– Trong khi vấn đề rượu giả đang trở thành tâm điểm luôn nằm trong phạm vi cảnh báo của các chuyên gia sức khỏe thì các cơ quan quản lý đang “hụt hơi” chạy theo và tìm cách đối phó với các mánh khóe làm rượu giả, rượu kém chất lượng ngày càng tinh vi của những kẻ làm ăn bất chính.

Bài 1: Kinh hoàng công nghệ rượu… chế
Bài 2: Rượu hay là nước lã có… ga?
Bài 3: Mất mạng, giảm trí nhớ vì rượu giả
Bài 4: "Mất mặt" vì mua nhầm rượu cồn pha nước

 

Vỏ xịn, mác xịn, chỉ có ruột là … rởm!

 

Ruột rượu bị làm giả khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Vì thế, sau khi sử dụng cồn công nghiệp không qua xử lý độc tố để pha với nước thành rượu, các doanh nghiệp làm rượu giả tìm cách “phù phép” về mặt hình thức để qua mặt các cơ quan chức năng cùng người tiêu dùng.

 

Có thể kể đến một trong những vụ làm rượu giả điển hình nhất của năm 2009 tại Hà Nội. Với cái tên đăng ký kinh doanh là Công ty Cổ phần rượu Hà Nội (rất giống tên của Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội – Halico, chủ sở hữu của thương hiệu rượu Vodka Hà Nội), doanh nghiệp sản xuất rượu Vokda Hà Nội giả này đã đánh lừa được người tiêu dùng.

 

Trong khi vấn đề rượu giả đang trở thành tâm điểm luôn nằm trong phạm vi cảnh báo của các chuyên gia sức khỏe thì các cơ quan quản lý đang “hụt hơi” chạy theo và tìm cách đối phó với các mánh khóe làm rượu giả, rượu kém chất lượng ngày càng tinh vi của những kẻ làm ăn bất chính.
Chưa hết, sự gian xảo của doanh nghiệp làm ăn bất chính này là: Rượu Vokda Hà Nội giả của doanh nghiệp này được sản xuất tại đường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) nhưng trên nhãn mác sau đó vẫn “ngang nhiên” ghi địa chỉ của Công ty Halico (nằm ở phố Lò Đúc)!

 

Thậm chí, để tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng và tránh sự “soi mói”, doanh nghiệp sản xuất rượu Vodka giả trên còn sử dụng chính những chai thủy tinh của công ty chính hãng sau khi thu gom lại. Đây là các vỏ chai thật và đều có in chìm hình logo của Halico để “qua mặt” các cơ quan chức năng.

Kết quả phân tích một số chai rượu giả của Halico thu được cho thấy nồng độ rượu giả chỉ có 29,7%, nhưng nồng độ anđêhít (hóa chất dùng trong quá trình sản xuất nhựa, phẩm màu, nước hoa và dược phẩm, nếu có trong rượu sẽ gây mù mắt) lên tới 61,88%.

Đặc biệt chỉ số metanol trong các chai rượu này khá cao, trong khi rượu thật những chỉ số đó bằng 0 hoặc rất thấp so với tiêu chuẩn Việt Nam. Điều đó chứng tỏ các chai rượu giả này đã được sản xuất bằng cách pha cồn công nghiệp với nước, hương liệu nhưng cồn công nghiệp này không được xử lý độc tố methylic (chất kịch độc đối với não, có thể gây ngộ độc và tử vong rất nhanh chóng ngay sau khi uống).

Điều đáng nói là tại thời điểm vụ việc được phanh phui (tháng 1/2009), loại rượu giả này đã được bày bán ở các địa chỉ đáng tin cậy trong một số siêu thị lớn tại Hà Nội! Chỉ tính riêng công ty này và chỉ tính trong một đợt truy quét trên, đã có tới 7.554 chai rượu giả được phát hiện.

 

Cũng cùng thời điểm trên, một lò sản xuất rượu giả bằng “công nghệ không khói” như ở Bắc Ninh đã được khui ra ở Hà Đông (Hà Nội) với 46.000 chai rượu giả được pha từ cồn công nghiệp không qua xử lý độc tố. Loại rượu này chủ yếu giả các thương hiệu vodka, rượu vang được tiêu thụ tại khu vực nông thôn, miền núi phía Bắc với giá rẻ giật mình: 4.000 đến 10.000 đồng/chai 750ml!

 

Mánh khóe làm rượu giả ngày càng … biến đổi không ngờ!

 

Mánh khóe để làm ra rượu giả, rượu kém chất lượng được Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận định là “ngày càng tinh vi, xảo quyệt, giả như thật, thậm chí có thể qua mặt cả chính chủ sở hữu của những thương hiệu rượu nổi tiếng”.

 

Không chỉ dừng lại ở các “thủ thuật” như trên, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 14 (đội chuyên chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ) thuộc Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội cho biết: còn cho biết đã có những mánh khóe làm rượu giả “không ngờ tới” và nếu có ngờ tới thì cũng khó lòng mà chứng minh được sai phạm, bởi phạm vi xảy ra sai phạm nằm ngoài biên giới đất nước.

 

“Rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, quy trình cấp phép rất chặt chẽ. Nhưng ở các làng nghề chủ yếu sản xuất rượu tự phát, không ai quản lý được. Quản lý Nhà nước của ta hiện nay về vấn đề cấp phép, giám sát chưa thật sát, chưa cụ thể”,
Ông Nghĩa cho biết: “Cách đây từ vài năm, các cơ quan chức năng cũng nắm được thông tin liên quan đến việc rượu giả được sản xuất từ nước ngoài và làm giả các thương hiệu rượu trong nước, sau đó mang về Việt Nam và tiêu thụ ở các tỉnh vùng sâu vùng xa”.

 

Tuy nhiên, vì khó khăn liên quan đến vấn đề luật pháp (xuyên quốc gia) nên đến nay vẫn chưa có vụ việc nào có tính chất như trên bị đưa ra ánh sáng.

 

Cứ mỗi vụ việc được khui ra, ngoài khả năng răn đe, cảnh cáo thì đây cũng còn là “cơ hội” để các đối tượng làm ăn bất chính biết cách để tránh không lặp lại “mánh cũ”. Từ đây đã đẻ ra nhiều thủ thuật ngày càng tinh vi, đến nỗi chủ sở hữu chính thức của thương hiệu rượu cũng phải “chào thua”.

 

Ông Hoàng Đại Nghĩa nhấn mạnh: “Rượu ngoại luôn là mảnh đất màu mỡ nên rượu giả rượu ngoại vì thế cũng trở thành mục tiêu làm giả của các doanh nghiệp”.

 

Theo ông Nghĩa, đây là những đối tượng đã “lách luật” bằng cách nhập mã (code) để dán vào các chai rượu từ các đại lý chính hãng ở nước ngoài về. Song điều đáng nói là khâu pha chế và đóng chai lại diễn ra ở ... Việt Nam.

 

“Như vậy, nguồn gốc xuất xứ của chai rượu đó sẽ được xác định thế nào? Ngay cả trong trường hợp có xác nhận của chủ sở hữu thì mọi việc cũng không phải đơn giản, vì mã code đó là hoàn toàn chính xác”, ông Nghĩa nói.

 

Nhà quản lý hụt hơi

 

Với rượu ngoại thì vấn đề nóng nhất là rượu lậu (rượu lậu có thể là rượu giả, cũng có thể là rượu thật). Còn với vấn đề rượu giả, rượu kém chất lượng lưu hành trên thị trường Việt Nam, các cơ quan chức năng xác định nguồn cung chủ yếu đến từ các cơ sở sản xuất trong nước.

 

Theo thông tin từ cơ quan quản lý thị trường, việc sản xuất rượu giả, rượu kém chất lượng rất hiếm khi xảy ra đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp với quy mô lớn. Đây đều là các cơ sở được cấp phép, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bản quyền, thương hiệu.

 

“Vì thế, trong cuộc đấu tranh với rượu giả, rượu kém chất lượng, chúng tôi nhắm đến khu vực sản xuất rượu thủ công, các làng nghề. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nào nhưng có thể nói quy mô và sản lượng rượu ra đời từ các làng nghề này là không nhỏ”, đội trưởng đội chống hàng giả của Thành phố Hà Nội – ông Hoàng Đại Nghĩa - nhấn mạnh.

 

Từ những vụ việc nổi cộm về rượu giả, rượu kém chất lượng, ông Nghĩa rút ra một điểm nổi cộm: Rượu sản xuất ở các làng nghề (rượu cuốc lủi) có chứa quá nhiều độc tố nguy hiểm (như anđêhít, metanol, vv...). Đây đều là các thành phần liên quan đến cồn công nghiệp, gây ngộ độc nặng, dẫn đến tử vong, chứng tỏ người sản xuất đã chạy theo lợi nhuận và coi sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng bằng 0.

 

Một trong những ví dụ điển hình về sản xuất rượu giả từ làng nghề thủ công mà VietNamNet đã phản ánh là thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, đứng từ góc độ quản lý, ông Nghĩa cho rằng việc quản lý các làng nghề này không phải dễ dàng.

 

“Rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, quy trình cấp phép rất chặt chẽ. Nhưng ở các làng nghề chủ yếu sản xuất rượu tự phát, không ai quản lý được. Quản lý Nhà nước của ta hiện nay về vấn đề cấp phép, giám sát chưa thật sát, chưa cụ thể”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

 

Trở lại với câu chuyện của thôn Đại Lâm. Cán bộ xã cho biết người dân làm ăn chân chính đã nhiều lần phản ánh tình trạng dùng cồn công nghiệp để pha rượu, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, thay vì kiếm tra, bắt giữ và cấm hành vi vô lương tâm trên thì cán bộ xã chỉ biết báo cáo cấp trên rồi ... để đó, bởi “chưa tận mắt chứng kiến cảnh pha rượu bằng cồn”.

 

Một câu hỏi được đặt ra là nếu không có “động tác” gì thì liệu có thể có cơ hội để “tận mắt chứng kiến cảnh pha cồn thành rượu” được không?

 

Trong lúc chờ đợi các nhà quản lý đưa ra “động tác quản lý” thì rượu pha từ cồn công nghiệp không được khử độc tố ở Tam Đa hàng ngày vẫn ào ạt chảy về các địa phương lân cận, thậm chí “đến với tất cả các nơi có người uống rượu” như lời ông Trưởng công an xã Nguyễn Văn Quý tự tin khẳng định.


Tiến sỹ Tô Văn Nhật, phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Rượu AVINAA cho biết: hiện nay rất nhiều người tiêu dùng cứ nghĩ rượu quê tức là rượu gạo hay rượu làm từ rượu nếp là rượu ngon (họ lý giải rằng các cụ uống ngàn đời nay có sao đâu. Tuy nhiên họ không biết rằng nó ảnh hưởng tới tố chất giống nòi như: thể chất, trí tuệ, sự kém sức khỏe và trí nhớ về tuổi già, tuổi thọ trung bình không cao,…). Thực chất suy nghĩ đó là rất sai lầm và chưa hiểu đầy đủ về sự ‘bẩn’, sự độc hại của loại ‘rượu quê’ này. Chưa kể nhiều loại rượu quốc lủi hay rượu quê giả như đã nói ở trên thì lại càng độc và càng “bẩn”.

Hoa Thủy Tiên