- Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp. Cả 2 bệnh nhân mắc cúm gia cầm và tử vong từ đầu năm 2012 đến nay đều từng ăn nhiều gia cầm, tiết canh không rõ nguồn gốc từ trước. Trước tình hình này, nhiều người dân lo sợ mắc bệnh nên đã không dám mua các loại thịt gia cầm.

Nói “không” với gà, vịt

Thời điểm này, nhiều tiểu thương buôn bán gà vịt (sống, chín) tại các chợ Thành Công A, Thành Công B, chợ nhỏ trên phố Hào Nam (Hà Nội) đều than thở hàng hóa khó tiêu thụ vì người dân sợ nhiễm cúm gia cầm H5N1.

Chị Quang, tiểu thương chuyên bán thịt gà, vịt sống trong chợ Hào Nam cho biết thịt gà, vịt bắt đầu khó bán từ khoảng hơn 1 tuần nay. “Trước đây cả ngày bán được 30-40 con thì nay chỉ bán được khoảng 1/3. Mà những người mua cũng rất dè dặt”, chị Quang nói.


 
Nhiều bà nội trợ quay lưng với thịt gia cầm

Chị Quang cũng không thấy bất ngờ về diễn biến này, bởi chị biết báo chí đang nói nhiều đến dịch cúm gia cầm tái bùng phát gây chết người nên người dân sợ là phải. Kể từ thời điểm khó tiêu thụ, lượng gà vịt chị lấy về cũng sụt giảm. Đầu mối cung cấp kêu trời và đồng ý hạ giá một chút nhưng chị không dám liều vì sợ không bán nổi.

Hiện nay, giá vịt thành phẩm đã giảm khoảng 10-15% xuống mức 55-60.000 đồng/kg nhưng vẫn không nhiều người mua.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các chợ dân sinh khác trên địa bàn Hà Nội. Nhiều tiểu thương buôn bán gà vịt và cả những người bán thức ăn chín cho biết lượng người mua gà, vịt đang giảm dần.

Biểu hiện này của thị trường là logic với tâm lý của người tiêu dùng. Chị Ngân, trú tại Giảng Võ (quận Ba Đình) cho hay, đọc thông tin trên báo chí, chị thấy những người bị nhiễm và tử vong do nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 đều đã ăn gà, vịt trước đó. Trong đó có người ăn gia cầm ốm, chết của gia đình, lại có người ăn tiết canh, thịt gà, thịt vịt ở nhiều nơi và không rõ thức ăn nhiễm bệnh có nguồn gốc từ đâu.

Kể cả thịt gà, thịt vịt có kiểm dịch tôi cũng cân nhắc, vì tôi sợ biết đâu bên kiểm dịch họ làm không cẩn thận, để lọt lưới gia cầm ốm. Ngay cả thịt gà, thịt vịt trong siêu thị nhà tôi cũng không mua. Đây là thực phẩm ngon, quan trọng nhưng giờ cả nhà tôi đành chọn thực phẩm thay thế, cả trứng tôi cũng không dùng”, chị Ngân nói.

Trong khi thịt gà, thịt vịt tiêu thụ chậm thì các loại cá, thịt lợn lại có xu hướng tiêu thụ nhanh hơn thông thường. Các tiểu thương buôn thịt lợn, thịt bò, cá tươi, hải sản ở các chợ Thành Công A, Thành Công B cho biết khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng tiêu thụ hàng hóa của họ nhích nhẹ thêm khoảng 10-15%, tuy nhiên giá chưa đổi vì nhu cầu chưa phải đến mức tăng vọt.

Dịch bệnh trên gia cầm còn diễn biến phức tạp

Tình hình “ế ẩm” của thịt vịt, thịt gà có lẽ chưa có câu trả lời là khi nào sẽ chấm dứt. Nguyên nhân là vì theo nhận định của cơ quan chức năng, dịch bệnh trên gia cầm đang diễn biến rất phức tạp, nếu không có biện pháp khống chế hiệu quả thì dịch sẽ lan rộng, kéo dài trong thời gian tới.

Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm (CGC) đã xảy ra ở 13 tỉnh, thành phố, với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy khoảng 52.000 con, trong đó vịt chiếm gần 90%.

Cúm gia cầm vẫn đang bùng phát và lan rộng với ổ dịch bùng phát mới nhất xuất hiện là vào ngày 20/2 làm chết 145 con trên đàn vịt 180 con của một hộ chăn nuôi ở xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Theo báo cáo của Cục thú y (Bộ NN&PTNT) thì tính đến nay, cả nước có các tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Nam Định có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hà Nội thì cả năm 2011 và từ đầu năm 2012 đến nay trên địa bàn Hà Nội chưa có trường hợp bệnh nhân bị mắc cúm A/H5N1.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, hơn chục tỉnh đã công bố dịch, 9 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày, ngành y tế đã có các biện pháp phòng chống chủ yếu lây lan từ gia cầm sang người.

Cụ thể: Ngành y tế Hà Nội sẽ giám sát chặt chẽ việc viêm phổi, vi rút cấp tính... ở các cơ sở y tế và bệnh viện trung ương, bộ, ngành, thành phố, huyện. Nếu phát hiện trường hợp nào nghi cúm Sở sẽ thực hiện bao vây, xét nghiệm ngay và khoanh vùng xử lý. Hiện tại, ngành thú y đang tiêu trùng khử độc để phòng bệnh từ xa.

N.Anh