- Theo chân “tư lệnh” rừng xanh Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Quảng Nam, chúng tôi vượt lòng hồ thuỷ điện Đắk Mi 4 lên vùng đầu nguồn để tận mắt chứng kiến cảnh lâm tặc phá rừng...

Một ngày giữa tháng 2-2012, tôi vượt lòng hồ thuỷ điện Đắk Mi 4, đột nhập vào rừng đầu nguồn thuộc huyện Phước Sơn để tận mắt xem cảnh lâm tặc phá rừng.

Quyền hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Phước Sơn Trần Lanh bảo rằng vùng rừng núi Phước Sơn đang đối mặt với nguy cơ rừng bị tàn phá kể từ ngày hồ chứa nước thuỷ điện Đắk Mi 4 chặn dòng tích nước.

Phía dưới đập chứa thuỷ điện khô cạn và phía trên nước tràn đầy. Sau khi ngăn dòng thuỷ điện Đắk Mi 4, TP. Đà Nẵng đang trong nguy cơ chết khát.
 

Nguyên nhân nguy cơ mất rừng, theo ông Trần Lanh lý giải là lâm tặc lợi dụng đường thuỷ vừa mới hình thành trên lòng hồ thuỷ điện để xâm nhập trái phép vào rừng đầu nguồn khai thác và vận chuyển thuận lợi hơn đường bộ.

Trước đây, khu vực rừng đầu nguồn thuộc các xã Phước Năng, Phước Kim, Phước Đức, Phước Thành...thủ phủ của vùng vàng huyện Phước Sơn chỉ duy nhất con đường độc đạo đi lại vào mùa nắng. Còn mùa mưa thì không thể.

Còn bây giờ muốn xâm nhập vào vùng rừng này chỉ cần một chiếc đò máy công suất khoảng 30 CV, sau một giờ đồng hồ có thể dễ dàng vượt lòng hồ và vào các vùng rừng nguyên sinh đầu nguồn ở xã Phước Kim, Phước Thành.

Lực lượng kiểm lâm đang thị sát trên tuyến đường thuỷ lòng hồ thuỷ điện Đắk Mi 4 để tìm phương án chặn con đường gỗ lậu
 

Lợi dụng tuyến đường thuỷ như ma trận của lòng hồ thuỷ điện Đắk Mi 4, lâm tặc từ nhiều tháng nay đã bắt đầu mở những con đường “không số” xâm nhập vào vùng rừng nguyên sinh để khai thác gỗ và lợi dụng đêm tối vận chuyển gổ vượt lòng hồ đưa ra tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14E để đưa đi tiêu thụ.

Trên chiếc thuyền máy công suất hơn 30 CV thuê của một người dân, chúng tôi bắt đầu vượt lòng hồ thuỷ điện Đắk Mi 4 lên vùng thượng nguồn.

Tại vùng rừng đầu nguồn xã Phước Kim, chiếc thuyền máy cập bến khu vực được đặt tên là Đà Lạt thuộc khoảnh 7, tiểu khu 687, hiện ra trước mắt chúng tôi là cảnh rừng bị tàn phá nghiêm trọng.

Những thân cây gỗ hương đường kính 1 m bị đốn hạ và xẻ thịt. Kiểm đếm tại hiện trường, có nhiều cây gỗ hương quí hiếm bị chặt hạ và xẻ thịt. Toàn bộ số gỗ đã được vận chuyển khỏi hiện trường, chỉ còn trơ lại cành nhánh và những gốc cây ứa nhựa đỏ như máu.

Ngổn ngang..

Lực lượng kiểm lâm Phước Sơn cùng cơ quan chức năng đã kiểm tra ngay tại hiện trường tổng cộng 10 cây gỗ hương. Trong đó có 1 cây đã cưa xẻ và vận chuyển. 2 cây đang cưa xẻ thành phách gỗ, 2 cây đã cắt lóng ngọn và 5 cây khác vừa mới chặt hạ.

Tổng khối lượng gỗ bị chặt phá tại khu rừng đầu nguồn này lên đến hơn 55 m3. Toàn bộ số cây gỗ bị chặt hạ tại đây chỉ cách mép nước lòng hồ thuỷ điện Đắk Mi 4 khoảng 200 đến 300 m.

Không riêng gì khu vực rừng đầu nguồn xã Phước Kim, mà ngay rừng nguyên sinh tại các xã Phước Thành, Phước Lộc cũng đang bị hại nghiêm trọng.

Chiếc thuyền máy chạy dọc ven hồ, những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn hiện ra trước mắt và dưới mép nước của hồ chứa dài hơn 10 km, hàng trăm con đường như những hang chuột được lâm tặc mở đâm thẳng vào rừng.

Những cánh rừng nguyên sinh hiện ra, nhiều mảng rừng bị nước lòng hồ ngập lút đã chết khô phơi mình dưới nắng.

Hiện trường lâm tặc chặt phá gỗ quí hiếm tại rừng đầu nguồn xã Phước Kim, huyện Phước Sơn
 

Chỉ cần vượt qua mép nước lòng hồ, vào bất cứ khu rừng nguyên sinh nào tại đây cũng diễn ra cảnh tượng cây rừng bị chặt phá.

Trước nguy cơ rừng bị mất, Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Quang sau chuyến thị sát từ lòng hồ trở về đã yêu cầu lực lượng kiểm lâm tăng cường chốt chặn trên tuyến đường thuỷ lòng hồ thuỷ điện Đắk Mi 4, đồng thời tăng cường quân số và phương tiện.

Rừng nguyên sinh ven hồ thuỷ điện Đắk Mi 4 bị chết đứng vì ngập nước và nguy cơ bị tàn phá.

Tuy nhiên, tuyến đường thuỷ trên lòng hồ thuỷ điện như ma trận, việc chốt chặn, truy bắt lâm tặc phá rừng vẫn còn lắm khó khăn.

Rừng đầu nguồn vẫn tiếp tục bị tàn phá, và nỗi lo hậu thuỷ điện đang là vấn đề nan giải, làm đau đầu cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng.

Vũ Trung