- Đến hẹn lại lên, cứ đến Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) hàng trăm ngôi chùa tại TP.HCM lại đông nghẹt người dân, phật tử tìm đến dâng lễ cầu an, cầu tài lộc trong năm mới.
 
Nô nức đến chùa… 

Khoảng 4 giờ chiều ngày 5/2 (tức 14/1 âm lịch), đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM) tấp nập xe cộ qua lại, hàng ngàn người dân bắt đầu đổ về chùa Vĩnh Nghiêm để dâng hương cầu phúc. Người lụp xụp khấn vái, người khệ nệ mang đèn hoa, quả bánh thắp hương nơi chính điện. Nhiều cặp mắt đỏ hoe vì khói hương.

Tín đồ nô nức lên chùa Vĩnh Nghiêm dâng hương.
 

Bà Hoàng Thị Nhụy (65 tuổi, ngụ quận 3) đến chùa từ rất sớm, đang sắp hoa, quả để khấn bái nói : “Năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng Giêng là tôi lên chùa dâng lễ. “Trẻ vui nhà, già vui chùa” mà chị…Tôi đi lễ cầu cho tuổi già được khỏe mạnh, con cháu bình an, làm ăn phát tài”.

Từ bên ngoài chùa Vĩnh Nghiêm đã nghi ngút khói hương
Tại chùa Hòa Khánh (đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh), hàng ngàn ngọn đèn nến đã được Phật tử thắp lên nhờ nhà chùa cúng sao, giải hạn. Chị Nguyễn Thị Nhàn (26 tuổi, ngụ Gò Vấp) cho biết: “Năm nay, nghe mấy người bạn cùng tuổi nói có hạn, phải cúng sao nhưng em không biết làm thế nào, lên đây thấy nhà chùa có cúng sao giải hạn giúp nên em hỏi mua đèn nến, ghi tên giải hạn. Không biết đúng sai thế nào nhưng thấy nhẹ nhàng, yên tâm hơn”.
 
Chùa Hòa Khánh cúng sao cho tín đồ, Phật tử
Hơn 20 giờ, chùa Vạn Đức (đường Tô Ngọc Vân, Q.Thủ Đức) vẫn tấp nập khách thập phương. Trong chánh điện, cả trăm Phật tử quỳ gối xì xụp khấn vái, tụng kinh cầu phúc. Không chỉ tuổi già mới lên chùa cầu an, cầu phúc mà nhiều cặp tình nhân, những gia đình trẻ cũng đưa nhau lên chùa dâng lễ.

Bạn Vân Anh (24 tuổi, ngụ Thủ Đức) đi cùng bạn trai chia sẻ: “Em lên chùa để cầu bình yên, may mắn nhưng cũng là để ngắm cảnh chùa đèn hoa lộng lẫy, hiếm thấy trong năm. Tới cửa Phật, chúng em cũng ý thức, chín chắn hơn trong chuyện tình cảm...”.

Dịch vụ “ăn theo” bùng phát    

Khách đến chùa ngày càng đông, dịch vụ “ăn theo” như bán nhang đèn, sách tử vi, tướng số, trông giữ xe cũng bùng phát, loạn giá và “chặt đẹp” khách thập phương..  

Trước khu vực tiền sảnh chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Vạn Đức, khách vừa bước tới cổng chùa là hàng loạt người bán hàng đã đổ xô tới mời mua nhang, cành vàng lá ngọc…Đội quân bán sách tử vi ở chùa Vĩnh Nghiêm thậm chí còn tràn ra cầu, đường Nguyễn Văn Trỗi để “đón lõng” khách…

“Bà đồ” nắn nót từng nét chữ
    
“Thường giờ này (5 giờ chiều), khách còn đi thắp hương nên chưa mua nhiều nhưng khoảng 8, 9 giờ tối thì đông lắm, có người mua vài tờ, người mua cả chục tờ dự đoán về vận niên của các thành viên trong trong gia đình nên có khi “cháy hàng” không còn tờ nào để bán” – một phụ nữ ngồi  bán sổ tử vi tại chùa Vĩnh Nghiêm cho biết. 

Do người đến dâng hương, lễ Phật quá đông nên dù nhiều chùa dành khoảng diện tích khá lớn cho bãi giữ xe nhưng vẫn bị quá tải. Một số hộ dân xung quanh chùa đã chớp cơ hội, giăng biển trên vỉa hè, giữ xe với giá “chặt, chém”.

Chùa Vạn Đức quá tải không còn chỗ để xe

Tại chùa Vĩnh Nghiêm, giá giữ xe máy trung bình là 5.000 đồng/lượt, bên ngoài khách có thể phải trả tới từ 10 – 15.000 đồng/ lượt. Tại tại khu vực chùa Vạn Đức, mức giá cũng “trên trời”, thấp nhất là 10.000 đồng/lượt, cao là 20.000 đồng/lượt…Thậm chí, giá bơm hơi cũng tăng từ 1.000 đồng ngày thường lên 4.000 đồng trong ngày lễ…

Dịch vụ giữ xe “cắt cổ” ngoài lề đường
 

Ngoài việc buôn bán, chùa Vĩnh Nghiêm còn có một “bà đồ” ngồi nắn nót từng dòng thư pháp theo yêu cầu của khách. Mặc dù giá viết từ 20.000 đồng/tờ cho đến cả trăm ngàn đồng nhưng thật lạ nhiều người vẫn chăm chú ngắm từng nét bút, hồi hộp chờ đến lúc được cầm những câu đối chưa ráo mực, gửi gắm tâm tư.. 

M.Phượng