- Ở nơi được xem là chốn linh thiêng, có một tập tục kỳ quái đang diễn ra. Những người già thay phiên nhau chích máu chảy ròng ròng trên cơ thể, những khuôn mặt trẻ thơ méo xệch vì đau…

Vượt qua những khúc cua cùi chỏ có thể khiến xe máy “rớt đài” nếu “nài xe” sơ sẩy, chúng tôi có mặt tại đỉnh núi Sam.

Thực - thiêng tương phản

Theo tương truyền, cách đây khoảng 200 năm, người dân địa phương phát hiện tượng Bà chúa Xứ trên đỉnh núi Sam.

Thông qua miệng “cô đồng”, người dân đã tập hợp 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng bà xuống núi đặt ở vị trí hiện nay.

Cũng theo lời kể của nhiều người địa phương, ngay sau khi Thoại Ngọc Hầu- danh tướng lẫy lừng của triều Nguyễn về nhận chức Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh và hoàn tất ông trình kênh Vĩnh Tế, ông và vợ là bà Châu Thị Tế đã huy động tiền tài vật lực dựng Miếu Bà.

Sau khi Thoại Ngọc Hầu lễ bái vía Bà, cả vùng xung quanh núi Sam từ đó quanh năm no ấm, khác với thời kỳ xưa cực nhọc đói nghèo.

Bắt đầu từ đó, Miếu bà chúa Xứ được lưu truyền sự linh thiêng và nổi tiếng khắp Tây Nam Bộ. Hiện nay, Miếu Bà đã được Bộ văn hoá Thể thao du lịch chứng nhận là di tích cấp quốc gia.

Tuy nhiên, với quan niệm về nguồn của người Việt Nam, hiện khu vực đỉnh núi còn một bệ đá tương truyền là nơi xưa kia đặt tượng Bà vẫn thu hút hàng ngàn người thăm viếng.

Kể từ sau tết Nguyên đán, khu vực này trở nên đông đúc, lộn xộn và bát nháo chẳng khác nào chợ tạm.

Trò chơi trúng thưởng bày ngay sát bệ đá tương truyền là nơi từng đặt tượng Bà chùa Xứ

Cách bệ đá Bà chúa Xứ ngự khoảng hơn chục mét là một trò chơi có thưởng theo kiểu lô-tô. Một cửa hàng bán nước giải khát tạm bợ ngay trước Miếu Bà tạo điều kiện cho du khách xả rác bừa bãi. Bình đựng nước, túi nylon treo đầy trên một rào lưới B40 cũ kỹ...

Lâu lâu những tiếng chửi thề từ nhóm xe ôm đợi khách cách đó một đoạn lại vang lên khiến khách hành hương vô cùng chán ngán.

Đáng nói là, một nhóm hơn chục người không rõ từ đâu đến đã bắt đầu những màn hành xác đầy kinh dị và mất vệ sinh. Dưới chân họ, những miếng giấy thấm máu loang lổ rơi la liệt.

Màn hành xác kinh dị

Người đàn ông đội đón phớt màu hồng nhạt tay cầm kim, loại dùng để may vá quần áo nói với một cô gái khoảng 28 tuổi: “Đứng thẳng lên đi”. Cô gái vừa đứng dậy vừa kéo ống quần đến quá đầu gối để lộ những đường gân xanh.

Giữa những tiếng lầm rầm của mọi người xung quanh, người đàn ông tiếp tục “ngón nghề”, sử dụng đầu ngón tay trỏ miết xung quanh những đường gân phía sau đầu gối cô gái như kiểu con nghiện lên cơn “vật” đang cần mẫn “đập ven” chích thuốc.

Sau một hồi thăm dò, người đàn ông bỏ kim lên miệng ngậm, 2 tay chuyển sang bóp nặn một khoảng da nhỏ cho đến khi bầm tím lại.

Cô gái quay xuống hỏi: “Được không”, người đàn ông gật đầu ra vẻ khả quan rồi bắt đầu nhả kim trên miệng ra, dán mắt vào chỗ bầm tím rồi chích.

Một đứa trẻ được mẹ đưa xuống hầm công sự dưới ụ pháo để tránh những tiếng chửi thề và cảnh hành xác máu me.

Sau những cái gẩy kim đầy điêu luyện, máu đen, máu đỏ từ chỗ bầm tím bắt đầu chảy ra ròng ròng như cảnh quay trong phim kinh dị. Hàng chục khách hành hương bị trở thành khán giả bất đắc dĩ trước màn lấy máu nơi công cộng này.

Có người thấy kinh khủng quá phải lấy tay che miệng vì sợ nôn thốc nôn tháo ngay tại chỗ. Cô gái sau khoảng nửa giờ để người đàn ông chích vào chân, tay, lưng, cổ mặt bắt đầu tái nhợt, chân bước đi không vững.

Một phụ nữ trạc 50 tuổi có vẻ là mẹ cô bước đến dìu con gái ra vòi nước ngay sát bệ đá nơi trước kia tượng Bà chúa Xứ ngự để gội đầu. Nước chảy xuống cổ khiến cô gái đau quá bắt đầu khóc la thảm thiết.

“Không sao đâu Linh (tên cô gái- PV), máu độc mà, năm nay mày sẽ khoẻ”, người mẹ dỗ dành con như thế trong khi nhóm người đợi đến lượt mình chích máu đã bắt đầu xôn xao khi người đàn ông ban nãy chuẩn bị chích máu cho một đứa bé trai chừng 10 tuổi.

Vẫn cây kim ban đầu và những động tác cũ, người đàn ông khiến mặt thằng bé méo xệch vì đau không còn những nụ cười gượng gạo ban đầu. Trong những tiếng thở dài của khách hành hương, một tài xế xe ôm ngao ngán lên tiếng: “Nếu lỡ có ai trong nhóm này bị HIV, chắc chắn sau này sẽ có đám ma tập thể”.

Một bà cụ đang được 2 người đàn ông lấy máu, phía dưới giấy thấm máu vứt la liệt.

Có mặt chứng kiến màn hành xác từ đầu đến cuối, anh Đinh Văn Nam, một chủ doanh nghiệp từng đi dâng lễ ở rất nhiều chùa, miếu tỏ vẻ am hiểu: “Tôi đã từng thấy vài dân tộc thiểu số còn lưu lại tục lệ chích lể máu vì theo họ đó là máu độc sau khi chích ra đấng linh thiêng sẽ ban cho sức khỏe mới.

Họ lưu truyền và thực hiện tục lệ này vào các ngày lễ lớn của dòng họ, cả trẻ con cũng không ngoại lệ. Nhưng sử dụng kim chung và chích máu nhiều thế này thì đúng là hủ tục nguy hiểm cần dẹp bỏ”.

Hơn chục người đứng xung quanh chờ đến lượt mình trong đó nhiều người được chích máu ra từ chung 1 cây kim may vá.

 

Cuộc hành xác tập thể kéo dài hơn 2 giờ, đã có hơn chục người chích máu nhưng vẫn chưa dừng lại. Trời nhá nhem tối, đoàn khách hành hương của chúng tôi xuống núi. Phía sau lưng, những tiếng khóc già trẻ còn tiếp tục vang lên.

Minh Dũng