- Chúng tôi lội bộ cắt rừng vào Trà Ka, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam để tận mắt chứng kiến “đại công trường” phá sơn lâm, đâm hà bá diễn ra suốt nhiều tháng nay nơi vùng giáp ranh này...

Đại công trường khai thác gỗ lậu

Từ thủ phủ của huyện Bắc Trà My, chúng tôi bắt đầu hành trình lội bộ hơn 8 giờ đồng hồ mới đến được vùng rừng giáp ranh.

Nơi đây có đại công trường khai thác vàng và khai thác gỗ trái phép diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật.

Từ trên sườn dốc cheo leo giữa rừng thẳm, theo tay chỉ của người dẫn đường, đại công trường khai khoáng và khai thác rừng hiện ra dọc theo sông Lon thuộc địa bàn thôn 3 xã Trà Ka giống như bãi chiến trường bị bom B52 rải thảm những năm chiến tranh.

Những căn nhà tạm của phu vàng dựng lên giữa đại công trường khai vàng nhìn từ trên núi cao xuống.

Cuối con đường hun hút vào rừng xanh là “đại công trường” khai thác gỗ. Những xưởng cưa mọc lên nơi những thân cây gỗ quí hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc.

Một người dân địa phương tên Hồ N. đưa tay chỉ vào khu vực rừng xanh và bảo đó là những xưởng cưa gỗ rừng của mấy "ông lớn”.

Hỏi 'ông lớn' là ai? Anh Hồ N. lắc đầu và trả lời nhát gừng nói: Thì 'ông lớn' là 'ông lớn' chứ ai. Cán bộ hỏi khó nói lắm!

Chúng tôi hỏi: Thế chính quyền địa phương không biết à? Vẫn giọng trả lời tỉnh bơ: Không biết mới lạ. Nhưng không nói được đâu!




Những cây gỗ 2,3 người ôm bị triệt hạ

Chúng tôi đi thẳng theo con đường mới mở để vào khu vực đầu nguồn sông Lon.

Vượt qua đoạn đường hơn 3 km vừa mới mở, người dẫn đường đưa tay chỉ ngôi nhà nằm bên đường vừa đi qua là nhà của ông Hồ Văn Trần – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Ka.

Hàng nghìn m3 gỗ rừng nguyên sinh bị chặt phá chỉ cách nhà ông Phó Chủ tịch xã chưa đầy 1 km đường mới mở xuyên qua trước nhà.

Bỏ lại phía sau những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng trăm ha bị tàn phá trơ trọi, chúng tôi bắt đầu lội ngược ven sông để lên vùng thượng nguồn sông Lon.

Cận cảnh đại công trường khai vàng đầu nguồn sông Lon

Cạnh đại công trường khai thác gỗ lậu là đại công trường khai thác vàng. Tuyến đường vừa mới mở chủ yếu để phục vụ cho việc khai thác vàng.

đại công trường khai vàng đầu nguồn sông Lon như bãi chiến trường

Hỏi ai là người tổ chức khai thác vàng qui mô lớn tại đây? Không chút ngần ngại, người dẫn đường nói chắc như đinh đóng cột: Nơi đây là đại công trường của “tứ trụ” đại gia khai thác vàng ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Mỗi tỉnh có hai đại gia góp mặt vào đại công trường tại đây.

Cả vùng đầu nguồn sông Lon với nhiều nhánh sông nhỏ từ các cánh rừng nguyên sinh chảy ra đã bị đào bới nham nhở, nhìn như một bãi chiến trường.

Đứng ngay khu vực đầu nguồn sông Lon, không thể xác định được đâu là lòng sông.

Những chiếc xe xúc, xe ủi ầm ì nhả khói gầm rú, sục sạo đào bới đất đá dưới lòng sông rồi đưa lên máy xay và qua sàng tuyển quặng vàng.

Thấy người lạ, tưởng lực lượng truy quét xuất hiện, hơn 100 con người ốm yếu đang đứng ở các máy xay quặng và đang đào bới dưới lòng sông liền bỏ chạy vào rừng.



Từ rừng sâu, một gã dặt dẹo tự xưng tên Chín “xà beng” xuất hiện. Dáng người gầy còm như con nghiện.

Chín “xà beng” lân la làm quen và hỏi xin thuốc hút. Hỏi Chín về ông chủ của đại công trường khai vàng này, không chút suy nghĩ, sau khi rít một hơi dài điếu thuốc lá, Chín kể vanh vách những đại gia chủ bãi vàng này.

Góc đầu thượng nguồn là lãnh địa của hai ông chủ Võ Ngọc H. (49 tuổi) và Phan Văn Q. (1974). Hai ông chủ này quê tại xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, Quảng Nam).

Còn phía bên dưới, gần sát Tây Trà, Quảng Ngãi là lãnh địa của hai ông trùm khai khoán tên Đ. và T., quê Quảng Ngãi.

Chín “xà beng” bảo, trước đây đầu quân cho chủ bãi tên H.. Nhưng do sức khoẻ yếu kém nên dạt bãi và bây giờ dặt dẹo kiếm xái vàng qua ngày.

Tại lãnh địa bãi vàng đầu nguồn sông Lon, cả một vùng trắng bị cày xới, cây cối bị chôn vùi, bật gốc.



Cạnh bên là chiếc xe múc đang đào đất bên hẻm núi, trên xe có in hàng chữ 'Công ty Cổ phần Lộc Hà".

Cạnh bên là 4 giàn đãi vàng và gần 10 chiếc máy nổ đang nằm ngổn ngang bên dòng sông.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Ka Hồ Văn Trần bảo rằng: “Việc mở tuyến đường từ khu vực dân cư thôn 3 vào đầu nguồn sông Lon là do người dân tại khu vực làm đơn xin xã. Đó là tuyến đường cần cho việc dân sinh, để khai thác rừng trồng của dân. Dân làm đơn xin cho các chủ bãi mở đường và khai thác vàng để bù vào chi phí.

Tuy nhiên, xã không dám duyệt và chuyển đơn lên huyện, huyện cũng không cho phép.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, những người dân tại địa phương cũng vô cùng bức xúc và khẳng định tuyến đường hơn 10 km từ thôn 3 mở vào khu vực đầu nguồn sông Lon là do các chủ bãi vàng tự ý mở để phục vụ cho việc khai thác vàng và tàn phá rừng nguyên sinh đầu nguồn.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện thừa nhận, việc phá rừng khai thác vàng trái phép tại khu vực này là có thật. 

Ông Tuấn cho hay, huyện đã tổ chức nhiều đoàn truy quét, nhưng đây là vùng giáp ranh hai tỉnh nên rất khó khăn.

Hỏi chuyện mở hơn 10 km đường vào rừng nguyên sinh chính quyền địa phương không hề biết, ông Tuấn từ chối không trả lời và bảo để kiểm tra.

Trở về lại Tam Kỳ, tìm gặp Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh. Ông Thanh ngạc nhiên và bảo không hề nghe báo cáo về vụ thanh sát rừng đầu nguồn này. Và ông bảo để... kiểm tra.

Huyện bảo để kiểm tra, tỉnh cũng bảo vậy. Không biết đến bao giờ mới kiểm tra. Trong khi rừng vẫn đang bị tàn phá là điều có thực!

Vũ Trung - T.T