặn đường, xông vào đánh cả cha lẫn em trai.
Sẵn rựa trên tay, T. chém Phú nhiều nhát gây thương tích. Rất may, bà con trong xóm chạy ra can ngăn và đưa Phú đi bệnh viện cấp cứu.
Nỗi đau đọng lại
Qua giám định thương tích, ông Ch. bị Phú đánh gây thương tật 2%, còn bản thân
Phú sau khi bị T. chém, giám định thương tích 24% vĩnh viễn.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với T. về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Theo hồ sơ vụ án, do Phú chỉ gây thương tích cho người cha 2%, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nên đề nghị xử lý hành chính.
Trình bày tại toà, ông Ch. nghẹn ngào nói: “Cũng tại tui hay uống rượu, không làm chủ được mình, để không giáo dục được con cái, nên tội ni tôi xin chịu…”.
Còn bên góc khuất, người mẹ già nua lưng còng chỉ biết ngồi ôm mặt khóc tức tưởi…
Gương mặt non tơ của bị cáo mặt đầm đìa nước mắt. Còn phía bên kia, nạn nhân Phú gần như vô cảm với nỗi đau của gia đình.
Phú khăng khăng đòi Toà xử đứa em trai thích đáng, đồng thời buộc phải bồi thường cho mình 2,7 triệu đồng tiền chi phí thuốc men và mất thu nhập.
Hội đồng xét xử, kể cả vị công tố viên cũng như nhiều người đến dự, tất cả đều lắc đầu thở dài ngao ngán. Nhiều người phẫn nộ trước sự vô cảm của Phú và cảm thông chia sẻ nỗi đau với bị cáo.
Cả phiên toà chùng xuống, một lúc sau vị chủ toạ phiên toà mới hỏi Phú từng câu: “Anh đánh cha mình, anh có cảm thấy tội lỗi không? Bản thân anh là người sống phụ thuộc gia đình, khi anh nằm viện, mẹ anh lo cho anh từng miếng cơm. Bây giờ anh đòi tiền của em anh, cũng là tiền của cha mẹ anh, anh có thấy bất nhẫn không?”...
Câu hỏi rành rọt của Chủ toạ phiên toà như lời buộc tội. Ấy vậy mà gương mặt Phú vẫn vô cảm không động lòng. Chủ toạ vừa dứt lời, Phú cứ một mực đòi em phải bồi thường đủ số tiền mình yêu cầu.
Khi công tố viên đề nghị phạt T. từ 6 tháng đến 12 tháng tù giam, gương mặt già nua khắc khổ của vợ chồng ông Ch. đầy nước mắt.
Toà nghị án và kết thúc bằng nhận
định: Nhân thân bị cáo tốt, phạm tội lần đầu, hành vi chém người của bị cáo
trong trạng thái tinh thần kích động mạnh. Về phía nạn nhân là người có lỗi lớn
trong vụ án này…
Toà tuyên phạt bị cáo T.một năm tù cho hưởng án treo theo khoản 1 Điều 95 BLHS.
Về mặt dân sự, bị cáo T. phải bồi thường thiệt hại 1 triệu đồng chi phí thuốc
men…cho người bị hại.
Riêng Phú, toà khẳng định: trong quá trình điều trị, gia đình chăm sóc và bản
thân Phú đang sống phụ thuộc gia đình nên không buộc T. phải bồi thường mất thu
nhập.
Phiên toà kết thúc, cả hai vợ chồng ông bà Ch. cùng hàng xóm đến dự chạy đến ôm
chầm lấy T. sau vành móng ngựa.
Còn bên kia, một mình Phú, mặt cúi gằm lẳng lặng một mình bước ra khỏi toà chẳng ai quan tâm.
Hình như đó là bản án nghiêm khắc
nhất giành cho kẻ bất hiếu…!
Vũ Trung