- “Bộ GTVT, các bộ ngành cùng các địa phương cần nghiên cứu kỹ tính khả thi cũng như đánh giá tác động của việc thu phí trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét…”.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Văn Trọng Lý vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về đề án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm do Bộ GTVT đề xuất.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trên cơ sở tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương liên quan, tập trung nghiên cứu, xác định rõ mục tiêu, nội dung, cơ sở khoa học và thực tiễn, tính khả thi cũng như các tác động của việc thu các khoản phí trên để xây dựng Đề án trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
 

Phương tiện cá nhân tăng quá nhanh là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.


Trước đó, tại buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 12/1/2012, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Mục tiêu của việc thu phí không chỉ để giảm ùn tắc giao thông mà còn tạo ra nguồn thu đầu tư trở lại hạ tầng để phục vụ người dân tốt hơn.

Việc thu này đảm bảo công bằng, thực tế, người sử dụng nhiều hạ tầng phải nộp phí nhiều hơn. Người sử dụng xe máy thì nộp phí ở mức vừa phải. Còn đối với người đi bộ, đi xe đạp thì không phải nộp.”

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để trình đề án thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu hành ôtô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về các nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; trong đó có sự gia tăng quá nhanh về số lượng phương tiện (đặc biệt là phương tiện cá nhân) làm tăng mật độ tham gia giao thông, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng.

Đồng thời đã kiến nghị hàng loạt giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài, trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Pháp lệnh phí và lệ phí theo hướng bổ sung nội dung thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí giao thông vào trung tâm thành phố vào danh mục phí và lệ phí nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Tại Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã tán thành các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Bộ GTVT nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn giao thông.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành sớm nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Đầu tháng 1/2012, Bộ GTVT có Tờ trình số 8868/TTr-BGTVT trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001.

Theo đề xuất mức thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ dự kiến như sau: Xe mô tô 2, 3 bánh của các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, loại có dung tích xy lanh dưới 175 cm3 mức phí 500.000 đồng/năm. Loại có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên, mức phí 1.000.000 đồng/năm.

Xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi chở xuống (kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng), loại có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống, mức phí 20.000.000 đồng/năm; Loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3, mức phí 30.000.000 đồng/năm; Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3, mức phí 50.000.000 đồng/năm.

Tờ trình đề xuất mức thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm với đối tượng thu là xe ô tô các loại, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công và xe buýt. Thời gian thu phí là giờ cao điểm, buổi sáng từ 6 - 8 giờ 30, buổi chiều từ 16 giờ đến 19 giờ hàng ngày (trừ thứ 7, chủ nhật và ngày lễ)...


Gia Văn