- Trong mấy ngày qua, hàng loạt cá ở các cánh đồng và sông suối trên địa bàn xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) và TP Tam Kỳ (Quảng Nam) bỗng nhiên chết hàng loạt.

Tại Quảng Ngãi, cá và ốc ở cánh đồng Đồng Quang, thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn nơi có nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất nổi chết trắng đồng.

Ông Nguyễn Bình (59 tuổi), ở đội 2, thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận cho biết: “Không hiểu vì sao cá, ốc ở cánh đồng Đồng Quang (khoảng 50 ha) chết hàng loạt. Ngày nào tôi và một số người dân cũng vớt được vài chục kg cá. Chưa bao giờ thấy cá chết nhiều như thế này”.


Những con cá nặng vài kg cũng chết trắng ao

Cá nhỏ cũng chết nổi trắng ao

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Giang Hồ, Trưởng thôn Đông Lỗ cho biết, tình trạng cá chết xảy ra trong 5 ngày nay. Bà con trong thôn kéo nhau đi vớt cá, ít thì vài chục kg/ngày, còn nhiều thì chừng nửa tạ cá.

Phần lớn là cá đã chết, còn lại thì trong tình trạng ngắc ngoải. Điều đáng nói, không chỉ có các loại cá chết ở Đồng Quang, mà các loài như ốc bươu, ốc rốc cũng chết thối dưới ruộng nước.

Theo người dân ở đây, tình trạng cá chết xảy ra sau khi nhà máy Bio-Ethanol ra mẻ sản phẩm xăng sinh học E5 đầu tiên vào ngày 3/2 và xả nước xả ra cánh đồng Đồng Quang.

Ông Ngô Văn Vương, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thuận cho biết: xã cũng đã biết tình trạng này và đã có đề nghị nhà máy Bio – Ethanol đóng cửa cống xả thải ra ngoài.

Trông khi đó, tại Quảng Nam, hiện tượng cá chết đã xảy ra trên sông Bàn Thạch với số lượng lớn.

Theo nhiều người dân, hiện tượng cá chết xảy ra từ sáng 12/2. Khi đó, người dân đánh bắt trên đoạn sông này đã phát hiện cá chết bị thuỷ triều và sóng đánh trôi dạt vào bờ.

Loại cá bị chết gồm cá gáy, cá diếc. Số cá bị chết thường loại to từ 0,5 kg đến 2 kg.

Tình trạng cá chết hàng loạt đã xảy ra nhiều năm nay trên đoạn sông này, tuy nhiên chính quyền địa phương TP. Tam Kỳ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.


Người dân nhặt cá chết trên sông Bàn Thạch về làm thức ăn cho gia súc

Người dân địa phương cho biết, cá chết là do ô nhiễm môi trường từ nước thải đô thị Tam Kỳ chưa qua xử lý hoặc do ô nhiễm từ các chất độc hại như thuốc trừ sâu, và các loại thuốc từ các ao nuôi tôm xả ra đã được thuỷ triều đưa vào gây ô nhiễm đoạn sông dài hơn 8 km này.

Nhiều người dân lợi dụng cá chết đã đi dọc ven bờ hoặc lội ra sông để vớt cá chết đem về làm thức ăn cho gia súc.

Ông Nguyễn Văn Nuôi, một người chuyên đánh bắt trên đoạn sông này cho biết nguồn nước ô nhiễm nặng, nếu ngâm chân dưới nước sẽ bị mẩn ngứa nổi lên rất khó chịu.

Sáng 13/2, Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa cho biết, các ngành chức năng của TP. Tam Kỳ đang lấy mẫu nước để làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân đồng thời kiểm tra toàn tuyến sông để có biện pháp khắc phục.

Đây là lần thứ 3 cá chết hàng loạt trên sông từ hơn 5 năm lại đây.

Trà Giang - Vũ Trung