- Bộ Y tế nhận định dịch bệnh năm nay có diễn biến bất thường đồng thời đưa ra cảnh báo về nguy cơ dịch chồng lên dịch và gấp rút triển khai các biện pháp ứng phó.

Dịch chồng lên dịch

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy: Trong năm 2011, vào đợt cao điểm, mỗi tuần cả nước ghi nhận 2.500-3.000 trẻ mắc tay chân miệng, số ca mắc cao kéo dài đến cuối tháng 12. Dịch tiếp tục tăng khi sang những tháng năm 2012 với 900-1.000 ca mắc một tuần.  

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Chúng ta cũng khó dự báo được diễn biến của dịch tay chân miệng, vì thế cần phải chuẩn mọi biện pháp để đối phó. Dịch diễn biến bất thường ở phía Bắc, như tại Hải Phòng, số ca mắc tiếp tục tăng. Phía Nam cũng tăng tại một vài điểm, tuy nhiên tỷ lệ tử vong lại cao hơn phía Bắc”, thứ trưởng Long nhấn mạnh.


Nhiều dịch bệnh cùng lúc hoành hành gây nên gánh nặng lớn cho người dân và ngành y tế (Ảnh: VietNamNet)

Ông Viên Quang Mai, Phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, khu vực miền Trung dự báo năm nay sốt xuất huyết sẽ tăng theo chu kỳ vì năm ngoái giảm.

Bên cạnh đó còn phải kể đến các dịch bệnh như viêm não mô cầu, viêm màng não. Việc chẩn đoán và phát hiện sớm các ca bệnh gặp nhiều khó khăn vì phải lấy máu hoặc dịch não tuỷ, điều này chỉ làm được khi người dân đến bệnh viện nên việc sàng lọc, phát hiện từ cộng đồng rất hạn chế.

Dịch cúm gia cầm tái bùng phát mạnh mẽ, vắc-xin ít đáp ứng

Hiện nay, bên cạnh các dịch bệnh trên người đang diễn biến phức tạp thì dịch cúm gia cầm H5N1 (có khả năng lây lan sang người và gây tử vong nhanh) cũng đang trở lại mạnh mẽ.

Sự kết hợp giữa dịch nọ với dịch kia trong thời điểm này đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan chức năng trong vấn đề tổ chức phòng, chống sao cho hiệu quả.

Dịch cúm gia cầm H5N1 đang tái bùng phát mạnh mẽ. Điều nguy hiểm là vắc-xin cho dịch bệnh này đang mất dần khả năng đáp ứng (Ảnh: Internet)

Ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ, Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện cúm gia cầm đã lan ra 12 tỉnh, thành, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 9 tỉnh.

Dự đoán năm nay dịch sẽ bùng phát mạnh vì tỷ lệ lưu hành virurs cúm gia cầm cao lên đến 4,13%, thậm chí có tỉnh đến 18% như Hà Tĩnh, vì thời tiết lạnh nhiều, độ ẩm cao và vì việc tiêm phòng khó khăn là bởi virus biến đổi không còn đáp ứng với vắcxin. Tuy nhiên, miền Nam lại có khó khăn lớn là có số lượng gia cầm, thủy cầm lớn nhất nước nên nguy cơ lây sang người là rất lớn.

Vì thế, dịch cúm H5N1 trên người cũng hết sức khó đoán. Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo dự báo, khó có khả năng xảy ra đại dịch nhưng có thể xảy ra thêm một số hoặc nhiều trường hợp mắc.

Tuy nhiên, điểm khó khăn là kiến thức, hiểu biết của người dân về bệnh cũng như cách phòng tránh còn hạn chế. Ngay tại khu vực xảy ra dịch cúm trên gia cầm, nhiều người dân vẫn giết mổ, sử dụng thịt gia cầm ốm, chết.

Cần dứt khoát chuyện công bố dịch

Trong năm 2011, một vấn đề gây tranh cãi trong suốt một thời gian dài là vấn đề công bố dịch tay chân miệng. Trong khi rất nhiều cơ quan thông tin đại chúng lên tiếng đòi hỏi ngành y tế cần công bố dịch (bằng cách đưa ra các phân tích, dẫn chứng cụ thể) để chủ động phòng tránh thì các địa phương đều “bình tĩnh” cho rằng chưa đến mức cần phải công bố dịch.

Điều này đã khiến cho công tác phòng chống dịch gặp phải những luồng dư luận trái chiều khiến việc tạo dựng lòng tin và sự hợp tác của người dân gặp khó khăn.

Chính vì thế, ông Viên Quang Mai - phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang – cho biết để quyết liệt chống dịch hơn thì nên chia rõ mức độ dịch: mức độ “có dịch” để y tế chủ động phòng chống dịch, mức “công bố dịch” khi dịch bệnh ở mức độ cao hơn, cần sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp ở địa phương.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình đề nghị các địa phương thành lập ngay ban chỉ đạo liên ngành phòng chống dịch, chủ động điều phối công tác dập dịch, không để công bố dịch 24 giờ rồi mới thành lập ban chỉ đạo liên ngành như quy định, vì lúc đó tình hình đã quá nóng bỏng rồi.

Ngọc Anh