- Cuộc họp về kế hoạch thay đổi giờ học, giờ làm tại TP.HCM vừa diễn ra trong khi tại Hà Nội, biện pháp này đang gặp các phản ứng khác nhau. Sở LĐ-TB&XH của thành phố được giao vai trò tham mưu.

Sáng nay, 8/2, ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch lệch ca lệch giờ với sự tham gia của hầu hết các sở ngành liên quan.

Theo ông Xê, TP.HCM đã từng triển khai việc đổi giờ học, giờ làm, nhưng chưa triển khai đồng bộ đến mọi đơn vị hành chính sự nghiệp. Tại một số trường học, cách làm này đã cho kết quả khả quan.

TP.HCM cho rằng lệch ca, lệch giờ không phải biện pháp căn cơ kéo giảm ùn tắc giao thông ngay lập tức.

Giải pháp đổi giờ học, giờ làm được TP.HCM nghiên cứu từ năm 2001, thời điểm mật độ giao thông bắt đầu có phát sinh tiêu cực. Năm 2007, UBND TP.HCM đã cho phép thực hiện thí điểm “lệch giờ, lệch ca” nhưng kế hoạch này không đạt hiệu quả.

Đến năm 2009, biện pháp này một lần nữa được phía thành phố nhắc đến.Nhưng theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, kết quả thu được vẫn là "không cao".

Tiếp đến tháng 11/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG đã yêu cầu TP.HCM phải hoàn tất phương án đổi giờ học giờ làm trước ngày 20 cùng tháng.

Theo phương án mà TP.HCM trình lên, thành phố sẽ chia làm 3 nhóm điều chỉnh, gồm nhóm học sinh các trường mầm non, tiểu học và THCS; nhóm các trường THPT, các trường ĐH, CĐ và nhóm cán bộ công nhân viên, người lao động.

Tuy nhiên, biện pháp này được các chuyên gia và lãnh đạo thành phố khẳng định không phải là biện pháp căn cơ, duy nhất và tác động ngay tức thời mà cần thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp khác mới mong kéo giảm ùn tắc giao thông.


TP.HCM sẽ thận trọng hơn


Là đơn vị giữ vai trò quan trọng và sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu giải pháp lệch ca, lệch giờ đi vào thực hiện, ông Nguyễn Văn Gia Thụy, chuyên viên Sở GD-ĐT nói: “Nếu lùi thời điểm tan học như đã từng thí điểm, tôi thấy có nhiều trường hợp học sinh đi lang thang trong sân trường để chờ phụ huynh đến đón”.

Điều chỉnh giờ học ở TP.HCM có gặp những phát sinh phức tạp như Hà Nội đang thực hiện?

Ông Thụy cho rằng, hiện rất nhiều điểm ùn tắc có nguyên nhân do điểm trường chứ không phải do giờ học. Bên cạnh đó, điều dễ nhận thấy là nhiều phụ huynh khi đợi đón con em do không có chỗ đậu xe nên đã tràn xuống lòng lề đường khiến giao thông trên tuyến đường đó ùn tắc.

Đại diện của Khu chế xuất- Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), ông Hồ Xuân Lâm khi được hỏi về giải pháp đối với nhóm đối tượng công nhân đã thẳng thắn: Giờ làm của công nhân rõ ràng không cần điều chỉnh vì doanh nghiệp đã căn cứ vào quá trình kinh doanh mà đề ra. Công nhân không chỉ đi làm theo ca mà còn tăng ca nữa”.

Ông Lâm đề xuất, nên điều chỉnh giờ làm của nhóm cán bộ công nhân viên, người lao động sao cho phù hợp với nhóm học sinh các trường mầm non, tiểu học và THCS. Riêng nhóm học sinh THPT, CĐ và ĐH có thể điều chỉnh giờ vào học và tan học trễ hơn. Nếu khả quan, có thể lùi lại 1 giờ so với hiện tại.

Đại diện Sở Nội vụ đề nghị bên cạnh các phương án, thành phố cần có văn bản chỉ đạo, quy định trách nhiệm của các đơn vị liên quan ở các quận huyện mới có thể thực hiện đồng bộ tránh trường hợp thực hiện không đến nơi đến chốn.

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện có 114 điểm có nguy cơ ùn tắc tại TP.HCM trong đó không ít nơi thuộc về các cụm trường học, bệnh viện, siêu thị… sầm uất và có vai trò rất mật thiết với đời sống người dân, nếu không thận trọng sẽ gây ra nhiều xáo trộn.

Chuyên viên Sở Tư pháp, Nguyễn Hà Kim Thông đề xuất: “Chỉ nên thực hiện lệch ca, lệch giờ trong phạm vi các quận nội thành có kẹt xe nhiều”.

Các ý kiến tại cuộc họp tại Sở LĐ-TB&XH sáng nay hầu hết đều tỏ ra thận trọng; có lẽ do ảnh hưởng thông tin việc điều chỉnh giờ học, giờ làm tại TP Hà Nội đang diễn phức tạp và có ý kiến nhiều chiều.

Theo ý kiến của đơn vị tham mưu, phương pháp đổi giờ học giờ làm sẽ tiếp tục được xem xét, phân tích các khó khăn, thuận lợi khi áp dụng vào thực tế, sau đó mới hoàn tất trình HĐND TP vào tháng 6 năm nay.

Phương án thay đổi giờ học TP.HCM đã trình chính phủ:
TP.HCM đã đề xuất điều chỉnh giờ học của 3 nhóm đối tượng tiểu học, THCS, THPT muộn hơn 15phút so với quy định giờ ra vào hiện tại. Về phương án lệch giờ học, chỉ có học sinh các trường tiểu học và THCS được điều chỉnh giờ vào học và giờ ra về muộn hơn 15 phút so với hiện tại. Theo đó, bậc tiểu học buổi sáng không điều chỉnh, buổi chiều bắt đầu vào học từ 13h15 và ra về lúc 16h45. Học sinh các trường THCS vào học buổi sáng lúc 7h15 và ra về lúc 11h30, buổi chiều từ 13h15 đến 17h15.

Quốc Quang