- Trong khi nhiều người đang cố chen lấn để mua lấy một căn hộ tại nhiều thành phố lớn thì một số khác đang cố nhoai ra khỏi những “khối bê tông lạnh lùng”, ngăn cách.

Không mua được… láng giềng

Người xưa vẫn nói “Bán anh em xa mua láng giếng gần”, nhưng có ở nhiều khu chung cư mới thấy, việc này không hề dễ dàng, ngay cả khi mình mở lòng cầu thị. Vậy nên mới có chuyện nhiều gia đình ở cạnh nhau nhưng đến khi “xảy ra chuyện” mới ú ớ nhận nhau là hàng xóm.

Chị Loan (Khu đô thị B6 Nam Trung Yên, Hà Nội) cho biết vợ chồng chị đã chuyển về đây được hơn 1 năm, nhưng từ đó đến nay, chị chưa rõ tầng nhà mình có những ai, không hay họ già hay trẻ, làm nghề gì và có mấy con…

“Khi mình chưa dậy thì họ đã đi làm, còn khi mình về thì đã thấy cửa đóng im ỉm. Mọi hoạt động đều tách biệt đến lạnh lùng, thành ra nhà nào chỉ biết nhà đấy chứ không chia sẻ hay hỏi han nhau bao giờ”, chị Loan chia sẻ.
 

Tuy ở sát nhau, nhưng hầu hết các căn hộ ở chung cư đều “bế quan tỏa cảng”, nhà nào biết nhà nấy, đóng cửa im ỉm suốt ngày (Ảnh minh họa)
Chị cho biết thêm, dù đã chuyển về đây hơn 1 năm nhưng lần duy nhất nhà hàng xóm gõ cửa nhà chị là để ...nhờ vả.

"Đó là ngày 28 Tết vừa rồi, nhà ấy có mua 2 kg giò ở Hàng Bông để 30 Tết về biếu bố mẹ ở quê. Nhưng oái oăm thay hôm đó nhà bên ấy bị hỏng tủ lạnh, chắc vì bất đắc dĩ nhà người ta mới gõ cửa nhà tôi xin để nhờ khoanh giò. Đó là lần duy nhất nhà hàng xóm và nhà tôi chào hỏi nhau", chị Loan cười cười kể.

Nói về mối quan hệ với hàng xóm ở các khu chung cư, vợ chồng anh Đức Trung (khu đô thị Mỹ Đình 2) nửa đùa nửa thật “ở chung cư mà kiếm được hàng xóm thì đến lạ”.

Kể câu chuyện của chính gia đình mình, anh Trung cho biết hồi tháng 8 năm ngoái, nhân ngày chuyển về nhà mới, vợ chồng anh có làm lễ nhập trạch. Định bụng cũng như ở quê, vợ chồng anh dắt nhau “ra mắt” hàng xóm cùng tầng, biếu chút lộc gọi là để chào hỏi, làm quen.

“Ai dè gõ cửa 10 nhà thì cả 10 ném vào mặt vợ chồng tôi đủ thứ bực dọc vì bị làm phiền. Có nhà gượng ép cầm lấy chút lộc cho phải phép rồi đóng sầm cửa, có nhà còn phũ phàng buông thẳng một tràng dài, nào là ở đây không có lệ đó, đèn nhà ai nhà nấy rạng, đừng làm ảnh hưởng đến nhau… Vậy là vợ chồng tôi tiu nghỉu quay về và chưa bao giờ tái khởi động lại ý định bắt chuyện với hàng xóm”, anh Trung chua chát nói.

Anh Hòa, bạn anh Trung còn kể ở dãy nhà anh, có gia đình kĩ tính đến mức cấm cả ô sin không được làm quen với hàng xóm, vì sợ quen biết lại nhờ vả, xin xỏ.

Vậy nên sáng sáng trước khi đi làm là họ khóa cửa, tối tối lại “nhốt” ô sin trong nhà. Thành ra chẳng có giúp việc nào ở được lâu với nhà họ, có người ở được dăm ba hôm đã phải tìm đường “chuồn” thẳng.

Ngẫm lại những câu chuyện vui khi ở chung cư, anh Hòa cho biết bản thân anh cũng đã bị cứng họng một phen chỉ vì thường ngày ít “giao du” với hàng xóm.

“Chiều đó đi làm về, tôi thấy có một ông nọ tất bật gói gói buộc buộc hàng đống đồ trước sân chung cư. Ông ấy nhờ tôi khuân một cái hộp lên xe. Xong xuôi, tôi hỏi: “Anh chuyển đi à? Trước anh ở phòng nào đấy?”. “Anh là nhà 303 phải không? Tôi ở phòng 304 đây”, ông ấy đáp. Lúc đó tôi mới ngớ người, hèn gì thấy mặt ông ấy quen quen”. Anh Hòa đỏ mặt nhớ lại.

"Cháy nhà" mới biết mặt nhau

Kể về câu chuyện “xương máu” khi sống chung cư, chị Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết vào đầu năm ngoái khi nhà chị còn ở tại một khu chung cư cũ thì không may bị trộm viếng.

“Đợt ấy nhà bà nội có giỗ nên vợ chồng tôi cùng con cái tay xách nách mang về quê 3 ngày. Ở được hai hôm thì thấy ban quản lý tòa nhà gọi điện bảo nhà có trộm, lên ngay để giải quyết. Vừa về đến cửa đã thấy nhà tan hoang, laptop, máy ảnh, tiền mặt...không cánh mà bay”.

“Nhưng bực nhất là trộm viếng từ tối hôm trước nhưng đến tận chiều tối hôm sau mới nhận được điện thoại. Ban quản lý thì giải thích tận trưa mới nghe được tin báo của nhà hàng xóm nên mới chạy lên”, chị Ngân bức xúc.

Chạy sang hỏi nhà hàng xóm xem thực hư ra sao, chị vợ đon đả giải thích: "Tối hôm qua đã thấy cửa nhà chị mở toang hoác, tôi lại nghĩ nhà chị lên sớm nên cũng không để ý. Sáng nay khi đi chợ, vẫn thấy cửa mở, tôi mới ngó vào, thấy phòng lộn xộn thì mới hay nhà chị bị trộm đột nhập. Nhưng vì không có số nên cũng chả biết liên lạc kiểu gì. Lúc đi làm tôi xuống báo với ban quản lý nhưng họ không có ở đó. Nên chiều đi làm về tôi mới báo lại được”.

 
“Đến tên nhà tôi chị ta còn không biết huống chi là số điện thoại. Sống cạnh nhau mà vô tâm đến thế là cùng”, chị Ngân bức xúc.
 
Chị Loan cho rằng ở chung cư mọi thứ đầy đủ, đường dây điện thoại, internet, truyền hình cáp… được đưa tới từng phòng, thậm chí những thứ như sách báo và đồ ăn vặt… nếu cần chỉ cần gọi điện là có người mang đến.

Mỗi lần mất nước, mất điện... đã có tổ hoặc xí nghiệp quản lý đứng ra sửa chữa nên người dân không phải nhờ vả lẫn nhau. Thành ra, lâu dần mỗi gia đình giống như một lô cốt khép kín, ít khi giao du, chia sẻ với những hộ kế bên.

Theo chị Loan, trong suốt hơn 1 năm qua, chị cũng chưa dám làm quen hay chơi đùa với con cái của gia đình nào cùng dãy, cũng chỉ bởi chị đã học được một “bài học nhớ đời”.

Chị cho biết, thường ngày vào cuối tuần, khi ở nhà chị thường mở cửa phòng cho thoáng. Có hôm đang lau nhà, bỗng thấy cô bé con xinh xắn chập chững bước vào.

Đoán chắc là con nhà nào ở cùng dãy, chị lại gần bế đứa bé trên tay để cưng nựng thì đột nhiên chị hàng xóm từ đâu hốt hoảng chạy lại, giật phắt đứa bé ra khỏi tay chị khiến nó khóc thét và vội vã kéo con về nhà đóng sập cửa lại.

“Chắc có lẽ họ sợ tôi bắt cóc mất con họ”, chị Loan ấm ức kể.

Minh Anh