- "Chúng tôi sẽ theo dõi phiên họp ngày mai của Thủ tướng. Tôi tin, là người đứng đầu Chính phủ sẽ có những quyết sách đúng đắn. Chồng tôi sai, đương nhiên phải chịu tội trước pháp luật. Nhưng...".
Rất nhiều người dân nơi đây trông chờ vào cuộc họp này. Dường như, với họ, chuyện của anh Vươn không còn là việc riêng của gia đình này nữa, mà là chuyện thời sự của cả làng, cả xã, cả huyện.
Nhiều người kỳ vọng rằng, sau cuộc họp này, những cá nhân, tập thể sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Đứng bên ngôi nhà tan hoang, lổn nhổn gạch đá, chị Nguyễn Thị Thương (vợ Đoàn Văn Vươn) nước mắt ngắn dài: Từ ngày anh ấy bị bắt, chẳng đêm nào tôi ngủ ngon giấc. Phần vì thương anh trong cơn bĩ cực đã làm liều, giờ phải bắt vào nhà giam; phần vì giận cuộc đời này đã đẩy anh vào đường lao lý.
Chị Thương bên ngôi nhà bị phá |
Chị Thương bảo, Vươn hiền lắm, hiền như cục đất ấy. Trong làng, ngoài ngõ, dường như chẳng bao giờ mất lòng ai. Vậy mà, cuối cùng, cái “cục đất” ấy bồng dưng cầm mìn, cầm súng hoa cải để chống lại lực lượng cưỡng chế.
Nhiều người nghe câu chuyện của Vươn, bảo rằng: nếu như Vươn vẫn cứ mãi là “cục đất”, cứ mãi là người nông dân cam chịu với số phận của mình thì đã không xảy ra kết cục như thế.
Nhưng, Vươn không làm thế, Vươn đã vươn lên!
Rút cuộc, Đoàn Văn Vươn bị bắt, bị khởi tố với tội danh giết người. Vợ Vươn cũng bị khởi tố về tội chồng người thi hành công vụ.
Cả nhà vào vòng lao lý. Cái đầm tôm nuôi sống gia đình bị “kẻ lạ mặt” vơ vét hết. Ngôi nhà để vợ con Vươn chui ra, chui vào cũng bị phá nát.
Từ ngày Đoàn Văn Vươn bị bắt, chị Thương chỉ mới một lần được gặp mặt chồng. Hai vợ chồng chỉ kịp ôm nhau, nước mắt ngắn dài. Bị can Vươn đã ôm đôi vai gầy của vợ và động viên: Em cố gắng ở nhà lo cho con ăn học tử tế. Anh tin, ông trời sẽ có mắt.
Vừa dứt lời, Đoàn Văn Vươn đã bị đưa trở lại phòng tạm giam. Chị Thương thẫn thờ trở về nhà, nước mắt ngắn dài.
Chồng bị bắt, nhà bị san phẳng, chị phải sống tá túc nay đây mai đó. Đêm giao thừa năm 2011, nhìn những gia đình hàng xóm quay quần bên nhau đầm ấm, chị thương chồng mình.
Lần đầu tiên, chị đón một cái Tết không có chồng bên cạnh; lần đầu tiên, các con của chị phải sống xa cha. Chị khóc, không phải cho cái thân phận hẩm hiu của mình mà là vì thương chồng.
Đêm giao thừa, không biết chồng mình sẽ đón Tết như thế nào khi bốn bên là bức tường giam.
Chị Thương kể rằng, kể từ khi lấy chồng đến nay, chị đã đón 3 cái Tết trong nước mắt. Lần đầu là vào năm 1996, khi toàn bộ đê bao quanh đầm bị vỡ, bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền bạc của gia đình tích góp trong mấy năm bỗng dưng đổ ra sông ra biển.
Lần thứ 2 là vào năm 2001, khi chị mất đi đứa con gái mới 8 tuổi.
Và lần thứ 3 là Tết 2011, khi chồng bị bắt, nhà cửa bị đập phá.
Niềm tin
Cả ngày 9/2, rất nhiều người dân đã đến khu vực đầm tôm để chia vui cùng chị Thương. Rút cuộc thì ban đầu 'những người liên quan' đã bị kỷ luật và đình chỉ công tác.
Chị như trút được gánh nặng từ bấy lâu nay. Dù chưa hài lòng với quyết định của Thành ủy Hải Phòng, nhưng chị vẫn tin, một niềm tin vững chãi, rằng: ngày mai, những cán bộ vi phạm - kẻ đã đẩy chồng chị vào vòng lao lý sẽ chịu sự trừng trị của pháp luật.
“Đêm nay, chắc hẳn cả nhà tôi sẽ không ngủ được. Chúng tôi sẽ theo dõi phiên họp ngày mai của Thủ tướng. Tôi tin, là người đứng đầu Chính phủ sẽ có những quyết sách đúng đắn. Chồng tôi sai, đương nhiên phải chịu tội trước pháp luật. Nhưng, vì đâu nên nỗi này, vì sao chồng tôi buộc phải làm như thế…” – chị Thương thở dài.
Lần đầu tiên tôi thấy chị cười, ánh mắt tràn đầy hy vọng - nụ cười của người phụ nữ từng trải qua quá nhiều bất hạnh.
Hoàng Sang