- Ngày 15/2, Hà Nội sẽ chính thức hoàn tất việc rút giấy phép trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành, nhưng tới thời điểm này nhiều điểm trông giữ phương tiện trên các tuyến phố bị cấm vẫn hoạt động bình thường...

 
Ghi nhận của PV cho thấy, tại các tuyến phố: Bà Triệu, Phố Huế, Hàng Bài, Yết Kiêu (quận Hoàn Kiếm), Xã Đàn (Đống Đa), Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Trãi, Khương Đình (quận Thanh Xuân)… phương tiện vẫn đỗ tràn lan từ vỉa hè xuống lòng đường.
 
Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: 262 tuyến phố được chỉ đạo rút giấy phép trông giữ phương tiện đều là những tuyến phố chính, những mặt đường nhỏ, vỉa hè chật hẹp.

Điểm trông giữ xe trên phố Bà Triệu sắp tới sẽ bị cấm.
Trước băn khoăn về việc người dân khi đến các khu vực cấm sẽ phải gửi xe ở đâu, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, trong tờ trình lên thành phố, liên ngành đã đưa phương án các điểm giữ xe khác cho người dân lựa chọn. Vì trong quyết định của UBND thành phố mới chỉ đề cập đến lệnh cấm mà chưa quyết định phương án điểm gửi xe thay thế cho người dân.
 
Để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân, liên ngành giao thông và công an đã nghiên cứu, lập danh sách 230 tuyến phố đủ điều kiện trông giữ phương tiện và đang trình thành phố xem xét cấp phép.
 
Ông Giáp cũng cho biết, nhu cầu gửi xe của nhân dân là rất cao, thành phố sẽ xem xét để cố gắng đáp ứng tới mức tốt nhất. Tất nhiên, cũng có thể chỗ này chỗ khác còn hiện tượng vi phạm, nhưng giờ quy định rõ ràng thì người dân và các cơ quan chức năng cũng sẽ thực hiện.
 
Phó giám đốc Công ty khai tác điểm đỗ xe Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh Lam, cho biết, việc cấm trông giữ xe tại các tuyến phố để giảm ùn tắc, công ty hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, thành phố cần xem xét, có kế hoạch thực hiện rõ ràng, đồng thời bố trí các điểm đỗ thay thế, để công ty có phương án sản xuất, sắp xếp lao động, chứ không nên nói cắt là cắt.
 
Thành phố và các ngành chức năng có thể xem xét lại việc rút giấy phép ở một số tuyến phố có hạ tầng tốt, đường rộng, đã xén vỉa hè sâu vào trong, những điểm trông giữ tại các tuyến phố không ảnh hưởng tới ùn tắc giao thông như đường Văn Cao, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khánh Toàn, Văn Miếu, Hàng Gai…”, bà Lam đề xuất.
 
Bà Lam cũng tỏ ra băn khoăn sau khi rút giấy phép, các ngành chức năng kiểm tra như thế nào và xử lý làm sao những trường hợp vi phạm.

Bởi, theo bà Lam, nếu sau khi rút giấy phép, công ty có nhổ biển, xóa sơn nhưng người dân vẫn đem xe tới đỗ thì làm sao có thể xử lý hết. Còn giao quyền cho chính quyền địa phương như tự quản phường thì không xử lý được hết và vẫn sẽ đỗ xe tràn lan.
 
Về việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng các điểm đỗ, giao thông tĩnh, bà Lam cho rằng, phải tạo được cơ chế tốt cho các nhà đầu tư như lãi xuất ưu đãi, tiền thuê đất không mất, rồi cơ chế động viên nhà đầu tư... Bởi lẽ hiện nay, quy trình thẩm định rất phức tạp, gây nhiều khó khăn, khiến công tác xây dựng gặp nhiều khó khăn.
 

Toàn thành phố hiện có khoảng 3,8 triệu xe máy, 370.000 ô tô, riêng các quận nội thành Hà Nội có khoảng 184.000 ô tô và 2,3 triệu xe máy, nhưng một loạt điểm đỗ xe của thành phố như Ngọc Khánh, Dịch Vọng, Nam Thăng Long… được xây dựng theo quy hoạch phục vụ mục đích đỗ xe cũng chỉ tiếp nhận được hơn 2.800 ô tô.
 
Thêm vào đó, nhiều dự án nhà cao tầng dù đã có quy định phải đảm bảo nhu cầu đỗ xe song hiện các công trình này chỉ đáp ứng được khoảng 30% số phương tiện, số còn lại vẫn tràn ra lòng đường, vỉa hè.
 
Theo Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, hiện nay đơn vị này đang quản lý 191 điểm trông giữ xe trên toàn địa bàn thành phố. Với việc thành phố ra quyết định rút giấy phép trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố, công ty sẽ có 49 điểm trông giữ phương tiện tại 35 tuyến phố bị rút giấy phép, chủ yếu tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, với sức chứa 1.400 ô tô, 200 xe máy; về tỷ lệ bãi trông giữ bị ảnh hưởng chiếm 30% trên tổng số, khoảng 18.000 m2.

Vũ Điệp