Mặc dù, Nhà nước chủ trương không “bỏ rơi” người nghèo nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc họ đứng ngoài cuộc xung quanh câu chuyện này?
Nghèo: một đồng cũng khó!
Hơn 2 giờ chiều, khu vực đăng ký khám chữa bệnh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định vẫn chật như nêm. Một số bệnh nhân và người thân phải ngồi chờ cả hơn một tiếng đồng hồ mới đến lượt đóng tiền, đăng ký khám. Xung quanh câu chuyện của họ, không ít người nhắc đến cụm từ “lại tăng viện phí”.
Ngồi ở góc hành lang bệnh viện, chị Nguyễn Thị Thuận (48 tuổi, Ninh Thuận) chăm chăm vào bài báo viết về việc tăng viện phí. Chị chia sẻ: “Tôi chẳng mấy khi đọc báo nhưng thấy tờ báo người ta cầm nói đến tăng viện phí nên mượn đọc. Chồng tôi bị ung thư gan nằm viện.
Nhà làm nông, không có tiền nhưng có bệnh hiểm nghèo thì phải vay mượn để vào đây chữa trị. Ngoài đó thuốc men hết mười mấy triệu rồi, giờ phải vào tận đây, cái gì cũng đắt mà viện phí lại tăng, tôi lo nhưng không dám nói với ông ấy. Nghèo như mình một đồng cũng khó.”
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng tâm trạng trên, bệnh nhân Nguyễn Nhật Anh (42 tuổi, Vũng Tàu) cho biết: “Mình bị suy thận mãn, mỗi tháng phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận 10 lần, nhờ BHYT nên mình chỉ đóng 20% chi phí nhưng đã lên tới gần 2 triệu đồng/tháng chưa kể tiền đi lại, ăn ở…Nghe nói viện phí tăng mà mất ăn, mất ngủ, không biết mình còn đủ khả năng mà tiếp tục không?”
Trái ngược với tâm trạng trên, bà Nguyễn Thị Từ (cán bộ hưu trí, 63 tuổi) tỏ ra am hiểu khi chúng tôi hỏi chuyện: “Tăng viện phí là đúng rồi, thực tế các bệnh viện đã tăng phí nhiều loại dịch vụ từ lâu rồi chứ 3.000 đồng mới bằng vé gửi xe thôi. Có điều, với người không có Bảo hiểm thì tăng viện phí đúng là tăng gánh nặng cho họ.
Người dân ngồi chật kín chờ khám bệnh tại BV nhân dân Gia Định |
Trước đó, ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết Bộ Y tế đã trình chính phủ và BHXH thống nhất sẽ nâng mức hỗ trợ tối đa đối với các đối tượng thuộc diện chính sách, người nghèo, bảo trợ xã hội…
Thế nhưng, trên thực tế số người chưa có BHYT hiện nay không phải ít. Bên cạnh đó, với những người mắc bệnh mãn tính thì khoản tiền chi thêm cho dịch vụ y tế dù nhỏ nhưng kéo dài sẽ đội lên một khoản chi phí không nhỏ trong cơ cấu chi tiêu của họ. Chính vì thế, không ít người dân tỏ ra lo lắng.
Cần hỗ trợ hơn nữa cho người nghèo
Trao đổi về vấn đề này, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM chia sẻ: Mức viện phí hiện nay đã được ban hành từ hơn 10 năm trước nên không còn phù hợp, thực ra khi chưa có quy định này, nhiều bệnh viện cũng đã “xé rào” tăng phí rồi, chẳng hạn như phí khám bệnh hiện tại quy định chỉ có 3.000 đồng nhưng với các bệnh nhân không có thẻ BHYT bệnh viện đã thu 20.000 đồng.
Thực tế, đối với các bệnh viện tuyến trên, mức giá trên cũng vừa phải. Lý giải về nhận định này, TS.BS. Châu cho biết, để quá trình khám bệnh cho người dân được nhanh gọn, rõ ràng, các bệnh viện tuyến trên hiện nay đều phải áp dụng công nghệ thông tin để lưu trữ hồ sơ bệnh nhân, kê toa, in toa thuốc bằng máy tính chứ không thể ngồi viết tay như trước. Như vậy 20.000 đồng so với chi phí tiêu hao máy móc, in ấn, dung dịch khử trùng, bao tay...thật sự không phải cao.
TS.BS. Châu cũng chia sẻ: “Tôi hiểu được nỗi lo của người dân trước thông tin tăng viện phí nhưng trước tình hình trượt giá hiện nay, một số loại dịch vụ y tế nếu vẫn giữ nguyên giá cũ quả thật sẽ rất khó khăn. Từ lâu, các bệnh viện công đã phải “liệu cơm gắp mắm”.
Cũng theo TS.BS Châu, đối với người nghèo và những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh mãn tính, các cấp thẩm quyền trong đó có cơ quan Bảo hiểm xã hội nên có biện pháp hỗ trợ đối với họ.
Ngoài ra việc phân cấp mức phí theo tuyến cũng cần được quan tâm (cùng loại dịch vụ nhưng bệnh viện tuyến dưới có thể thấp hơn do chi phí cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thấp hơn). Từ đó, người dân cũng cần lựa chọn nơi đến khám chữa bệnh phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình, tránh tình trạng bệnh viện tuyến dưới thì không có bệnh nhân, bệnh viện tuyến trên luôn quá tải.
Chia sẻ quan điểm của mình, bà Lưu Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: Hiện nay, trên 60% dân số cả nước đã tham gia BHYT. Do đó, tăng viện phí đồng nghĩa với việc tăng chi phí cơ quan BHXH sẽ phải chi trả. Tuy nhiên, bà tin rằng các cấp thẩm quyền đã xem xét các phương án và sẽ tính đến những khoản bù đắp khác.
Trên thực tế, gần 40% dân số chưa tham gia BHYT nhưng từ năm 2012, luật quy định các hộ nông –lâm – ngư nghiệp, hộ gia đình tiểu thương đều phải tham gia BHYT.
Đối với hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp BHYT miễn phí nên người dân cũng cần thấy rằng việc tham gia BHYT sẽ giúp họ bớt gánh nặng khi không may gặp rủi ro.
Với các hộ nghèo, viện phí tăng, ngoài việc chi trả 95% tổng chi phí, BHXH còn chi thêm 50% trong khoản 5% còn lại nên sự tác động ít vì được hỗ trợ.
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, thuộc diện phải chi trả 20%, theo bà Huyền, các bệnh viện và cơ quan chức năng cần xây dựng các quỹ hỗ trợ lâu dài cho họ để đảm bảo họ có điều kiện được chăm sóc sức khỏe như một số quỹ dành cho người nghèo hiện nay.
M.Phượng