- Tai nạn giao thông đường sắt đã trở thành tiêu điểm khắp cả nước từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đáng báo động này chính là việc xuất hiện quá nhiều đường bộ dân sinh cắt ngang đường tàu.
Thực trạng này cũng không ngoại lệ đối với đoạn đường sắt đi qua địa phận thành phố Đà Nẵng từ nhiều năm qua và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Mỗi ngày có hàng ngàn lượt người và xe băng qua đường sắt trên những con đường dân sinh tự mở. |
Đoạn đường sắt đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng dài khoảng 20 km, được phân chia làm 3 khu vực gồm đoạn Ngã ba Huế - ga Đà Nẵng (3 km), Ngã ba Huế - Cầu vượt Hòa Cầm (6 km) và Ngã ba Huế - Liên Chiểu (10 km).
Cả 3 đoạn đường sắt này đều đi qua khu vực dân cư sinh sống đông đúc. Một số nút giao thông như Ngã ba Huế, đường Dũng sĩ Thanh Khê… cũng thường xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài mỗi khi phải chờ tàu đi qua, nhất là thời điểm tan tầm.
Theo Công ty TNHH Một thành viên Quản lí đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng, hiện có 31 đường ngang dân sinh được phép mở đi qua đường sắt tại các khu vực trên.
Tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn khác, ngoài những tuyến đường ngang được trang bị dàn (hoặc cần) chắn và nhân viên túc trực ngày đêm, còn có hàng trăm đường ngang dân sinh bất hợp pháp.
Cái lí của người dân
Đoạn đường sắt từ Ngã ba Huế - Cầu vượt Hòa Cầm dài 7 km chỉ được phép mở 3 đường ngang dân sinh, nhưng trên thực tế có đến 13 con đường cắt ngang khu vực này.
Bên cạnh đó, còn có hàng
chục “lối mòn” cắt ngang chỉ dành cho người đi bộ. Sẽ rất nguy hiểm nếu người
dân thiếu quan sát, cảnh giác.
Băng qua đường sắt trên những con đường dân sinh tự mở |
Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này thì phần lớn người dân đều gạt sang một bên, thậm chí khẳng định tính hợp pháp của những “lối mòn” này.
Chị Thanh, chủ cửa hàng bán thuốc tây trên đường Trường Chinh, nơi có đường sắt đi qua trước nhà một mực khẳng định: “Con đường này (cắt ngang đường sắt – PV) đã có hàng chục năm nay nên không thể xóa bỏ được. Hơn nữa nếu xóa bỏ thì chúng tôi làm sao mà kinh doanh, khách hàng không có đường nào vào mà mua thuốc cả?”.
Trên thực tế, nhằm mục đích xóa bỏ các con đường băng ngang đường sắt, lực lượng chức năng đã và đang tiến hành mở các con đường gom chạy song song với đường sắt dẫn ra tới đoạn đường ngang hợp pháp.
Tuy nhiên, phương pháp “gần nhà xa ngõ” này không nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân bởi sự bất tiện trong đi lại.
“Đường hẹp, xe đông nên đi lại rất dễ đụng nhau. Hơn nữa khi đi tới đoạn đường ngang có gắc chắn là lao ra đường một chiều nên lại phải chạy thêm một đoạn dài nữa, trong khi chỗ mình cần đến lại ở bên kia đường tàu”, anh Thạnh, một hộ dân sống trên đường Trường Chinh cho biết.
Tại khu vực phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, nơi có 8 con đường dân sinh bất hợp pháp tồn tại lâu nay, tình trạng trên cũng xảy ra tương tự.
Nhìn đoạn đường dân sinh tự phát băng qua đường tàu, bác Xuân, người bán bún cạnh đường tàu suốt 17 năm qua hờ hững: để vậy đi lại cho tiện, lâu nay có thấy ai bị gì đâu!
Theo thống kê, tại thành phố Đà Nẵng hiện có 44 đường ngang dân sinh bất hợp pháp cắt ngang đường sắt, trong đó tập trung nhiều nhất tại 3 quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Cẩm Lệ.
Tuy nhiên, trên thực tế, con số này còn lớn hơn rất nhiều. Hình ảnh người dân chui qua các tấm ta – luy chắn đường hay bắc các tấm ván gỗ sơ sài để băng qua đường sắt không còn khá xa lạ đối với những người dân sống quanh khu vực đường sắt.
Thậm chí, nó còn được xem như một điều tất yếu trong nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân. Thiếu nó sẽ rất bất tiện!
Có dẹp bỏ được không?
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, Phó
giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lí đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng, tình
trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang đường sắt cũng như tự ý mở các con
đường dân sinh băng ngang bất hợp pháp đã trở nên phổ biến trên khắp cả nước,
đặc biệt là tại những đô thị đang phát triển như Đà Nẵng.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra vào ngày 3/2 tại Đà Nẵng |
Theo ông Sơn, hiện nay tại những điểm nóng về TNGT đều được gắn biển cảnh báo, đồng thời công tác tuyên truyền cũng được triển khai phổ biến tại những khu vực dân cư sống xung quanh đường tàu.
Nói về những hậu quả của các tuyến đường ngang bất hợp pháp, ông Sơn khẳng định: phải kiên quyết dẹp bỏ tình trạng này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và giao thông được sắt!
Phương án khả dụng đã và đang được triển khai hiện nay đó chính là mở các tuyến đường gom chạy song song với đường sắt trên cơ sở thực hiện Quyết định số 1856 QĐ – TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hàng lang an toàn đường bộ, đường sắt.
Theo đó, cứ khoảng 1 km đường gom sẽ dẫn ra đường ngang hợp pháp.
Tuy nhiên, một vấn đề khá khó khăn hiện nay đó chính là công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt đối với những trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường sắt.
“Lực lượng chuyên trách trong lĩnh vực này hiện nay còn quá mỏng. Hơn nữa rất khó xử phạt những trường hợp vi phạm vì một con đường mở ra để hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đi qua, không thể phạt được tất cả”, ông Sơn cho biết thêm.
Như vậy, khi sự tồn tại của các đường ngang bất hợp pháp đang dần khẳng định tính…hợp lí của mình và cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự mạnh tay ra quân xóa bỏ, xử lí, việc giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt có lẽ cần nhiều ở ý thức người dân khi tham gia giao thông?
Phan Chung