- Thủ tướng chủ trì họp giải quyết vụ cưỡng chế; Vì sao ông Đoàn Văn Vươn từ chối
luật sư miễn phí?; Nhận định của GĐ Sở GTVT Hà Nội về tình hình ùn tắc sau khi
đổi giờ học giờ làm… là những thông tin thời sự đáng chú ý trong ngày 3/2. THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ HỌP GIẢI QUYẾT VỤ CƯỠNG CHẾ
Để chuẩn bị cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính
phủ, các Bộ:
Tài nguyên & Môi trường, Công an, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tư
pháp theo chức năng, nhiệm vụ chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình và nội dung
vụ việc để có ý kiến tham mưu, đề xuất với Thủ tướng.
Đầm bãi của gia
đình Đoàn Văn Vươn sau cưỡng chế. Ảnh: Kiên Trung
Đồng thời,
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phải chuẩn bị báo cáo cụ thể, đầy đủ theo yêu cầu
của Thủ tướng tại văn bản số 56/VPCP-KNTN ngày 15/1/2012 của Văn phòng Chính
phủ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân
tối cao và
Hội Nông dân Việt Nam chuẩn bị ý kiến tham dự cuộc họp.
VỤ CƯỠNG CHẾ: “SAI ĐẾN ĐÂU SỬA ĐẾN ĐÓ”
Trao đổi với VietNamNet, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Hữu
Doãn cho hay, TP đã thành lập một tổ công tác kiểm tra lại vụ việc ở Tiên Lãng.
Kết quả sẽ được công khai trước công luận.
Theo ông Nguyễn Hữu Doãn, sau sự việc xảy ra tại Tiên Lãng, lãnh đạo thành phố
đã lập một tổ công tác để rà soát thủ tục giao đất, thu hồi đất, quá trình thực
hiện cưỡng chế khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đỗ
Trung Thoại làm trưởng đoàn.
"Tinh thần chỉ đạo của thành phố là thấy sai đến đâu sẽ sửa đến đó", ông Doãn
cho hay. Tổ chức, cá nhân nào, tùy theo mức độ vi phạm sẽ được xử lý thật
nghiêm.
Dự kiến, trong tuần tới tổ công tác sẽ tiến hành rà soát xong. Ngay khi có kết
luận cuối cùng, lãnh đạo thành phố sẽ tổ chức họp báo hoặc thông báo công khai
trước các cơ quan thông tấn báo chí.
Dự kiến trong tuần từ ngày 6 - 10/2, Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp với một số cơ
quan chức năng ở Trung ương và UBND TP Hải Phòng để chỉ đạo, giải quyết vụ việc
cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng.
VÌ SAO ÔNG VƯƠN TỪ CHỐI LUẬT SƯ MIỄN PHÍ?
Nhiều luật sư rất muốn vào cuộc bào chữa miễn phí cho Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên,
bị can đã từ chối và trực tiếp viết đơn gửi đến cơ quan CSĐT yêu cầu đích danh
luật sư mà mình tin tưởng.
Đơn đề nghị mời luật sư bào chữa của Đoàn Văn Vươn viết ngày 31/1/2012 được gửi
đến Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hải Phòng. Trong nội dung lá đơn này,
Đoàn Văn Vươn từ chối các luật sư bào chữa (dù miễn phí) không phải do chính
mình lựa chọn và cả luật sư bào chữa theo sự chỉ định của Tòa án.
Đoàn Văn Vươn cho biết, bị can này chỉ tin tưởng duy nhất luật sư Nguyễn Việt
Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Đông Đô, Hà Nội. Ngoài ra, ông không chấp nhận
bất cứ luật sư nào khác.
Đại tá Đỗ Hữu Ca – GĐ Công an TP Hải Phòng thẳng thắn: “Một số luật sư vào cuộc
bào chữa miễn phí cho Đoàn Văn Vươn chỉ nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi của
mình”.
“ĐỔI GIỜ ĐÃ LÀM GIẢM ÙN TẮC ĐÁNG KỂ”
Sau một ngày thực hiện đổi giờ học, giờ làm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở
GTVT Hà Nội đánh giá: “Tình hình giao thông đi lại trên các tuyến đường của
thành phố được cải thiện, trên một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc có
đông nhưng không tắc nghẽn, mật độ giao thông trong giờ cao điểm đã giảm đáng
kể”.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, trên một số tuyến đường trọng điểm, hệ thống chiếu
sáng chưa điều chỉnh cho phù hợp với thời gian sinh hoạt của một số đối tượng
thuộc diện điều chỉnh như học sinh, sinh viên, cũng như điều kiện thời tiết mùa
đông tại miền Bắc.
Điều này dẫn đến việc gây ảnh
hưởng tới khả năng điều khiển giao thông trong khoảng thời gian buổi sáng từ 5h
- 6h và buổi chiều từ 18h - 19h.
SẼ KHÔNG “NHỐT” HỌC SINH ĐẾN 19H
Trao đổi với VietNamNet sáng 3/2, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống
cho hay cơ quan quản lý này đã nhận được nhiều kiến nghị nên kết thúc giờ học
cho học sinh THPT vào 18h (thay vì 19h như đang thực thi lịch đổi giờ học hiện
nay).
Về ý kiến đánh giá của GĐ Sở GTVT Hà Nội cho rằng Hà Nội đã giảm ùn tắc sau một
ngày đổi giờ học giờ làm, ông Thống nói: “Sau một ngày mà cho rằng đã tốt tôi
cho là hơi vội vàng. Theo truyền thống, phải hết tháng Giêng lực lượng lao động
nhập cư mới trở về thủ đô làm việc ổn định. Học sinh, sinh viên thường phải sau
ngày 15 âm lịch mới lên trường học”.
ĐƯA CON ĐI DẠO TRONG GIÁ RÉT ĐỂ CHỜ VÀO HỌC
Việc đổi giờ học đang thực sự là trở ngại của những gia đình có từ 2 con trở
lên. Do các cấp học khác nhau, giờ học cũng khác nhau nên việc đưa đón con cái
của người dân bỗng phát sinh nhiều chuyện bi hài.
Sau khi đổi giờ học, chị Thoa (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết cả 3 mẹ
con đều bị chậm 30 phút, nhất là cô con gái được vào trường lúc 8h nên sau khi
đưa con trai vào lớp (lúc 7h45), chị Thoa đành đèo con gái “đi dạo hóng gió”
lòng vòng 15 phút (giữa trời giá lạnh) để đợi trường mầm non mở cửa nhận trò.
Từ những bất cập của việc đổi giờ học giờ làm, đã có những dịch vụ mới ra đời
như thuê người đưa đón con, thuê xe ôm để con đi học, vv…
NÁO LOẠN VÌ CHÁY CHUNG CƯ CAO TẦNG
Vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 4h15 sáng 3/2 tại khu nhà B, chung cư M3-M4 Nguyễn Chí
Thanh (91 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội).
Đám cháy xảy ra vào sáng sớm khi các hộ dân đang ngủ gây nên sự bất ngờ và hoảng
sợ cho nhiều người.
Một nhân viên bảo vệ ứng trực tại thời điểm xảy ra vụ cháy kể: anh đang làm
nhiệm vụ ở tầng đế 2 của tòa nhà thì phát hiện mùi khét, khói lửa bốc lên nghi
ngút tại khu kỹ thuật điện.
Ngay lập tức, anh này cùng các bảo vệ khác dùng bình bọt cứu hỏa chữa cháy.
Nhận được tin báo, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã điều động 5 xe chữa cháy, xe
chuyên dụng của các Phòng: Cảnh sát PCCC Đống Đa, Hoàn Kiếm đến hiện trường,
phối hợp với lực lượng CAQ Đống Đa, Phòng CSGT Hà Nội… để khống chế ngọn lửa.
HÀ NỘI CÓ THÊM 2 CẦU VƯỢT QUA ĐƯỜNG LÁNG
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP. Hà Nội xem
xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp thuộc
các dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Lê Văn Lương - đường Láng
và đường Nguyễn Chí Thanh - đường Láng theo đúng quy định hiện hành.
Theo thiết kế, cầu vượt tại nút giao đường Lê Văn Lương - đường Láng có quy mô
dự kiến: Nút trục thông với cầu vượt theo hướng đường Lê Văn Lương - Láng Hạ cho
2 làn xe ô tô đi 2 chiều; chiều dài cầu 281m; mặt cắt ngang cầu 12m.
Dự án này có tổng kinh phí dự kiến gần 228 tỷ đồng, thi công hoàn thành trong
năm 2012.
Với dự án cầu vượt tại nút giao đường Nguyễn Chí Thanh - đường Láng có quy mô
xây dựng: Nút giao với cầu vượt trục thông theo hướng Nguyễn Chí Thanh - Trần
Duy Hưng cho 4 làn xe đi 2 chiều, chiều dài cầu là 281m, mặt cắt ngang rộng 16m.
Dự kiến tổng mức đầu tư là hơn 363 tỷ đồng.
CHA MẸ GIÀ BỊ CON ĐẨY RA KHỎI NHÀ
Cặp vợ chồng già 8 năm nay bị con cái đẩy ra đường trong câu chuyện trên là cụ
Nguyễn Văn Quý (84 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Chén (82 tuổi), trú tại xã Đồng Quang,
huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Theo báo Pháp luật & Thời đại, ông Quý và bà Chén quen nhau cách đây 60 năm
trong một lần đi làm thuê ở miền sơn cước, rồi nên duyên vợ chồng. Họ lập nghiệp
từ đôi bàn tay trắng, rồi bảy đứa con, gồm ba trai, bốn gái lần lượt chào đời
trong cảnh khốn khó.
Để kiếm miếng cơm manh áo nuôi con, ông phải đi làm thuê làm mướn, còn bà thì
“bán mặt cho đất bán lưng cho trời” trên mấy thửa ruộng.
Mặc dù vậy, ông bà vẫn lo cho ba người con trai mỗi anh một dinh cơ khi lấy vợ.
Thậm chí, khi người con trai thứ ba của ông bà lấy vợ xây nhà, anh này xui ông
bà bán đất ở vùng kinh tế mới để lấy tiền xây nhà cho mình, ông bà cũng nghe
theo.
HÀNG NGÀN CÂY TRÀM BỊ THIÊU RỤI
Hàng ngàn cây cừ tràm chất cao như núi trước cửa hàng VLXD Đức Thịnh số 73 QL1A
(P. Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đột ngột cháy dữ dội vào trưa ngày
3/2.
Khói, lửa từ bên dưới “núi” cừ tràm bốc lên, bao trùm cả khu vực rộng lớn, làm
hoảng loạn nhiều người đang lưu thông trên đường. Hàng chục thanh niên đang chất
cừ tràm lên một xe tải gần đó đã tháo chạy. Ngọn lửa đe dọa chiếc xe và số cừ
tràm trên xe.
TÀU HỎA LẠI ĐÂM CHẾT NGƯỜI
Bất cẩn lúc đi qua đường sắt dân sinh, một nam thanh niên tại huyện Diễn Châu,
(Nghệ An) bị tàu hoả cán chết.
Vào lúc 6h sáng ngày 3/2 tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu (Nghệ An), tàu
thống nhất Bắc - Nam, mang số hiệu TN11 hành trình hướng Hà Nội - TP Hồ Chí
Minh, đi qua đường ngang dân sinh Km 267+500, địa bàn xã Diễn Trường thì đâm
phải một nam thanh niên đang đi bộ qua.
Cú đâm trực diện đã khiến nam thanh niên tử vong tại chỗ.
Cùng trong sáng 3/2, tại Ga Bắc Hồng, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã
xảy ra vụ tai nạn do xe ô tô 16 chỗ đâm vào tàu từ Lào Cai về vì nhân viên gác
chắn ga ngủ quên không hạ chắn để cảnh báo. Vụ tai nạn khiến tài xế lái xe ô tô
chết ngay tại chỗ, 5 người khác ngồi trên xe bị thương nặng phải đưa vào bệnh
viện.
HÀ NỘI: 1 PHỤ NỮ CHÂM LỬA TỰ THIÊU
Vụ việc xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng hôm nay (ngày 3/2), nạn nhân là chị N.T.V.
(40 tuổi) trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vào thời điểm trên, sau khi nghe thấy
tiếng kêu thất thanh phát ra từ nhà chị V., những người dân tại khu vực đã hoảng
hồn khi chứng kiến cảnh chị V. bốc cháy, quằn quại trong đám lửa.
Chồng nạn nhân phát hiện ra vợ châm lửa tự thiêu nên lao vào cứu nhưng bị người
vợ ôm chặt để cả hai cùng chết. Người chồng đã phải đẩy mạnh ra để thoát thân
nên chỉ bỏng nhẹ cánh tay.
Sau khi dập tắt ngọn lửa, chị V. được đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cấp
cứu trong tình trạng bỏng sâu với khoảng 80 - 90% diện tích cơ thể. Mặt mũi, đầu
tóc…của nạn nhân đều bị cháy đen.
Ngọc Anh (Tổng hợp)