- Có một cách gìn giữ báu vật nhà vua rất đặc biệt ở một ngôi làng thuộc xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Báu vật được giao cho những già làng uy tín bảo quản tại nhà riêng của mình. Người bảo quản được gọi là cố đạo. Phải trải qua cuộc tuyển chọn gắt gao “kết hợp âm – dương” mới lọt vào vị trí này. Người vinh dự trúng cố đạo là niềm tự hào của bản thân, gia đình, dòng họ.

Lựa chọn cố đạo

Chúng tôi tìm đến nhà cố đạo Trần Kim Quỳ (70 tuổi, xóm Phú Thành, xã Phú Gia) người đang giữ trọng trách cao cả - gìn giữ, bảo quản những báu vật của vua Hàm Nghi để lại.

Tiếp chuyện, cố đạo Quỳ cho biết rất nhiều chuyện lý thú xung quanh việc tuyển chọn những cố đạo và chuyện linh thiêng về việc bảo quản những báu vật nhà vua.

Voi vàng, đục đạc bằng vàng- một trong những hiện vật của vua Hàm Nghi đang được lưu giữ.


Theo cố đạo Quỳ, cứ vào 15 tháng chạp hàng năm, đại diện chính quyền xã cùng cán bộ thôn, xóm và đại diện người cao tuổi sẽ giới thiệu, bình chọn rồi làm lễ “xin keo âm dương” chọn cố đạo giữ báu vật cho năm sau.

“Ai được giới thiệu rồi trúng vào cố đạo để giữ báu vật của làng phải là người có uy tín, được mọi người kính trọng. Gia đình không có con, cháu hư hỏng, vi phạm pháp luật. Mọi thành viên trong nhà phải đoàn kết, sống có khuôn phép…”.

Đó mới chỉ là khâu lựa chọn của “người trần”. Trong số những người được giới thiệu làm cố đạo còn phải trải qua việc làm lễ xin keo. Đến ngày mồng 7 tháng giêng (âm lịch), làng sẽ làm lễ rước sắc, chuyển những báu vật của vua được cất giữ tại nhà cố đạo cũ sang nhà cố đạo mới.

Cũng có một số người vì uy tin, hoàn thành tốt trọng trách đã từng trúng vị trí cố đạo liên tục trong mấy năm liền. Cố đạo Quỳ đã trúng làm cố đạo từ tháng 01/2011.

Quy định “ngầm” với người làm cố đạo

Theo cố đạo Quỳ, với những người làm cố đạo, dù không có quy định mang tính văn bản. Nhưng bản thân người làm cố đạo tự mình hiểu rằng có một quy định ngầm mà mình phải ý thức, tự tuân thủ, hay nói cách khác, tự mình đặt ra quy định cho bản thân.
 



Cố đạo Quỳ bên lá cờ Đại  trong số 6 chiếc chiêng của nhà vua để lại.


“Cố đạo phải kiêng thịt chó, không ăn cỗ gia đình có tang, không tiếp xúc với những nơi bẩn thỉu, không làm những việc thất đức…” - cố đạo Quỳ cho biết.

Để minh chứng cho việc cấm kị, nếu không tuân thủ thì bị trừng phạt, cụ Quỳ kể cho chúng tôi nhiều câu chuyện cách đây hàng chục năm, có nhiều cố đạo đã gặp điều không may khi không tuân thủ những cấm kỵ.

Theo cố đạo Quỳ, “ngay cả khi trâu bò vào ăn khoai, lúa, cố đạo thấy cũng không nên đuổi mà gọi người khác ra đuổi”.

Ngoài những điều cấm kị mang quy ước ngầm, theo cố đạo Quỳ, người làm cố đạo là người phải am hiểu về phong thủy, về âm dương ngũ hành để mỗi khi người dân có thắc mắc tìm đến nhà cố đạo thì cố đạo biết mà giải thích, hướng dẫn giúp bà con.

Điều đặc biệt hơn, cố đạo phải là người thầy lễ thông thạo. Để mỗi dịp rước rắc, lễ hội của làng đều đảm nhận việc cúng bái, làm lễ.

Nói về công việc của mình, cố đạo Quỳ chia sẻ: “Làm cố đạo là gánh trọng trách vô cùng lớn. Thật sự rất lo lắng, nhiều khi ăn ngủ không yên. Lo làm sao để giữ báu vật được an toàn, không bị mất mát, thậm chí ngay cả với người trong nhà cũng không hoàn toàn tin tưởng được. Tuy nhiên, được làm cố đạo cũng là vinh dự, là niềm tự hào với bản thân, gia đình, dòng họ.”

Linh thiêng

Từ câu chuyện của cố đạo Quỳ, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà cụ cố đạo tiền nhiệm tên Trần Văn Nhung (87 tuổi, ở xóm Phú Hòa), người vừa kết thúc 5 năm liên tục (2006 – 2010) làm cố đạo giữ báu vật vua Hàm Nghi.

Cũng như cố đạo Quỳ, cụ Nhung kể, cách đây khoảng 70 năm, cố đạo Lê Hiếu giữ báu vật. Người con trai đã lấy trộm 1 con voi vàng mang sang Lào đổi 9 con trâu. Trên đường về thì bị trâu húc chết. Sau đó, con cháu của ông này cũng gặp toàn tai ương.
 

Bàn thờ vua Hàm Nghi trang nghiêm tại nhà cố đạo Trần Kim Quỳ.


Theo cụ Nhung, ai đến xem báu vật mà không có lòng thành, không làm lễ, không được sự đồng ý của bề trên thì không thể xem được, dù họ là ai đi nữa.

Hiện báu vật vua đang được ông ghìn giữ, bảo quản tại nhà gồm: 2 cái kiếm bằng đồng đen (kiếm lệnh), 2 con voi bằng vàng, 1 con voi bằng đồng đen, 2 chiếc lược ngà, 34 đục đạc, 42 đạo sắc, 6 cái chiêng, 12 áo trai kiệu vua, 1 bộ cờ thần (1 cờ vuông, 4 cờ chéo).

Báu vật được cất giữ trong két sắt. Cố đạo giữ khóa trong, Ban văn hóa xã giữ chìa khóa ngoài. Muốn xem báu vật phải thông qua xã, sau đó cần đến 2 chìa khóa mới mở được két cho xem báu vật.

Duy Quang - Trần Văn